Đặng Văn Lâm là gương mặt mới nhất gây ấn tượng mạnh mẽ trong đội quân Việt kiều. Nói như HLV Nguyễn Thành Vinh thì anh chàng gốc Nga này vẫn cần thêm thời gian khẳng định, nhưng ở Lâm “tây” hội tụ nhiều tố chất trội hơn các thủ môn “ta”.
Ghi nhận và rất phấn khởi với màn ra mắt chính thức của Văn Lâm, nhưng bản thân HLV Hữu Thắng cũng tỏ ra thận trọng. Theo ông, với bất cứ cầu thủ nào, duy trì được phong độ ổn định, đặc biệt ở những trận đấu lớn mới là điều quan trọng nhất.
Mà sự ổn định thì chính là hạn chế lớn của các cầu thủ Việt kiều. Trước Văn Lâm, tuyển Việt Nam đã từng rất kỳ vọng vào Michal Nguyễn và Mạc Hồng Quân, nhưng lúc này, cả hai đều không còn được triệu tập.
Michal Nguyễn mất 4 năm vẫn chưa thực sự hoà nhập được với lối chơi và cả những... tiểu xảo của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Quốc Bảo. |
Với Michal Nguyễn, cái khó nhất của anh là sự thích nghi với cách đá bóng ở Việt Nam. Như chia sẻ của bố anh trong chuyến làm khách của tuyển Việt Nam trên đất Hong Kong đầu năm 2013, Michal Nguyễn ở Banik Most (CH Czech) quen chơi trung vệ theo kiểu bao quát và chủ động, anh là một chốt chặn tham gia vào cả hệ thống phòng ngự lẫn tấn công nếu có cơ hội.
Nhưng về Việt Nam, khi Michal Nguyễn dâng lên, không có đồng đội nào hỗ trợ hay bọc lót. Vì vậy, các nhà phân tích chỉ nhìn thấy khoảng trống do anh để lại mà thôi.
Còn Mạc Hồng Quân, những ngày ra mắt của anh trên tuyển Việt Nam cũng như U23 thực sự màu hồng. Anh được ngợi khen vồ vập, nào là thể hình đẹp, bước chạy mềm mại, đặc biệt là tư duy chiến thuật hiện đại…
Nhưng theo thời gian, sự hiệu quả của tiền đạo điển trai này ngày một phôi pha. Cách chuyền bóng vào “vùng sáng” của Hồng Quân theo bài của “Tây” là đúng, nhưng với thói quen chạy chỗ của “ta” thì lại là… sai.
Năng suất ghi bàn của anh cũng trở nên thảm hại theo niềm tin đi xuống và số lượng bạn gái đi lên. Sau kỳ SEA Games 2015 khủng hoảng vì bỏ lỡ quá nhiều cơ hội khiến U23 của thầy Miura dừng bước từ bán kết, Hồng Quân gần như tự khép lại cánh cửa lên tuyển lớn.
Mạc Hồng Quân từng để lại rất nhiều kỳ vọng trong ngày ra mắt tuyển Việt Nam, nhưng sau đó, anh tự đánh rơi cơ hội của mình. Ảnh: Quốc Bảo. |
Trong những ngày đầu cầm tuyển Việt Nam, Hữu Thắng không quên Mạc Hồng Quân. Nhưng rồi ông cũng nhanh chóng gạch tên anh ra khỏi danh sách đăng ký cho trận ra mắt của mình (gặp Đài Loan).
Lúc này, trước sức ép phải tìm một trung phong cắm thực thụ, có thể ông Thắng sẽ lại để mắt đến Hồng Quân, nhưng phong độ của anh trong màu áo Quảng Ninh lại thiếu thuyết phục.
Đương nhiên, lực lượng cầu thủ gốc Việt đang chơi bóng ở nước ngoài và có mơ ước khoác áo tuyển Việt Nam còn rất nhiều. Nhưng sử dụng được họ thì không hề dễ.
Ludovic Casset là một trong những cầu thủ Việt kiều đầu tiên trở về cống hiến, nhưng HLV Tavares tinh đời đã loại anh ngay sau một vài buổi tập, vì trình độ không tương xứng. Sau đó đến Toni Lê Hoàng, người có bản lý lịch rất đẹp ở Ba Lan nhưng hoá ra về Hà Nội đi đá “phủi” cũng chỉ làng nhàng.
Danh sách Việt kiều thất bại còn kéo rất dài, mà khó hiểu nhất là trường hợp Lee Nguyễn. Anh thành công ở tất cả các đội bóng đầu quân, trừ HAGL và Bình Dương. Người ta bảo đấy là thất bại do… đường ăn ở.
Cái đường ăn ở và những trở ngại khác về khí hậu, quan điểm chơi bóng… cũng chính là nguyên nhân làm tan vỡ giấc mơ của anh em nhà Emil – Patrick Lê Giang, Nguyễn Thanh Giang, Michel Lê hay Johnny Nguyễn… Họ đều được những HLV rất uy tín người Việt giới thiệu về, nhưng khi thử việc ở những CLB tầm trung thì chia tay chóng vánh.
Có một cầu thủ gốc Việt khác từng lọt vào “mắt xanh” của các tuyển trạch viên người Việt, là Tristan Do. Thật tiếc là Tristan Do đã khoác áo Thái Lan.