Ngày 2/6, CLB Viettel xác nhận Trọng Hoàng rách cơ đùi, sẽ phải nghỉ thi đấu khoảng 3 tuần. Hoàng “Bò” là tuyển thủ quốc gia tiếp theo dính chấn thương trong giai đoạn bóng đá trở lại. Trước anh, Hà Đức Chinh, Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Trọng Hùng đều không thể dự vòng 1/8 Cúp quốc gia vì các chấn thương khác nhau.
Văn Quyết ngồi ngoài vì chấn thương trong một buổi tập của CLB Hà Nội. Ảnh: Minh Chiến. |
Trước đó, Nguyễn Văn Toàn, Tuấn Anh, tân Quả bóng vàng Đỗ Hùng Dũng... đều đã bị đau nhẹ. Ở các cấp độ thấp hơn, nhiều CLB V.League và hạng Nhất cũng ghi nhận hiện tượng chấn thương khi bóng đá Việt Nam trở lại.
Đâu là lý do dẫn tới tình trạng này?
Thông thường, các CLB đều trải qua 2 giai đoạn chuẩn bị trước mùa giải. Giai đoạn một tập nặng ban đầu, chú trọng gia tăng sức mạnh, sức bền trước khi chuyển sang giai đoạn hai, tập trung chiến thuật và bắt đầu thi đấu giao hữu. Quá trình này thường cần khoảng 2 tháng. Nhiều CLB thậm chí đã tập trung từ cuối tháng 12/2019. Họ đã có khoảng 3 tháng chuẩn bị trước khi V.League khởi tranh.
Tuy nhiên, khi giải đấu bất ngờ hoãn lại sau ngày 15/3, các CLB bước vào một giai đoạn tập luyện khó khăn. Một số đội bóng cấm trại hoàn toàn, vẫn duy trì tập luyện, một số đội như CLB Hà Nội, Hải Phòng phải cho cầu thủ về nhà nghỉ ngơi, chờ thông báo mới.
Hà Đức Chinh rời sân ở vòng 1/8 Cúp quốc gia vừa qua vì chấn thương. Ảnh: Quang Thịnh. |
Quan trọng hơn, các đội chuyển từ tập luyện có mục đích sang tập luyện duy trì thể lực. Diễn biến phức tạp của dịch trong giai đoạn đó khiến các đội bóng không thể lên được một lịnh trình chính xác, không thể xác định mốc điểm rơi phong độ phù hợp cho cầu thủ.
Ngày 13/5, Hội nghị Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thông báo các giải đấu quay trở lại. Sau đó đúng 10 ngày, Cúp Quốc gia có trận đầu tiên giữa Nam Định và HAGL. Đến cuối tháng 5, cả hệ thống bóng đá phải trở lại với vòng 1/8 Cúp Quốc gia. Nghĩa là những sự chuẩn bị lẽ ra diễn ra trong 2 tháng đã bị rút gọn xuống 2 tuần. Chính điều đó là nguyên nhân dẫn tới hàng loạt chấn thương của cầu thủ.
Cựu HLV trưởng tuyển Việt Nam Trần Bình Sự giải thích: “Khi cầu thủ chuẩn bị cho một mùa giải, họ đã chuẩn bị hoàn thiện về thể lực, kỹ thuật, chiến thuật, tâm lý thi đấu. Họ đã trải qua giai đoạn tập nặng, các hệ thống dây chằng, cơ, khớp đã ổn định thì họ sẽ đỡ chấn thương. Nhưng khi giải đấu tạm hoãn vì dịch Covid-19, các cầu thủ không còn được tập luyện ổn định. Điều đó khiến họ không có giai đoạn chuẩn bị tốt. Bởi thế, họ dễ dính chấn thương khi giải trở lại”.
Nguyên nhân phụ khác dẫn tới tình trạng này là tiền sử chấn thương và thời tiết. Trong nhóm tuyển thủ, Đức Chinh, Văn Quyết, Trọng Hùng đều là những người từng dính chấn thương nhiều lần trong quá khứ và hiện không có một cơ địa tốt. Khi không được chuẩn bị đầy đủ, họ là nhóm đối tượng dễ tái phát nhất.
Chấn thương là cơn đau đầu với các HLV tại V.League thời điểm này. Ảnh: Minh Chiến. |
Một lý do khác nằm ở thời tiết. Bóng đá Việt Nam trở lại đúng thời kỳ mùa nóng bắt đầu ở miền Bắc và miền Trung. Thời tiết nắng nóng khiến các cầu thủ mất nhiều nước và xuống sức nhanh. Đây cũng là lý do khiến nhiều ngoại binh châu Âu, vốn quen với thời tiết ôn đới lạnh, gặp vấn đề thể lực. Trường hợp mới nhất là ngoại binh Damir Memovic (Serbia). Anh đã phải nghỉ trận Nam Định - HAGL vì chấn thương, góp phần khiến đội bóng phố núi bị loại ở Cúp Quốc gia.
Tuy nhiên, HLV Trần Bình Sự tin rằng tình hình sẽ cải thiện hơn trong thời gian tới khi bóng đá vào guồng trở lại. Việc được thi đấu liên tục, tập luyện có mục đích sẽ giúp cầu thủ trở lại trạng thái sẵn sàng. Ông cũng tin rằng tuyển quốc gia vẫn may mắn vì các chấn thương hiện tại của Trọng Hoàng, Trọng Hùng hay Đức Chinh đều không quá nghiêm trọng.
Trong dài hạn, việc V.League trở lại sớm sẽ tạo ra lợi thế lớn cho tuyển Việt Nam trước các đối thủ. Lấy Malaysia hay Thái Lan làm ví dụ, họ sẽ trải qua tình trạng tương tự tuyển Việt Nam khi hệ thống quốc nội trở lại. Mà đó lại là thời điểm gần sát với vòng loại World Cup 2022 vào cuối năm.