Thành phố Trùng Khánh ở miền núi tây nam Trung Quốc vừa chứng kiến trận lụt lớn nhất nhiều thập kỷ, khi sông Trường Giang ghi nhận trận lũ số 5 trong năm nay với lưu lượng lịch sử, đe dọa an toàn đập Tam Hiệp.
Mực nước được ghi nhận tại trạm Thốn Than, trạm thủy văn chính ở thượn nguồn Trường Giang, đặt tại Trùng Khánh, là 191,62 mét vào lúc 8h15 ngày 20/8. Mực nước này cao hơn 8,12 mét so với mức an toàn và là cao nhất kể từ khi trạm thủy văn Thốn Than ra đời năm 1939.
Lũ lụt tại Trùng Khánh hôm 19/8. Ảnh: AFP/Getty. |
Một câu hỏi được đặt ra là vì sao Trùng Khánh lại có lũ lớn và bị ngập nghiêm trọng đến vậy dù thành phố hầu như không có mưa lớn trong những ngày trước đó. Theo một bài viết trên Tân Hoa Xã, có ít nhất 3 lý do.
Thượng nguồn mưa lớn
Dù thành phố Trùng Khánh không có mưa lớn, tỉnh láng giềng Tứ Xuyên lại có mưa lớn đến rất lớn. Tỉnh này đã nâng ứng phó chống lũ lên cấp 1, mức cao nhất trong thang 4 cấp, chỉ trong vòng 8 ngày, tính từ hôm 11/8 khi kích hoạt ứng phó cấp 1.
Một phần lớn diện tích Tứ Xuyên và Trùng Khánh nằm trong bồn địa Tứ Xuyên, vùng trũng thấp được bao bọc ở các dãy núi cao hơn xung quanh. Biến đổi địa thế tổng thể của khu vực này là tây cao đông thấp, bắc cao nam thấp, trong đó Trùng Khánh nằm ở phía đông nam bồn địa.
Dòng chính của sông Trường Giang chảy từ tây sang đông dọc theo rìa phía tây và phía nam của bồn địa Tứ Xuyên. Ba phụ lưu chính của sông Trường Giang ở thượng nguồn, bao gồm sông Dân, sông Đà và sông Gia Lăng, đều chảy qua Tứ Xuyên theo hướng bắc - nam rồi đổ vào Trường Giang.
Mưa lớn khiến cả sông Dân, sông Đà, sông Gia Lăng cũng như các phụ lưu khác của sông Trường Giang tại Tứ Xuyên đều dâng cao kỷ lục, theo Trương Na, phó trưởng phòng dự báo thủy văn thuộc Cục Thủy văn Thượng nguồn, Ủy ban Trường Giang.
Nếu tưởng tượng Tứ Xuyên là một cái thùng chứa đầy nước, thì nếu nước từ thùng tràn ra, Trùng Khánh sẽ là một trong những nơi hứng chịu đầu tiên vì nằm ở địa thế thấp hơn.
Trùng Khánh nằm ở phía đông nam bồn địa Tứ Xuyên, trong khi Thành Đô, tỉnh lỵ Tứ Xuyên, nằm về phía tây bắc. Đồ họa: Tân Hoa Xã. |
Lũ chồng lũ
"Trường Giang sóng sau xô sóng trước", câu nói này có thể mô tả thực tế tình hình đợt lũ lụt lần này tại Trùng Khánh, theo nghĩa đen.
Theo chuyên gia dự báo thời tiết Hùng Kim của Ủy ban Trường Giang, đặc điểm nổi bật nhất của trận lũ số 5, hình thành trên sông Trường Giang hôm 17/8, là "nước cũ chưa rút, nước mới đã về".
Trung Quốc xây dựng hệ thống đánh số lũ trên sông Trường Giang, quy định nếu lưu lượng chảy vào hồ chứa đập Tam Hiệp đạt 50.000 m3/giây thì tiến hành đánh số, công bố lũ, theo báo Science and Technology Daily của Trung Quốc.
Từ đầu tháng 7 đến nay, Trường Giang đã ghi nhận 5 trận lũ như vậy, khiến mực nước sông Gia Lăng và sông Trường Giang ở Trùng Khánh đều luôn duy trì ở mức cao, khả năng tiếp nhận lượng nước mới tương đối nhỏ.
Trận lũ số 4 trên sông Trường Giang hình thành hôm 14/8, có nghĩa là chỉ 3 ngày trước khi trận lũ số 5 hình thành. Cùng lúc, trận lũ số 2 trên sông Gia Lăng hình thành sau trận lũ số 1 chỉ 4 ngày.
Sông Trường Giang chảy qua Trùng Khánh. Ảnh: Bloomberg. |
Hai con sông này gặp nhau chính tại Trùng Khánh, tạo nên tình thế kiềm chế lẫn nhau khiến lũ rút chậm.
"Thông thường lũ trên sông Trường Giang sẽ về mức an toàn trong vòng 1 đến 2 ngày (sau khi đạt đỉnh), lần này mất 3 ngày. Dự kiến ngày 23/8, mực nước sông tại Trùng Khánh sẽ giảm xuống dưới mức an toàn", chuyên gia thủy văn Trương Na cho hay.
Nhiều sông hợp lưu
Theo thống kê của cơ quan thủy lợi Trùng Khánh, thành phố có 510 con sông chảy qua với diện tích lưu vực rộng hơn 50 km2, trải khắp từ đông sang tây, từ bắc xuống nam.
Khu vực trung tâm đô thị bị ảnh hưởng nặng nề nằm tại nơi hợp lưu của hai sông Trường Giang và Gia Lăng. Các địa điểm nổi tiếng như Triều Thiên Môn, Hồng Nhai Động và đường Nam Tân đều nằm trong khu vực hợp lưu này.
Sông Gia Lăng và sông Trường Giang gặp nhau tại Trùng Khánh. Đồ họa: Tân Hoa Xã. |
Vì là thành phố miền núi, Trùng Khánh có nhiều sông suối nhỏ chảy qua các thung lũng hẹp, khiến lũ dễ dàng dâng cao.
Trùng Khánh cũng nằm về phía cuối của hồ chứa đập Tam Hiệp. Mọi biến động đối với hồ chứa công trình thủy điện lớn nhất thế giới này đều có ảnh hưởng đến các vùng đất xung quanh.
Mực nước tại hồ chứa đã đạt 167,65 mét hôm 22/8, mức cao nhất từ khi hồ chứa hoàn thành và bắt đầu tích nước năm 2003.
Theo dự báo, từ ngày 23 đến ngày 26/8, lưu vực Trường Giang từ tây sang đông sẽ có một đợt mưa nữa với lượng từ trung bình đến lớn. Trong đó, vào ngày 23/8, sông Dân và sông Đà có mưa trung bình đến lớn, có nơi mưa rất lớn.