Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vì sao Trịnh Châu hứng trận mưa 'nghìn năm có một'?

Áp suất khí quyển, bão và địa hình góp phần gây ra trận mưa lịch sử ở thủ phủ Trịnh Châu của tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), qua đó gióng lên cảnh báo về hậu quả của biến đổi khí hậu.

nguyen nhan lu o Ha Nam anh 1

Nhiều khu vực ở tỉnh Hà Nam, thuộc miền Trung của Trung Quốc, đang chìm trong nước lũ nghiêm trọng.

Trong số này, thủ phủ Trịnh Châu gánh hậu quả nghiêm trọng nhất, sau khi hứng chịu trận mưa lớn chưa từng thấy, mà cơ quan thời tiết của thành phố miêu tả là "nghìn năm có một", theo Reuters.

Theo Trung tâm Khí tượng Quốc gia, lượng mưa tích lũy đạt 622,7 mm ở thủ phủ tỉnh Trịnh Châu trong khoảng thời gian từ 2h sáng 20/7 đến 2h sáng 21/7, gần bằng lượng mưa trung bình hàng năm của thành phố là 640,8 mm.

Trận mưa lũ khiến ít nhất 25 người thiệt mạng. Khoảng 100.000 người đã được sơ tán đến nơi an toàn. Hàng nghìn nhân viên cứu hộ, bao gồm binh lính và lính cứu hỏa, được điều động đến thành phố.

Các sự kiện thời tiết cực đoan gần đây ở Trung Quốc, Bắc Mỹ và châu Âu "đều là những lời cảnh tỉnh nhắc nhở mọi người về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu", Liu Junyan, nhà vận động năng lượng và khí hậu Đông Á của tổ chức Greenpeace, nói, theo CGTN.

Nguyên nhân

Một số yếu tố, bao gồm áp suất khí quyển, bão và địa hình, đã góp phần gây ra trận mưa như trút nước bất thường ở tỉnh.

Trên biển Nhật Bản và phía tây bắc Trung Quốc, áp suất khí quyển cao lục địa duy trì ổn định. Điều kiện này, kết hợp áp suất khí quyển cao cận nhiệt đới ở Tây Thái Bình Dương đã dẫn đến tù đọng mưa ở phần trung tâm và phía tây của Hà Nam.

nguyen nhan lu o Ha Nam anh 2

Xe nổi lềnh bềnh trên đường phố Trịnh Châu. Ảnh: Telegraph.

Hà Nam vào giữa tháng 7 nằm ở rìa của vùng áp suất cao cận nhiệt đới, với sự bất ổn định đối lưu có khả năng gây ra hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, chẳng hạn như mưa và giông, theo CGTN.

Trong khi đó, cơn bão "In-Fa" đang tiến đến tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc, đẩy một lượng lớn hơi nước vào các khu vực lục địa của đất nước, góp phần làm trầm trọng thêm cơn mưa lớn ở tỉnh Hà Nam.

Địa hình đặc biệt trong khu vực, chẳng hạn như núi Thái Hành và Phục Ngưu, là một lý do khác. Luồng không khí khi va chạm các ngọn núi sẽ hội tụ và bốc lên trên xung quanh khu vực, tạo nên mưa lớn tập trung và ổn định.

Đối lưu Mesoscale cũng nhiều lần phát triển ở các khu vực miền núi và di chuyển về phía Trịnh Châu, dẫn đến mưa dữ dội và kéo dài.

Chuyên gia Zhang Ning của Sở Khí tượng tỉnh Hà Nam cho biết từ ngày 22/7 đến ngày 26/7, Hà Nam sẽ có các cơn giông bão phân tán nhưng không có mưa to trên quy mô lớn.

Nguy cơ vỡ đê

Tại thành phố Lạc Dương của tỉnh Hà Nam, con đê Yihetan, phía tây thành phố Trịnh Châu đã bị vỡ một đoạn khoảng 20 m. Quân đội Trung Quốc cho biết con đập có nguy cơ “sập bất cứ lúc nào”.

Ở Trịnh Châu, vào lúc 1h30 sáng 21/7, hồ chứa Quách Gia Chủy đã bị vỡ. Trong khi đó, mực nước tại hồ chứa Trường Trang và sông Giả Lỗ đều vượt mức báo động.

Hàng chục hồ chứa, đập khác cũng được cảnh báo là có nguy cơ vỡ hoặc sập.

nguyen nhan lu o Ha Nam anh 3

Nước mưa ngập đến nửa người trên đường phố Trịnh Châu. Ảnh: Reuters.

Trước đó, hai con đập ở thành phố Hô Luân Bối Nhĩ tại khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc bị vỡ vào chiều 18/7.

Trong đợt lũ năm ngoái, Trung Quốc chứng kiến hàng loạt vụ vỡ đê, đập. Đoạn đê dài khoảng 50 m trên sông Dương Tử, đoạn đi qua huyện Phiên Dương, tỉnh Giang Tây, bị vỡ vào ngày 8/7/2020 sau nhiều ngày mưa lũ lớn, khiến 9.000 dân phải sơ tán.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV ngày 11/7/2020 đưa tin rằng toàn huyện Bà Dương, tỉnh Giang Tây đã có 14 đê bao xuất hiện tình trạng vỡ, bao gồm 2 đê lớn.

Tại huyện Lư Giang, An Huy, khoảng 50 m đê Shidawei bị vỡ vào 22/7/2020 do mưa lớn liên tục, khiến mực nước hồ Sào Hồ dâng cao.

2,4 km đập Tam Hiệp, công trình thủy điện lớn nhất thế giới, trên sông Dương Tử ở tỉnh Hồ Bắc được ghi nhận bị “biến dạng nhẹ” vào ngày 18/7/2020, khi nước lũ ở các tỉnh Tứ Xuyên và Trùng Khánh ở thượng nguồn chạm kỷ lục 61.000 m3/giây.

Cuối tháng 7/2020, đập này ghi nhận mực nước cao 164,2 m, trong khi mực nước tối đa mà hồ chứa có thể tiếp nhận là 175 m.

Theo ông Michael Auslin, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Hoover, Đại học Stanford, Mỹ, nếu đập Tam Hiệp bị sập, nó sẽ có sức công phá như thảm họa Chernobyl.

nguyen nhan lu o Ha Nam anh 4

Một góc thành phố Trịnh Châu nhìn từ trên cao sau trận mưa lũ kỷ lục ngày 20/7. Ảnh: Reuters.

Hệ quả của biến đổi khí hậu

Giống như các đợt nắng nóng gần đây ở Mỹ và Canada và lũ lụt nghiêm trọng ở Tây Âu, trận mưa lũ ở Trung Quốc gần như chắc chắn có liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu, các nhà khoa học nói với Reuters.

Mưa lớn kéo dài và lũ lụt bất thường ở Tây Âu vào giữa tháng 7, gây ra trận lũ tồi tệ nhất trong vòng 200 năm ở Đức, và ảnh hưởng nặng đến Bỉ và Hà Lan. Trận lũ lụt khiến gần 200 người thiệt mạng và hàng nghìn người mất tích và mất nhà cửa.

Moscow, Nga cũng ghi nhận mực nhiệt cao cao nhất trong 120 năm, với 34,7 độ C hôm 21/6.

Tại Mỹ và Canada, đợt nắng nóng kỷ lục bắt đầu từ cuối tháng 6 được cho là đã khiến trăm người chết. Sóng nhiệt kèm khô hạn kéo dài cũng gây ra cháy rừng lớn ở cả hai nước.

Mùa màng ở Bangladesh bị hủy hoại, nhiều ngôi làng ở Honduras bị san phẳng, các quốc đảo nhỏ đứng trước nguy cơ bị xóa sổ vì nước biển dâng cao.

Trung Quốc bị ngập lụt nghiêm trọng hàng năm, gây thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, trong những năm qua, hệ quả mà nó để lại ngày càng nghiêm trong do tác động của biến đổi khí hậu và tốc độ đô thị hóa nhanh.

Khi càng nhiều bê tông bao phủ mặt đất, nguy cơ ngập úng càng tăng, theo Indian Express.

nguyen nhan lu o Ha Nam anh 5

Xe cộ bị xô đẩy trong trận mưa lũ ở Trịnh Châu. Ảnh: AFP.

Benjamin Horton, giám đốc Đài Quan sát Trái Đất của Singapore, nói rằng với sự ấm lên toàn cầu, bầu khí quyển của Trái Đất giữ nhiều độ ẩm hơn, dẫn đến những trận mưa như trút nước.

Theo Li Shuo, nhà phân tích khí hậu của tổ chức Greenpace, lũ lụt “gióng lên hồi chuông cảnh báo cho Trung Quốc rằng tình trạng biến đổi khí hậu đang thực sự xảy ra ở đây", theo AFP đưa tin.

"Biến đổi khí hậu khiến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như sóng nhiệt và lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn, gây chết người nhiều hơn trong 20 năm qua", Liu Junyan, nhà vận động năng lượng và khí hậu tại Đông Á của tổ chức Greenpeace, nói.

Johnny Chan, giáo sư khoa học khí quyển tại Đại học Thành phố Hong Kong, thì phân tích trên Reuters rằng điểm chung ở đây rõ ràng là hiện tượng nóng lên toàn cầu.

"Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như vậy có thể sẽ trở nên thường xuyên hơn trong tương lai. Điều cần thiết là các cấp chính quyền (thành phố, tỉnh và quốc gia) phải phát triển chiến lược để thích ứng với những thay đổi đó”, ông Chan nói.

Nước lụt ngập đến nửa người trong trận mưa lịch sử ở Trung Quốc Ít nhất 25 người thiệt mạng trong trận lụt tại thủ phủ Trịnh Châu của tỉnh Hà Nam. Nước mưa làm ngập hệ thống tàu điện ngầm và nhiều tuyến đường trong thành phố.

Trung Quốc dự báo lũ ở Tiêu Tác nhưng thảm họa lại rơi vào Trịnh Châu

Cơ quan dự báo thời tiết đã cảnh báo sẽ có mưa lớn trước khi trận lũ kinh hoàng quét qua miền Trung nước này, nhưng thời gian và địa điểm dự báo đã không giống thực tế diễn ra.

25 người chết ở Trung Quốc trong trận mưa 'nghìn năm có một'

Ít nhất 25 người thiệt mạng trong đợt mưa to kỷ lục, mà giới chức Trung Quốc miêu tả là lớn chưa từng có suốt 1.000 năm qua, tại tỉnh Hà Nam.

Ông Tập Cận Bình: Tình trạng lũ lụt ở Trung Quốc rất nghiêm trọng

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố tình trạng lũ lụt tại tỉnh Hà Nam "rất nghiêm trọng", khi các đập bị vỡ và nước sông tràn bờ.

Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm