Hôm 21/7, bà Su Aifang, Phó giám đốc cơ quan khí tượng tỉnh Hà Nam, nói rằng chính quyền tỉnh đã được cảnh báo về nguy cơ thời tiết cực đoan từ ngày 15/7, theo South China Morning Post.
Hôm 17/7, chính quyền địa phương cũng đã di dời một số người dân khỏi khu vực trũng thấp ở Tiêu Tác (thị trấn ở phía tây bắc của tỉnh), nơi có thể đối mặt với trận lũ "trăm năm có một". Lượng mưa được dự báo có thể lên tới 500 mm hôm 19/7.
Các khu vực còn lại, trong đó có thủ phủ Trịnh Châu, được dự báo sẽ có mưa ít hơn.
Tuy nhiên, thay vì Tiêu Tác, Trịnh Châu hôm 20/7 bất ngờ chứng kiến lượng mưa hơn 200 mm chỉ trong một giờ, chậm hơn một ngày so với dự báo. Chính quyền thành phố buộc phải ban bố cảnh báo đỏ, nhưng khi đó hầu hết người dân đã trên đường đi làm.
Với lượng mưa đạt 622,7 mm sau 24 giờ, trận mưa lũ đã khiến ít nhất 25 người đã thiệt mạng. Giới chức Trung Quốc miêu tả đây là trận mưa lớn chưa từng có suốt 1.000 năm qua ở nước này.
Nguồn cấp điện và nước sinh hoạt từ quận này sang quận khác ở Trịnh Châu cũng bị phá hủy.
Lượng mưa ở Trịnh Châu đạt 200 mm chỉ sau một giờ hôm 20/7. Đây là mức cao nhất từng ghi nhận ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Ông Chen Tao, đại diện Trung tâm Khí tượng Quốc gia, hôm 21/7 nói rằng dù Trung Quốc đã nỗ lực cải thiện khả năng dự báo các hoạt động thời tiết cực đoan, "đây vẫn là một thách thức lớn trên thế giới".
Bà Su ở cơ quan khí tượng Hà Nam nói rằng cả đội ngũ đã làm việc theo ca suốt 24 giờ trong tuần qua.
Trước sáng 21/7, cơ quan này đã liên tục cập nhật dữ liệu và phát đi hơn 1.000 cảnh báo.
Năm 2020, theo một nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc, tỷ lệ dự báo của các cơ quan thời tiết nước này về lượng mưa trong 24 giờ đạt độ chính xác khoảng 20% vào năm 2019, tăng lên so với mức 15% năm 2008.
Ngay cả ở Mỹ, Nhật Bản hay các quốc gia châu Âu, mức độ chính xác cũng vào khoảng 30%.
Có ý kiến cho rằng việc thiếu các trạm quan trắc ở Trịnh Châu cũng là một trong những nguyên nhân khiến khả năng dự báo bị hạn chế và làm vụ thiên tai thêm trầm trọng.