Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vì sao Triều Tiên công bố vụ phóng tên lửa đầu tiên từ tàu hỏa?

Khu vực Đông Bắc Á một lần nữa nóng lên với các vụ phóng tên lửa liên tiếp, làm dấy lên lo ngại một cuộc chạy đua vũ trang mới đang nhen nhóm.

ten lua trieu tien anh 1

Trong chưa đầy 7 ngày, Triều Tiên đã liên tiếp phóng 3 quả tên lửa, trong đó có 2 tên lửa đạn đạo, và 1 quả còn lại là tên lửa hành trình.

Những hành động mới nhất cho thấy Triều Tiên đang tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển những vũ khí đa dạng và phức tạp hơn để gắn vào đó đầu đạn hạt nhân của nước này, và đại dịch dường như không ngăn nổi tham vọng của Bình Nhưỡng.

Triều Tiên trở lại con đường cũ?

Sau những cuộc gặp gây nhiều chú ý giữa nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump các năm 2018 và 2019, Triều Tiên đã dần khôi phục chương trình phát triển vũ khí kể từ mùa xuân 2019.

Bình Nhưỡng cho thấy quyết tâm đầu tư cho năng lực răn đe hạt nhân và một chiến lược quốc phòng "tự lực tự cường".

Đại dịch Covid-19 và các thảm họa tự nhiên được cho là khiến nền kinh tế Triều Tiên, vốn đã khó khăn, càng thêm chật vật. Nhưng có nhiều lý do khiến chính quyền Bình Nhưỡng tiếp tục đổ tiền của vào chương trình phát triển vũ khí tốn kém.

Về mặt nội bộ, những cuộc phóng tên lửa giúp củng cố những tuyên bố của giới lãnh đạo Triều Tiên về nền quốc phòng tự chủ, tự lực.

ten lua trieu tien anh 2

Tên lửa phóng từ tàu hỏa của Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

Đồng thời, nó cũng có thể được coi là liều doping khích lệ sĩ khí của lực lượng vũ trang, dù rất khó để nói hiệu quả lâu dài của liều thuốc tinh thần này đến đâu, trong bối cảnh Triều Tiên đang thiếu lương thực trầm trọng.

Về mặt thực tiễn, những vũ khí mới như tên lửa hành trình sẽ làm phức tạp thêm chiến lược ứng phó của các đối thủ của Triều Tiên. Nếu như trước đây họ phải đối phó với tên lửa đạn đạo, giờ đây một bài toán khác phải tính đến là tên lửa hành trình - loại vũ khí với những đặc điểm rất khác.

Tên lửa hành trình Triều Tiên phóng thử gần đây có tầm bắn 1.500 km, thời gian bay đến mục tiêu xa nhất trong tầm bắn này khoảng 2 giờ đồng hồ. Với tầm bắn này, tất cả căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á đều có nguy cơ thành mục tiêu của Triều Tiên.

Tên lửa đạn đạo bắn trong khoảng cách tương tự di chuyển chỉ trong vài phút. Tuy nhiên, tên lửa hành trình cũng có lợi thế riêng.

Không giống tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình bay thấp hơn. Vì vậy, radar mặt đất chỉ có thể phát hiện tên lửa khi nó đã ở giai đoạn bay cuối cùng.

Kim Dong Yub, giáo sư Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, cho biết bởi tốc độ di chuyển chậm, tên lửa hành trình có thể đổi hướng trong quá trình bay. Vì vậy, việc đánh chặn sẽ khó hơn nhiều.

Bên cạnh đó, thử nghiệm tên lửa phóng từ tàu hỏa cho Triều Tiên thêm một lựa chọn bên cạnh các bệ phóng tên lửa thông thường.

"Tên lửa đặt trên tàu hỏa là lựa chọn tương đối rẻ và đáng tin cậy cho những quốc gia muốn tăng cường khả năng sống sót cho lực lượng hạt nhân", Adam Mount, chuyên gia tại Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, nhận định.

Tuy vậy, ông Kim cho biết hiệu quả từ nền tảng phóng tên lửa từ tàu hỏa chỉ ở mức hạn chế, bởi hệ thống đường sắt đơn sơ của Triều Tiên sẽ dễ dàng bị đối phương phá hủy khi giao tranh xảy ra.

Hai vụ phóng tên lửa trong vòng vài ngày cho thấy lãnh đạo Triều Tiên, dù công khai thừa nhận khó khăn về kinh tế, vẫn quyết tâm duy trì chương trình tên lửa và hạt nhân.

"Trừ khi có sự thay đổi căn bản trong ưu tiên chính sách của Triều Tiên, hoặc những nỗ lực ngoại giao của Mỹ có bước tiến đột phá, Bình Nhường nhiều khả năng tiếp tục củng cố các năng lực (tên lửa và hạt nhân)", BBC bình luận.

Chạy đua vũ trang nhen nhóm ở Đông Á

Nhật Bản và Hàn Quốc là những bên có lý do để lo lắng nhất sau các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Trong khi các tên lửa mới của Triều Tiên không đủ khả năng vươn tới lục địa nước Mỹ, chúng có tầm bắn bao trùm toàn bộ lãnh thổ hai nước láng giềng.

Một lý do khác để lo ngại là việc truyền thông nhà nước Triều Tiên miêu tả các tên lửa mới thử nghiệm là "những vũ khí chiến lược" của Bình Nhưỡng. Điều này có nghĩa Bình Nhưỡng hy vọng có thể gắn đầu đạn hạt nhân cho các tên lửa này.

Trước đây, chưa tên lửa hành trình nào được Triều Tiên quy hoạch để mang đầu đạn hạt nhân.

Dù vậy, việc Triều Tiên phát triển loại tên lửa này, trao cho nó nhiệm vụ mới, không phải quá bất ngờ. Hồi tháng 1, nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố Triều Tiên đang phát triển hệ thống tên lửa hành trình.

Ông Kim cũng ngụ ý rằng hệ thống này có thể được sử dụng để mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật trong tương lai.

ten lua trieu tien anh 3

Triều Tiên phóng tên lửa hành trình hôm 13/9. Ảnh: KCNA.

Nhiều chuyên gia nhận định hai vụ phóng thử tên lửa là thông điệp cho thấy Triều Tiên đang mở rộng kho vũ khí, trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao giữa Bình Nhưỡng và Washington đang lâm vào bế tắc. Tới nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn chưa tìm được cách tiếp cận phù hợp để phá băng quan hệ với Triều Tiên.

Các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực đang có những biến chuyển đáng chú ý.

Tại Hàn Quốc, sau thời gian theo đuổi cách tiếp cận hòa giải mà không tạo được đột phá, chính quyền Tổng thống Moon Jae In đang đứng trước sức ép phải cứng rắn hơn với Triều Tiên để xoa dịu những chỉ trích cho rằng ông đã quá "mềm yếu".

Dù không sở hữu vũ khí hạt nhân, Hàn Quốc đang chi tiêu nhiều hơn để bổ sung kho vũ khí quy ước nhằm tăng cường khả năng quốc phòng tự chủ. Vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm hôm 15/9 là lời đáp trả của Seoul.

Tại Nhật Bản, những tiếng nói đòi hỏi Tokyo sửa đổi hiến pháp hòa bình, củng cố sức mạnh quốc phòng ngày càng phổ biến, đặc biệt từ cuối thời cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Sau thất bại trong chiến dịch di tản công dân ở Kabul, sức ép này ngày càng lớn.

Với cuộc tổng tuyển cử đang đến gần, các chính đảng Nhật Bản có thể dùng lời hứa tăng cường năng lực quốc phòng để giành lấy lá phiếu cử tri.

Trong khi đó, Mỹ đã bộc lộ rõ chiến lược tăng cường can dự và củng cố liên minh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sau khi hoàn tất rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ quyết định rút các hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân THAAD khỏi Saudi Arabia.

Các chuyên gia có chung nhận định khi giảm hiện diện ở Trung Đông, Washington sẽ dành thêm nguồn lực cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi hiện diện những đối thủ lớn như Triều Tiên và đặc biệt là Trung Quốc.

Việc Washington bất ngờ công bố thành lập liên minh AUKUS, với sự tham gia của cả Anh và Australia, là bằng chứng mới nhất.

Tất cả diễn biến này báo hiệu một cuộc chạy đua vũ trang mới đang nhen nhóm ở khu vực Đông Á.

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Triều Tiên dường như đã khôi phục một số hoạt động ở tổ hợp Yongbyon, dấu hiệu cho thấy nước này một lần nữa sản xuất plutonium dùng trong vũ khí hạt nhân.

Các cuộc thử nghiệm tên lửa trong những ngày gần đây cho thấy có khả năng Triều Tiên một lần nữa khôi phục chương trình phát triển và thử nghiệm tên lửa thường xuyên.

Ảnh vệ tinh mới cho thấy động thái đáng chú ý ở Triều Tiên

Các hình ảnh vệ tinh mới cho thấy Triều Tiên đang mở rộng một cơ sở quan trọng có khả năng làm giàu uranium để sản xuất vũ khí hạt nhân.

Triều Tiên thử nghiệm tên lửa để sẵn sàng đáp trả lực lượng thù địch

Tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên ngày 16/9 nói việc thử nghiệm hệ thống tên lửa hành trình mới phóng từ tàu hỏa nhằm nâng cao năng lực đáp trả các mối đe dọa tiềm tàng.

Triều Tiên và Hàn Quốc bắn thử tên lửa đạn đạo trong cùng một ngày

Cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều bắn thử tên lửa đạn đạo vào ngày 15/9, khiến căng thẳng trong khu vực vốn đã bất ổn nay lại càng leo thang.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm