Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao trận lũ ở Đức quá thảm khốc?

Hệ thống cảnh báo lũ được cho là thiếu hiệu quả khiến số người chết trong thảm họa ở Đức vượt quá 150 và các ngôi làng rơi vào tình trạng thiếu nước uống, điện hoặc khí đốt.

Đức - một trong những quốc gia giàu nhất thế giới - trải qua cú sốc vì thảm họa lũ lụt tồi tệ chưa từng thấy, khi thông tin chi tiết và cảnh báo sớm về lượng mưa kỷ lục và dự đoán lũ không đến được cộng đồng có nguy cơ cao nhất.

Ở Erftstadt, phía nam Cologne, người dân có cài đặt ứng dụng cảnh báo thời tiết của chính phủ đã nhận được khuyến cáo nên ở trong nhà hôm 14/7. Đến ngày 15/7, họ được thông báo rằng một con đập gần đó có nguy cơ bị vỡ, khiến họ rơi vào tình trạng "cực kỳ nguy hiểm".

Tuy nhiên, tại quận Ahrweiler ở bang Rhineland-Palatinate - nơi ít nhất 117 người thiệt mạng khi dòng nước lũ bất ngờ tràn vào, nhấn chìm một số ngôi làng ngày 14/7 - ứng dụng lại không đưa ra lời cảnh báo nào tương đương Erfstadt, hãng thông tấn Đức DPA đưa tin ngày 19/7.

he thong canh bao lu bi chi trich anh 1

Đức bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận lũ quét. Ảnh: AFP.

Tranh cãi xung quanh hệ thống cảnh báo lũ

Mặc dù Hệ thống Nhận biết Lũ lụt của châu Âu (EFAS) đã đưa ra cảnh báo cụ thể cho các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Đức bốn ngày trước khi mưa lớn trút xuống, những trận lũ quét theo sau đó vẫn khiến phần lớn cư dân bị bất ngờ.

Giáo sư Hannah Cloke, nhà thủy văn học tại Đại học Reading, chuyên gia thiết lập và tư vấn cho EFAS, nói với tờ Politico rằng số người thiệt mạng lớn do lũ quét là "sự thất bại nghiêm trọng của hệ thống".

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Horst Seehofer bác bỏ những ý kiến cho rằng các quan chức liên bang đã mắc sai lầm, đồng thời cho biết cảnh báo đã được chuyển tới chính quyền địa phương - "những người đưa ra phương án bảo vệ người dân trước thiên tai".

Herbert Reul, lãnh đạo cơ quan nội vụ của bang North-Rhine Westphalia - nơi ghi nhận 47 người tử vong trong trận lũ - thừa nhận hệ thống cảnh báo đã không hoạt động hiệu quả như mong đợi, song không có bất kỳ vấn đề cơ bản nào trong hệ thống. Người phát ngôn của ông cũng cho biết họ đã chuyển cảnh báo tới các địa phương liên quan.

he thong canh bao lu bi chi trich anh 2

Những ngôi nhà bị hư hại bên bờ sông Ahr, làng Eifel,Đức. Ảnh: AP.

Trong khi đó, người đứng đầu văn phòng liên bang của Đức về bảo vệ người dân và hỗ trợ thiên tai lại đẩy trách nhiệm cho các chính quyền địa phương. "Hệ thống cảnh báo không phải vấn đề, mà là cách các chính quyền và người dân phản ứng", ông Armin Schuster cho biết.

Ông nói trên đài truyền hình Deutschlandfunk rằng các cảnh báo kỹ thuật số - như thông qua ứng dụng, tin nhắn văn bản hoặc email - không phải lúc nào cũng đến được với tất cả người có nguy cơ bị ảnh hưởng. Thay vào đó, ông kêu gọi một chương trình đầu tư để tăng số lượng còi cảnh báo ở các khu vực có thể xảy ra lũ lụt nhiều hơn trong những năm tới.

Cơ quan hỗ trợ thiên tại phải chịu giám sát kể từ "ngày cảnh báo khẩn cấp toàn quốc" hôm 10/9/2020 - đợt chạy thử nghiệm đầu tiên của hệ thống cảnh báo - nhằm chứng minh chức năng cảnh báo từ còi báo động đến thông báo trên điện thoại. Tuy nhiên, buổi thử nghiệm cho thấy lỗ hổng của hệ thống hiện tại với nhiều cảnh báo chậm hoặc thiếu sau khi bị quá tải.

Annalena Baerbock, ứng viên thủ tướng của đảng Xanh trong tổng tuyển cử tháng 9/2021, chia sẻ với tờ Der Spiegel rằng để chống lũ cần "sức mạnh quốc gia từ ba phía" - hệ thống quản lý thiên tai tập trung hơn, điều chỉnh quy hoạch thành phố và sông ngòi trong trường hợp thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn, và cuối cùng là tăng cường nỗ lực bảo vệ khí hậu.

Bà Baerbock nói: "Chúng ta cần cải tạo lại việc quản lý thiên tai. Và chính phủ liên bang phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về điều này".

Thiệt hại khổng lồ

Mực nước lũ rút dần đang phơi bày những thiệt hại khổng lồ ở các thị trấn và làng mạc tại miền Tây nước Đức, cư dân đang sống trong nỗi lo ngại thiếu điện và nước uống trong nhiều tháng.

he thong canh bao lu bi chi trich anh 3

Những chiếc xe mắc kẹt trong nước lũ ở thị trấn Schuld, Đức. Ảnh: Reuters.

Ở Ahrweiler, khoảng 30.000 người hiện không có điện, nước uống và khí đốt. Trận lũ quét hôm 14/7 đã phá vỡ hệ thống nước thải, xé toạc một đường ống dẫn khí đốt chính và khiến một nhà máy lọc nước ngừng hoạt động.

“Có vẻ như cơ sở hạ tầng bị phá hủy nghiêm trọng đến nỗi một số nơi sẽ không có nước uống trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng", Thị trưởng Altenahr, Cornelia Weigand, nói với tờ Bild. "Chắc chắn thị trấn của chúng tôi sẽ trở nên rất khác lạ. Những tòa nhà cổ mang lại danh tiếng cho địa phương trong hơn 50, 100 hoặc 150 năm sẽ buộc phải dỡ bỏ".

Hội Chữ thập đỏ của Đức đã vận chuyển hai thùng nước uống 7.000 l và 4.800 l vào khu vực.

Công ty cung cấp năng lượng EVM có trụ sở tại Koblenz cho biết họ vẫn đang trong quá trình xác định chính xác bao nhiêu hộ gia đình ở Ahrweiler không có khí đốt - thường được dùng để làm nóng nước và nhà cửa trong khu vực.

42 người chết trong trận lũ lịch sử ở Đức Trận lũ quét đã làm vỡ bờ sông ở miền Tây nước Đức, khiến ít nhất 42 người thiệt mạng và nhiều ngôi nhà bị sập.

Bức tranh khác biệt ở Hà Lan giữa đại hồng thủy tại châu Âu

Hà Lan cũng chịu tình cảnh mưa lớn dữ dội như nhiều nước châu Âu trong trận lũ lịch sử, nhưng nước này không bị nước lũ nhấn chìm và chưa ghi nhận trường hợp thiệt mạng nào.

Trận lũ thảm khốc lấn sâu vào cuộc bầu cử Đức

Chỉ hai tháng trước tổng tuyển cử, nước Đức phải đối mặt với lũ lụt hiếm thấy. Sự kiện này có thể đưa biến đổi khí hậu thành trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của các đảng phái.

Việt Linh Nguyễn

Bạn có thể quan tâm