Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao TP.HCM vẫn bị ngập nước?

"TP.HCM hàng năm có độ lún nhất định, trong khi đô thị hóa quá nhanh, nhiều tuyến đường không có cống thoát nước...", Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói.

  • 8-10h sáng 8/12, HĐND TP.HCM chất vấn Chủ tịch Nguyễn Thành Phong những vấn đề cử tri quan tâm:
  • Mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
  • Thành lập chính quyền đô thị, thành lập TP Thủ Đức.
  • Cải cách hành chính, nâng chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
  • Trấn áp tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
  • Chương trình chống ngập nước.
Chủ tịch TP.HCM: 'Phải làm đồng bộ mới chống ngập được' Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng để đạt hiệu quả trong việc chống ngập, TP.HCM cần thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình mới hy vọng hết ngập.
  • 4 nhóm vấn đề chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM

    8h sáng 8/12, HĐND TP.HCM khóa IX bắt đầu phiên chất vấn Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong.

    Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cho biết trong nhiệm kỳ vừa qua, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã 4 lần trả lời chất vấn tại các kỳ họp. Tại kỳ chất vấn này, nhằm xác định giải pháp, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2021, cử tri TP đặt ra 4 nhóm vấn đề.

    Thứ nhất là mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả vừa tập trung khôi phục ổn định phát triển kinh tế, đặc biệt là giải pháp giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

    Thứ hai là việc thành lập chính quyền đô thị, thành lập TP Thủ Đức.

    Thứ 3 là về cải cách hành chính và nâng chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Thứ 4, trấn áp tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

    Ảnh: Phạm Ngôn.

    ky hop thu 23 HDND TP khoa IX anh 1

  • Đạt nhiều thành tựu trong phòng, chống dịch Covid-19

    Báo cáo trước phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong có báo cáo tóm tắt về kết quả kinh tế - xã hội của thành phố năm 2020. Cụ thể, ông Phong cho biết năm 2020 TP đã có 7 thành tựu cụ thể.

    Đầu tiên, thành phố đã chủ động tích cực sáng tạo triển khai phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Cụ thể, TP.HCM đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch, chủ động ứng phó dịch bệnh với phương châm 5 tại chỗ và thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; triển khai đồng bộ các giải pháp giám sát dịch tễ, chủ động xét nghiệm người nghi ngờ mắc bệnh và tiếp xúc với các ca bệnh; thành lập khu cách ly tập trung, các bệnh viện điều trị bệnh nhân đầy đủ trang thiết bị.

    TP cũng là nơi đầu tiên triển khai các bộ chỉ số an toàn trong phòng chống dịch. Đặc biệt, trong thời gian cách ly xã hội tháng 4/2020, TP cung ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ nhân dân.

    Gần đây, TP có 4 ca nhiễm được phát hiện; tuy nhiên, đến nay, dịch đã cơ bản được kiểm soát.

    Ảnh: Phạm Ngôn.

    ky hop thu 23 HDND TP khoa IX anh 2

  • Kinh tế thành phố phục hồi tích cực

    Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh việc phục hồi kinh tế đạt kết quả đáng ghi nhận. TP có 40.000 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động mới. Về hoạt động thu ngân sách, TP ước thu 352.000 tỷ, đạt 86,7% dự toán. Đây là kết quả đáng ghi nhận, góp phần đóng góp 25% thu ngân sách quốc gia.

    "Có thể nói những kết quả trên rất đáng ghi nhận bởi năm 2020, hầu hết quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm. Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự báo kinh tế thế giới nhiều nước như Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn đều tăng trưởng âm. Do đó, kinh tế TP 2020 tăng 1,39% là dấu hiệu tích cực", Chủ tịch TP phát biểu.

    Bên cạnh đó, dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 đạt tiến độ 76%. Trong đó, bàn giao mặt bằng công viên Lam Sơn rút ngắn 137 ngày so với kế hoạch. Phong trào thi đua lan tỏa ngoài phạm vi 10 nội dung phát động, có 16 công trình khánh thành như khởi công xây dựng Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TP, xây mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng, khánh thành nút giao thông An Sương...

    Về công tác cải cách hành chính có nhiều tiến bộ rõ nét. Có 53 cơ quan đơn vị ký quyết tâm thực hiện cải cách hành chính với 9 mục tiêu nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. TP phê duyệt 936 quy trình nội bộ, giải quyết thủ tục hành chính. TP cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục đầu tư so với thời gian theo luật định...

    Qua khảo sát mức độ hài lòng của người dân, đánh giá cán bộ phục vụ thì tỷ lệ hài lòng là 98,96%; tỷ lệ bình thường là 0,56% và không hài lòng là 0,6%. Đánh giá dịch vụ hành chính công qua website cho thấy tỷ lệ hài lòng hơn 95%. 

    TP được Trung ương chấp thuận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có đề án tổ chức chính quyền đô thị.

    Ngày 16/11/2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép TP thực hiện tổ chức bỏ HĐND quận, phường mà không cần thí điểm. Đây là kết quả kiên trì theo đuổi từ 2017 đến nay. Việc thành lập TP Thủ Đức dự kiến được Ban thường vụ Quốc hội xem xét vào 9/12. Đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách đã tạo được sự đồng thuận bước đầu.

    Những kết quả trên đã giúp TP vượt 2 chỉ tiêu, hoàn thành 14 chỉ tiêu mà HĐND đề ra. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh vừa phục hồi kinh tế, vừa chống dịch.

    Tuy nhiên, do tác động của dịch, chặng đường phục hồi kinh tế sẽ còn khó khăn. Trong năm 2020 còn có các chỉ tiêu chưa đạt như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa, thu ngân sách chỉ đạt 86,7% dự toán; thành lập mới doanh nghiệp chỉ đạt 40.000 khi chỉ tiêu là 40.000...

    Ảnh: Phạm Ngôn.

    ky hop thu 23 HDND TP khoa IX anh 3

  • 8 nội dung trọng tâm năm 2021

    Trên cơ sở đánh giá kết quả năm 2020, dự báo năm 2021, Chủ tịch Phong nhấn mạnh 8 nội dung trọng tâm TP sẽ tập trung thực hiện.

    Thứ nhất là tập trung triển khai chủ đề năm 2021. Triển khai kế hoạch thực hiện chính quyền đô thị, đảm bảo đúng tiến độ. Triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc TP Thủ Đức. Thực hiện tốt các bước chuẩn bị tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp. Thực hiện các giải pháp mạnh mẽ để cải thiện PCI, nhất là tiêu chí còn hạn chế như chi phí gia nhập thị trường, tính năng động của chính quyền…

    Thứ hai là tiếp tục thực hiện mục tiêu kép Chính phủ đã đề ra, tập trung chống dịch và khắc phục kinh tế. Thực hiện đầy đủ biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, không để dịch bệnh lây lan; triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng triển khai chính sách khuyến khích phát triển ngành dịch vụ, tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số.

    Thứ ba là triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng TP lần thứ 13. Trong đó tập trung triển khai 51 nội dung chương trình đề án trong 3 chương trình phát triển hạ tầng, nhân lực, văn hóa, phát triển DN khởi nghiệp sáng tạo… và hoàn thành trong quý II/2021.

    Thứ tư là đẩy mạnh chuyển đổi số. Tiếp tục triển khai giai đoạn 2 xây dựng đô thị thông minh. Triển khai các giải thưởng sáng tạo. Thứ năm là đẩy mạnh thiết kế đô thị, thực hiện quản lý quy hoạch, đầu tư đồng bộ. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để mở rộng phát triển. Vận hành dự án chống ngập, vận hành tuyến metro 1, hoàn tất giải phóng mặt bằng metro 2 trong tháng 6/2021. Triển khai hoàn thành khu đô thị mới Thủ Thiêm trước 2030. Tập trung điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Đẩy nhanh tiến độ dự án quy hoạch đang triển khai. 

    Thứ sáu là thực hiện bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Tiếp tục thực hiện chỉ thị 19 để đạt mục tiêu thành phố sạch và giảm ngập nước. Thực hiện chương trình đảm bảo bảo vệ môi trường, trồng cây xanh…

    Thứ bảy là tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trong văn hóa - xã hội. Tổ chức chu đáo ngày lễ lớn trong năm. Triển khai đề án tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao… Nâng cao hiệu quả nguồn nhân lực, triển khai đề án đào tạo nhân lực quốc tế ở các ngành như công nghệ thông tin, truyền thông….

    Thứ tám là nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, thúc đẩy quan hệ với các nước là đối tác chiến lược. Phát huy vai trò đối ngoại nhân dân, đẩy mạnh công tác người Việt Nam ở nước ngoài nhằm phát huy nguồn lực tri thức, ngoại hối của kiều bào. Tập trung xử lý khiếu nại tồn đọng, bức xúc trong nhân dân, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Đẩy mạnh chống các tội phạm đặc biệt là tội phạm ma túy và tội phạm mạng.

    Sau bài phát biểu hơn 40 phút của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, các đại biểu HĐND bước vào phiên chất vấn.

    Ảnh: Phạm Ngôn.

    ky hop thu 23 HDND TP khoa IX anh 4

  • Giải quyết lấn chiếm vỉa hè ra sao?

    Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đặt câu hỏi xoay quanh 3 vấn đề.

    Thứ nhất, đại biểu nêu vấn đề cải thiện môi trường đầu tư chưa tốt, TP có giải pháp đột phá gì để tạo chuyển biến môi trường đầu tư?

    Thứ hai, vấn đề lấn chiếm vỉa hè được chất vấn từ đầu nhiệm kỳ nhưng đến nay chưa chuyển biến, TP có giải pháp gì để giải quyết triệt để?

    Thứ ba, các dự án giao thông chậm tiến độ, TP đã được trao cơ chế đặc thù và đã vận dụng vào dự án metro, vậy TP làm gì để đẩy nhanh tiến độ các dự án?

    Ảnh: Phạm Ngôn.

    ky hop thu 23 HDND TP khoa IX anh 5

  • Cần xử lý nghiêm tình trạng đua xe

    Đại biểu Phạm Quốc Bảo cho rằng dịch bệnh đang diễn biến khó lường, và tình trạng lạm phát chung làm cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn. Ông chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM rằng bên cạnh chỉ đạo chung của Chính phủ, lãnh đạo TP đã có những giải pháp nào để phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế?

    Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung nêu lên 4 vấn đề. Thứ nhất, bà cho rằng cần làm gì để kéo giảm tội phạm mua bán, sử dụng ma túy. Vừa qua báo chí phản ánh hình thành đường dây mua bán, trung chuyển trong nước và quốc tế. Đây là vấn đề tiềm ẩn nguy cơ, kéo theo vấn đề như cho vay nặng lãi, bảo kê, tín dụng đen, xâm hại tính mạng người dân thành phố.

    Thứ hai, về vấn đề tội phạm qua không gian mạng, việc thông tin tuyên truyền cho người dân của thành phố còn hạn chế. Thời gian qua, Công an TP.HCM ngăn chặn những vụ tụ tập đông người, đua xe, đại biểu Tuyết Nhung đề nghị cần làm nghiêm hơn nữa đối với tình trạng đua xe trên đường phố.

    Thứ ba, vấn đề ngập nước do triều cường, TP đã có nhiều công trình nhưng tuyến đường ngập do triều vẫn ảnh hưởng đến việc kinh doanh, sản xuất tại địa phương.

    Thứ tư, vấn đề cải cách hành chính, đại biểu đề nghị ông Phong giải quyết đơn thư, khiếu nại của cử tri tại huyện Bình Chánh.

    Ảnh: Phạm Ngôn.

    ky hop thu 23 HDND TP khoa IX anh 6

  • Không làm nghiêm, dịch sẽ bùng phát

    Trả lời cử tri, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong báo cáo về việc thực hiện mục tiêu kép. Ông Phong nhắc lại số ca nhiễm và số ca cách ly tập trung, cách ly tại nhà, số mẫu xét nghiệm của TP.HCM. Vừa qua, xuất hiện 3 đợt nhiễm trong cộng đồng, nhưng với quyết tâm cao, TP đã đẩy lùi nhanh chóng 3 đợt nhiễm trong cộng đồng trong thời gian ngắn nhất.

    Gần đây, TP xuất hiện 3 ca nhiễm mới trong cộng đồng nhưng chỉ trong 4 ngày, TP đã khống chế ổ dịch trong cộng đồng. Và đến nay, TP chưa ghi nhận ca mới liên quan đến BN1342 (tiếp viên hàng không Vietnam Airlines).

    Chủ tịch TP khẳng định mục tiêu hàng đầu năm 2021 là kiểm soát dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị tập trung phòng chống bệnh, không chủ quan, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát; đặc biệt tại trường học, bệnh viện, nơi tập trung đông dân cư.

    TP nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, phát huy cao độ tinh thần kỷ luật, ý thức trách nhiệm, cán bộ, đảng viên, công chức viên chức phải đi đầu; vận động người dân tham gia chống dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một tổ chiến đấu, mỗi quận huyện là một pháo đài.

    TP kiên trì nguyên tắc phòng chống dịch đó là chủ động phòng ngừa sớm, thưc hiện phương châm 5 tại chỗ, tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; xây dựng các cấp độ cảnh báo dịch bệnh tùy từng cấp độ.

    Biện pháp tiếp theo là giám sát nguy cơ, phát hiện ca bệnh, tổ chức giám sát thường xuyên để phát hiện sớm ca bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tổ chức giám sát cách ly tập trung, cách ly tại nhà.

    "Trường hợp vừa qua của BN1342 và BN1347 là không tuân thủ nghiêm quy chế, quy định về cách ly nên chúng ta đã khởi tố vụ án để răn đe. Và việc chấp hành quy định phải hết sức nghiêm. Chính vì không nghiêm mà gây ra trường hợp như vừa rồi", ông Phong nói.

    Về công tác điều hành, ổn định phát triển kinh tế, TP sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp như tập trung vào ngành sản phẩm chủ lực, có giá trị gia tăng cao. Vừa qua, TP đã thành lập nhiều hội đồng phát triển kinh tế và những hội đồng này sẽ bao gồm 3 bên là Nhà nước, chuyên gia và doanh nghiệp. Lãnh đạo TP gặp đại diện doanh nghiệp ở tất cả lĩnh vực để lắng nghe, giải quyết khó khăn, vướng mắc, định hướng phát triển của ngành đó.

    Ảnh: Phạm Ngôn.

    ky hop thu 23 HDND TP khoa IX anh 7

  • "Không để ai bị bỏ lại phía sau"

    Trả lời về hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ đẩy mạnh khảo sát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc hỗ trợ hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

    Ông Phong dẫn chứng phần lớn doanh nghiệp tại TP.HCM đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ và nhóm này bị tác động rất nặng nề. TP đã phát huy hiệu quả các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, xử lý gia hạn tiền thuế cho doanh nghiệp, và gia hạn thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân cho các hộ kinh doanh.

    TP cũng cùng các chuyên gia kinh tế có định hướng, giải pháp cho gói hỗ trợ mới. TP sẽ hỗ trợ tín dụng với lãi suất 0% cho các nhóm ngành dịch vụ gặp khó khăn và các doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm sớm. Cơ cấu lại thời gian trả nợ cho nhóm khó khăn.

    Về hỗ trợ người dân, TP tiếp tục rà soát, hỗ trợ để không ai bị bỏ lại phía sau, nhất là đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn. Ví dụ, 2 đợt vừa qua TP đã hỗ trợ hơn 20.000 người bán vé số.

    ky hop thu 23 HDND TP khoa IX anh 8

  • Vận động không lấn chiếm vỉa hè cần có thời gian

    Về vấn đề lấn chiếm vỉa hè, ông Phong cho biết Thành ủy đã có chỉ thị số 11, chỉ thị 12 về an toàn lòng lề đường giao thông, lấn chiếm vỉa hè, bước đầu có đạt được kết quả nhất định.

    "Hàng 6 tháng, tôi là trưởng ban an toàn giao thông của TP đều có sơ kết đánh giá, nhắc nhở lưu ý đến địa phương, đơn vị phải quan tâm đến công tác vỉa hè, lề đường. Giao quận huyện xây dựng tuyến vỉa hè mẫu, phải có cam kết thi đua. Và 6 tháng đều có xem xét kết quả. Trong thực tế, đơn vị làm tốt thì khen, làm không tốt thì góp ý phê bình", Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói.

    Theo ông, vấn đề vỉa hè là cuộc vận động cần phải có thời gian, đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Một mình chính quyền thì dọn dẹp đến đâu lại tái lập lại tình trạng như cũ nên phải có sự vận động vai trò của từng chi bộ, khu phố, phường xã thế nào mới đạt được kết quả.

    Về việc kiểm điểm, ông Phong cho rằng mỗi kỳ đều xem xét, và hầu hết các cuộc tổng kết, sơ kết an toàn giao thông, lập lại trật tự vỉa hè đều do ông chủ trì.

    Về những dự án giao thông trọng điểm giai đoạn 2016-2020, TP đã triển khai, tập trung nguồn lực để đầu tư, đưa vào khai thác nhiều công trình trọng điểm như cầu Phú Hữu, Phạm Văn Đồng, cầu vượt ngã tư Gò Mây, cầu vượt nút giao thông đường Trường Sơn, cầu vượt thép ngã sáu Gò Vấp, mở rộng đường Phan Văn Trị, hầm chui An Sương, hầm chui Mỹ Thủy… Qua đó, TP đã góp phần kéo giảm ùn tắc tại nhiều khu vực như Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái… 

    Tuy nhiên, do khó khăn về vốn và giải phóng mặt bằng còn chậm nên tiến độ nhiều dự án chậm, giảm hiệu quả, đội vốn. Hiện, nguồn vốn đầu tư giao thông hiện tập trung vào đầu tư công. Mà đầu tư công phải qua rất nhiều khâu. Nhưng phần lớn dự án giao thông là thực hiện theo phương thức BT. Trong khi đó, thời gian qua nhiều dự án BT phải dừng thời gian khá dài và giờ thì không làm BT được nữa.

    Về công tác giải phóng mặt bằng, TP xin làm thí điểm và CP có Nghị quyết 27 và Sở Xây dựng đang triển khai theo tinh thần Nghị quyết đó. Do đó, thời gian sắp tới, TP sẽ thực hiện các giải pháp là chỉ đạo sở ngành đẩy nhanh tiến độ dự án dở dang; nghiên cứu phương án đầu tư để hạn chế khó khăn; yêu cầu chủ đầu tư quận huyện cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng; chọn đơn vị thi công có kinh nghiệm để chấn chỉnh chất lượng công trình; triển khai kết cấu hạ tầng giao thông của TP, bao gồm các giải pháp chấn chỉnh giao thông đường bộ, giải pháp về vốn, giải phóng mặt bằng và nhiều giải pháp khác.

    ky hop thu 23 HDND TP khoa IX anh 9

  • Tội phạm ma túy phức tạp

    Về tình hình an ninh trật tự, trấn áp tội phạm mà đại biểu đặt ra, trước hết, Chủ tịch UBND TP khẳng định công tác ổn định an ninh chính trị có vai trò quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

    Nhìn lại năm qua, tình hình tội phạm phức tạp. Đặc biệt lợi dụng dịch Covid-19, loại tội phạm về xâm hại tài sản, vi phạm liên quan tín dụng đen, ma túy vẫn còn xảy ra nhiều. TP hiện nay là nơi trung chuyển và tiêu thụ ma túy.

    Với chỉ đạo thường xuyên, liên tục của chính quyền, công an đã triển khai tốt nhiệm vụ được giao. Năm nay là năm thứ 6 liên tiếp phạm pháp hình sự được kéo giảm.

    Ông Phong dự báo trong năm 2021, tình hình trật tự an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó dự đoán. TP sẽ tập trung một số giải pháp để giải quyết như tăng kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm người đứng đầu; nâng cao hiệu quả nắm thông tin, dự báo tình hình, không để bị động, bất ngờ; phát huy vai trò của công an trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm... Trong đó, chú trọng giải pháp phòng ngừa xã hội, triệt phá đường dây vận chuyển ma túy; thực hiện tốt công tác phòng ngừa đấu tranh với tội phạm kinh tế, môi trường, buôn bán người, xâm hại trẻ em; đấu tranh với tội phạm công nghệ cao, có yếu tố nước ngoài. 

    Trước mắt là đảm bảo tuyệt đối an toàn trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, cho người dân đón Tết, vui xuân.

    ky hop thu 23 HDND TP khoa IX anh 10

  • Vì sao không giải quyết được tình trạng ngập nước?

    Về vấn đề ngập nước, ông Phong cho rằng để có giải pháp hiệu quả, trước hết, phải phân tích được nguyên nhân.

    Nguyên nhân đầu tiên là lũ từ đầu nguồn. Thứ hai là tình hình biến đổi khí hậu phức tạp. Hàng năm, cả nước cũng như thành phố đã chịu đựng những cơn mưa với vũ lượng dày, kéo dài. Hơn nữa, triều cường ngày càng cao. Tất cả diễn biến trong biến đổi khí hậu đều đến trước so với dự báo.

    Nguyên nhân thứ ba là TP hàng năm có độ lún nhất định. Thứ tư là do công tác quản lý của TP. Tình trạng đô thị hóa quá nhanh, nhiều tuyến đường không có cống thoát nước, ví dụ quận 2, quận 9, nên công tác nạo vét kênh, mương còn bất cập. Thứ năm là ý thức của một bộ phận người dân còn kém.

    Do đó, việc chống ngập phải làm đồng bộ với giải pháp công trình và phi công trình mới giải quyết được vấn đề.

    Ảnh: An Huy.

    ky hop thu 23 HDND TP khoa IX anh 11

  • Thành phố sẽ ứng dụng công nghệ đốt rác thành điện

    Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (huyện Hóc Môn) nêu ra hai vấn đề chất vấn Chủ tịch Nguyễn Thành Phong. Thứ nhất, liên quan Nghị định 34 của CP và Nghị quyết 06/2020 HDND vấn đề tinh giảm biên chế đối với cán bộ không chuyên trách của xã. Trong đó nghị quyết 06 là cào bằng trong khi chênh lệch về hệ số nhân khẩu. Đề nghị lãnh đạo TP xem xét việc tinh giản này?

    Thứ hai là vấn đề thu gom rác, chỉ thị 19 yêu cầu phân rác tại nguồn, chúng ta vận động người dân thu gom nhưng người gom rác không phân rác khoa học. Đề nghị TP có chính sách với người mua rác.

    Trả lời câu hỏi, ông Nguyễn Thành Phong tiếp thu ý kiến của đại biểu về tinh giản biên chế và phương tiện thu gom rác. Ông Phong cho biết UBND sẽ tiếp thu ý kiến trong sắp xếp lại biên chế cho hợp lý qua ý kiến này, cũng như vấn đề thu gom rác.

    Nhân đây, Chủ tịch Phong báo cáo thực hiện theo Nghị quyết HĐND TP thì UBND TP đang chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường ứng dụng công nghệ đốt rác thành điện để phấn đấu đến cuối 2025, TP có 80% rác thải sinh hoạt được đốt và 100% rác được xử lý bằng công nghệ đốt rác vào 2030.

    Hiện, một số doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ đốt rác này như tại Khu xử lý rác Củ Chi. Rác thải sinh hoạt hàng ngày đã lên tới hơn 9.000 tấn chưa nói đến rác thải y tế, công nghiệp nguy hại. Do đó, TP xử lý theo công nghệ chôn lấp và tái chế như hiện nay thì không phù hợp nữa.

    Doanh nghiệp Vietstar tại Củ Chi đang xử lý theo công nghệ không cần phân loại rác, tự công nghệ đó sẽ tách ra rác nào là rác hữu cơ, chất rắn… Theo công nghệ này, từ cam kết của nhà đầu tư và chậm nhất đến 2020 sẽ hoàn thiện lò đốt rác để biến rác thành điện. Vừa qua Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo về việc sắp tới chỉ phân loại hai loại rác là chất rắn và hữu cơ, không phân loại như trước nữa.

    Phiên chất vấn kết thúc với 12 đại biểu và 5 cử tri đăng ký chất vấn trực tiếp. Tuy nhiên, vì thời gian hạn chế nên chỉ 6 đại biểu chất vấn trực tiếp và 1 cử tri đặt câu hỏi tại nghị trường. Các vấn đề còn lại sẽ được Chủ tịch UBND TP trả lời bằng văn bản.

    ky hop thu 23 HDND TP khoa IX anh 12

Thu Hằng - Thư Trần - Hoài Thanh

Ảnh: Phạm Ngôn

Bạn có thể quan tâm