Bước vào một tháng giãn cách xã hội, tập trung kiểm soát dịch, TP.HCM một lần nữa thay đổi mô hình điều trị lần thứ 4 kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát. Sau khi tăng từ 3 tầng lên 4 tầng rồi 5 tầng, ngành y tế quyết định trở lại với 3 tầng điều trị. Tuy nhiên, thay đổi lớn nhất lần này là TP.HCM huy động tất cả bệnh viện công - tư trên địa bàn cùng tham gia điều trị Covid-19 thay vì các cơ sở điều trị riêng như trước đây.
Kế hoạch mới của TP.HCM yêu cầu các cơ sở y tế công - tư sẵn sàng dành tối thiểu 40% giường bệnh để thu dung, quản lý, điều trị người bệnh Covid-19. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết mục đích của sự thay đổi này là huy động tối đa nguồn lực sẵn có, tăng khả năng tiếp cận hệ thống cấp cứu cho người dân bởi đây là giai đoạn quan trọng nhất với người bệnh.
Là một trong những chuyên gia tiên phong kiến nghị việc cho phép tất cả cơ sở y tế công - tư tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19, PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc (cựu Phó khoa Y, cựu Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM) bày tỏ sự ủng hộ trước thay đổi này của ngành y tế. Bà cho rằng tình trạng quá tải kéo dài trong hệ thống điều trị đòi hỏi TP.HCM phải cải thiện mô hình để tận dụng mọi nguồn lực sẵn có.
“Thật sự việc xin nhập viện cho bệnh nhân Covid-19 trở nặng rất khó khăn vì các bệnh viện điều trị Covid-19 đều quá tải. Với thay đổi này, TP.HCM mới có thể giảm số ca tử vong”, bác sĩ Phúc chia sẻ quan điểm.
Mô hình điều trị cũ bộc lộ hạn chế
PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc phân tích một mô hình điều trị thành công cần đạt hai mục tiêu là kéo giảm tỷ lệ tử vong và người dân được tiếp cận y tế nhanh nhất, tốt nhất. Nếu người dân không có khả năng tiếp cận y tế thì tỷ lệ tử vong không thể giảm.
Mô hình “tháp 5 tầng” mà TP.HCM đang áp dụng căn cứ trên mức độ nặng nhẹ của bệnh, tăng dần từ tầng 1 tới tầng 5. Chuyên gia phân tích kiểu phân tầng này có ưu điểm là thuận lợi trong tổ chức nhân sự, trang thiết bị máy móc và chăm sóc bệnh nhân khi số lượng F0 không quá nhiều.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy mô hình này đang dần bộc lộ một số điểm yếu khi số ca mắc tăng nhanh.
Mô hình "tháp 5 tầng" điều trị bệnh nhân Covid-19 của TP.HCM. Đồ họa: Medinet. |
TP.HCM có khoảng 500 cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập. Trong khi đó, số cơ sở tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19 hiện tại ở TP.HCM là 241, nhiều nơi được thiết lập mới hoàn toàn. Trong số hơn 57.000 người đang công tác trong ngành y tế ở TP.HCM, có 20.087 người tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch (gần 1/3). Lực lượng còn lại phục vụ ở các cơ sở y tế khác, hầu hết trống giường do không có bệnh nhân, trong khi thành phố vẫn thiếu 12.000 nhân viên y tế chống dịch.
Nghịch lý là khi các tầng điều trị Covid-19 ngày càng quá tải vì số ca nhiễm tăng quá nhanh thì những bệnh viện không điều trị Covid-19 lại hoạt động với công suất rất thấp do ít bệnh nhân thông thường đến khám.
Thêm vào đó, trong khi nhiều cơ sở y tế, bệnh viện trong thành phố có đầy đủ trang thiết bị như bồn oxy, hệ thống oxy trung tâm, máy thở… gần như bỏ trống, thành phố lại phải lập thêm các bệnh viện điều trị Covid-19 và trang bị máy móc, lắp đặt hệ thống oxy mới… Chuyên gia cho rằng lập thêm cơ sở mới là việc cần làm, nhưng bỏ trống những bệnh viện có khả năng điều trị Covid-19 là sự lãng phí rất lớn.
Nhiều người dân tại TP.HCM gặp khó khăn trong tiếp cận hệ thống y tế. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ngành y tế đã huy động các nguồn lực để nâng cấp 5 tầng điều trị, nhưng khả năng tiếp cận hệ thống y tế của bệnh nhân Covid-19 vẫn rất khó khăn.
Bác sĩ Phúc phân tích trước khi dịch Covid-19 bùng phát, khi có vấn đề sức khỏe, nơi đầu tiên người dân tìm đến không phải là trạm y tế phường mà là phòng khám tư của các bác sĩ, phòng khám đa khoa tư nhân hoặc công lập. Khi bệnh nặng hơn, họ mới vào các bệnh viện tư hoặc công ở quận, huyện, thành phố.
Dịch Covid-19 xảy ra khiến hầu như tất cả hệ thống phòng khám tư ngưng hoạt động, trừ một số bệnh viện có nhận bệnh nhân Covid-19. Bên cạnh đó, các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 ở mỗi tầng không được phân bổ đều giữa các địa phương làm giảm khả năng tiếp cận. Người dân không thể đến thẳng các cơ sở này, trong khi y tế địa phương gặp nhiều khó khăn khi muốn liên hệ chuyển bệnh nhân.
Bệnh nhân ở tầng dưới không được điều trị sớm và hiệu quả khiến tỷ lệ trở nặng cao.
PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc
Một hạn chế nữa là nguồn lực y tế được sử dụng không hiệu quả.
Bác sĩ Phúc chỉ ra các cơ sở y tế thuộc tầng 1 như trạm y tế phường hiện rất lúng túng do không đủ nhân lực chăm sóc cho quá nhiều bệnh nhân. Mỗi trạm y tế phường thường chỉ có một bác sĩ, nếu đến nhà người bệnh thì không còn bác sĩ trực ở trạm. Trước dịch, các bác sĩ của trạm y tế không có cơ hội chăm sóc bệnh nhân nặng nên rất lúng túng trong nhận diện và xử trí.
Bệnh viện tầng 2 thành lập mới, nhân lực huy động từ nhiều nơi, thậm chí lãnh đạo thuộc nhiều chuyên khoa khác không phải nội khoa và không có kiến thức chuyên sâu về hồi sức nặng. Khi phối hợp ăn ý là “chìa khóa thành công” trong y khoa thì kiểu “lắp ráp" đội hình này khiến nhân sự mất thời gian làm quen, gặp trường hợp trở nặng có thể xử trí ban đầu thiếu hiệu quả. Còn tầng 3 và 4 đều gặp khó khăn về nhân lực và vật lực hồi sức.
Bệnh nhân ở tầng dưới không được điều trị sớm và hiệu quả khiến tỷ lệ trở nặng cao, bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên nhiều. Do đó, dù thành phố liên tục nâng cấp tầng điều trị 3, 4, 5, cũng nhanh chóng quá tải do bệnh nhân chuyển nặng nhiều.
Trong khi đó, tầng điều trị càng cao càng đòi hỏi nhiều về trang thiết bị cũng như nhân lực hồi sức - điều mà TP.HCM đang rất thiếu. Chưa kể hiện nay, dịch đã lan rộng ra nhiều tỉnh thành, nếu Bộ Y tế hoặc các địa phương khác rút nhân lực về, TP.HCM sẽ gặp khó khi phải “tự lực cánh sinh”.
Do đó, giải pháp tốt nhất là hạn chế số lượng bệnh nhân phải chuyển đến tầng trên bằng cách cải thiện chất lượng và số lượng của các tầng dưới.
Mở rộng cơ sở điều trị để giảm tải
Khi mô hình điều trị không đáp ứng được mục tiêu đặt ra tức là cần sự thay đổi để cải thiện.
“Thay vì chỉ cho một số cơ sở điều trị Covid-19, hãy tận dụng toàn bộ hệ thống tổ chức y tế sẵn có để tăng tối đa năng lực điều trị, cho phép tất cả cơ sở y tế tham gia", bác sĩ Phúc nêu quan điểm.
Từ góc nhìn này, chuyên gia ủng hộ việc tất cả cơ sở y tế trên địa bàn, bất kể công - tư, tiếp nhận cả bệnh nhân Covid-19 và bệnh nhân không mắc Covid-19.
Để thực hiện, bà cho rằng các đơn vị phải thiết lập 3 vùng: Vùng xanh cho bệnh nhân không mắc Covid-19; vùng vàng cho bệnh nhân nghi ngờ, chờ kết quả xét nghiệm; và vùng đỏ cho bệnh nhân mắc Covid-19. Mô hình gần giống như bệnh viện tách đôi.
TP.HCM huy động tất cả cơ sở y tế tham gia điều trị Covid-19. Ảnh: Chí Hùng. |
Theo chuyên gia, điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ không đòi hỏi các thao tác xử lý phức tạp như nhiều bệnh khác mà hầu như đã có “công thức chung”, trừ trường hợp bệnh nhân trở nặng và nguy kịch, cần lọc máu, thở ECMO.
Về cơ bản, nhân viên y tế chỉ cần theo dõi mức độ oxy của bệnh nhân để gắn ống thở và điều chỉnh cho phù hợp với tình trạng bệnh. Người bệnh càng được can thiệp sớm thì tỷ lệ trở nặng càng thấp. Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, bác sĩ Phúc cho biết các bác sĩ nội trú cũng chỉ cần học một khóa là có thể điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Chuyên gia cũng cho rằng khi lực lượng tư nhân tham gia điều trị sẽ giảm bớt áp lực cho khối công lập, có thêm giường điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.
Lực lượng tư nhân tham gia điều trị sẽ giảm bớt áp lực cho khối công lập.
PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc
Với những thay đổi nêu trên, bác sĩ Phúc cho rằng người bệnh Covid-19 có thể tiếp cận sớm và nhanh với hệ thống y tế gần nhất để được hướng dẫn, chăm sóc và theo dõi, cả công lập và tư nhân. Hệ thống này đã rất quen thuộc với bệnh nhân từ trước khi có dịch. Bệnh nhân nhẹ sẽ theo dõi tại nhà, bệnh nhân nặng hơn được nhập viện điều trị, khi cần bệnh viện sẽ hội chẩn chuyển tuyến trên hoặc xin ý kiến điều trị tiếp như trước đây đã làm với các bệnh lý khác.
"Bệnh nhân sẽ không bị từ chối khi đến bất kỳ cơ sở y tế nào và chia đều ra, không tập trung ở một vài chỗ", bác sĩ Phúc nêu ưu điểm.
Hiệu suất giường bệnh, trang thiết bị và nhân lực y tế được huy động tối đa, tránh tình trạng có nhiều giường trống ở các bệnh viện trong khi nhiều bệnh nhân Covid-19 tử vong tại nhà hoặc trên đường. Từ đó, giảm gánh nặng cho các cơ sở y tế đang được chọn điều trị Covid-19.
"Dù áp dụng mô hình nào thì điều quan trọng nhất là tất cả hệ thống y tế phải tham gia để đạt mục tiêu cao nhất là giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19", bác sĩ Phúc chia sẻ.
Ngày 16/8, Sở Y tế TP.HCM cho biết thay đổi mô hình thu dung và điều trị Covid-19 từ tháp 5 tầng thành thấp 3 tầng.
Tầng 1 là triển khai gói chăm sóc F0 tại nhà và 153 cơ sở cách ly tập trung (23.898 giường) cho F0 không triệu chứng, không bệnh nền hoặc có bệnh nền ổn định.
Tầng 2 là cấp cứu và điều trị các trường hợp F0 có triệu chứng từ nhẹ, trung bình đến nặng tại 74 bệnh viện điều trị Covid-19 (49.392 giường).
Tầng 3 là hồi sức chuyên sâu F0 nặng và nguy kịch tại 8 bệnh viện hồi sức Covid-19 (3.883 giường).