Tại cuộc họp kéo dài hơn 5 giờ của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM để bàn về các biện pháp thực hiện Nghị quyết 86, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phân tích cụ thể những hạn chế trong công tác chống dịch thời gian qua và đặt ra nhiệm vụ giai đoạn tới.
"Công việc của chúng ta rất cấp bách, rất nghiêm trọng và sứ mệnh của chúng ta rất nặng nề nên cần tập trung thời gian bàn cho kỹ, nghe cho thấu đáo, thống nhất cao mới có thể triển khai thực hiện có hiệu quả", ông Nên nói.
Tại sao TP.HCM tự tin hơn trong chống dịch?
Sau hơn 4 giờ lắng nghe ý kiến phát biểu của các địa phương, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng đây là tín hiệu tích cực, cho thấy lãnh đạo các quận, huyện, TP tự tin thực hiện kế hoạch đã đề ra và có phương án thực hiện cụ thể tại cơ sở. Bí thư Nên phân tích sự tự tin này xuất phát từ một số yếu tố cụ thể.
Thứ nhất, thành phố đã trải qua hơn 2 tháng giãn cách xã hội, có kinh nghiệm và trưởng thành hơn, càng làm càng chắc chắn, có niềm tin trong từng việc mình làm. Ông Nên kể lại khi ông nghe báo cáo kết quả giải phẫu người tử vong do Covid-19 thì virus đánh vào 2 đường - phổi và mạch máu. Hiện, thành phố đã có thuốc kháng viêm và kháng đông, trực tiếp điều trị hai vấn đề này.
"Ta lúng túng ngay từ chỗ không có thuốc trị nên mất tự tin. Nay ta có túi thuốc, có hướng dẫn điều trị, chắc chắn nhiều người vượt qua bệnh này", Bí thư chia sẻ.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: HMC. |
Thứ hai, hệ thống điều trị ngày càng được cải thiện, đến nay có 70.000-80.000 giường bệnh ở 3 tầng điều trị. Ông đề nghị khắc phục tình trạng bệnh nhân khó khăn trong tìm cơ sở điều trị.
Cuối cùng, Bí thư đánh giá cộng đồng xã hội cả trong và ngoài nước ủng hộ, cả Trung ương và địa phương hỗ trợ từ cái nhỏ tới cái lớn. Đây là chỗ dựa rất quan trọng để thành phố vượt qua khó khăn, tự tin chiến đấu.
Tổ chức đưa bà con về quê đàng hoàng
Bí thư nhận định Nghị quyết 86 là mệnh lệnh hành động cho lãnh đạo và nhân dân thành phố. Bí thư khẳng định muốn có một ngày "không Covid-19" thì thành phố phải tự vượt qua bằng sức của mình.
"Ta không có con đường nào để chọn lựa nữa mà phải chiến đấu từng ngày, từng giờ. Ta đang đi trong cơn bão và phải vượt qua, không còn cách nào khác. Đó cũng là mong mỏi tột độ của Đảng bộ, nhân dân thành phố", ông chia sẻ.
Về các nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư quán triệt việc đầu tiên là thực hiện triệt để Chỉ thị 16. Muốn khắc phục phải huy động được người dân đứng ra tự quản, không gì bằng ý thức tự giác của từng người, từng gia đình, khu phố, con hẻm.
"Có dư luận là tại sao gần đây dân ra đường nhiều quá. Đề nghị người nào được ra đường phải có ký hiệu để biết người đó được phép", ông nói.
Về xét nghiệm, Bí thư Nên cho biết thành phố đã qua 3 giai đoạn xét nghiệm. Trước đây, thành phố tập trung xét nghiệm truy vết, đưa ra chỉ tiêu từ 20/6 đến 10/7 xét nghiệm khoảng 500.000 mẫu/ngày. Nhưng đó chỉ là mong muốn, thực tế không làm được.
Từ 10/7, thành phố chuyển sang giai đoạn mới vì F0 tăng quá cao, không kiềm chế được nên kéo theo nhiều F1. Tuy nhiên, giai đoạn này quản lý không tốt, xử lý không tròn, phát sinh nhiều cái rắc rối. Khi đó, thành phố được tham mưu rằng 70-80% F0 không có triệu chứng. Nếu không phân tách các F0 theo triệu chứng mà cứ thu dung, quản không hết sẽ dẫn tới lây nhiễm chéo. Do đó, các quận, huyện, TP mở ra trung tâm thu dung để quản lý và tập trung lo cho người có triệu chứng.
Hơn 2 tuần qua, thành phố chuyển sang tập trung xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, thực tế xét nghiệm không phản ánh đầy đủ tình hình. Thành phố còn 30 ngày thực hiện Chỉ thị 16 để kiểm soát được dịch. Muốn vậy, phải đếm được F0, đồng nghĩa với cần chiến lược mới trong xét nghiệm.
Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu thành phố thống nhất trong công tác điều trị. Ảnh: Duy Hiệu. |
Bí thư dẫn chứng hệ thống y tế của thành phố có khoảng 500 cơ sở khám và điều trị, nay thành phố mới phát huy phân nửa. Ông đề nghị đưa vào hoạt động các cơ sở điều trị có năng lực, con người, phương tiện. Mỗi bệnh viện tiếp nhận vài ba chục người cũng "chia lửa" rất lớn. Đây là nguồn lực và thành phố phải tận dụng tối đa.
Về vaccine, ông Nên cho biết thành phố chưa chủ động được nguồn vaccine nên có nguồn nào dùng nguồn đó. Mua được vaccine nào thì lập tức thông tin cho người dân, đẩy nhanh tiêm vaccine. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh người tiêm rồi cũng không được chủ quan bởi vẫn còn khả năng nhiễm bệnh. Bí thư nhắc nhở gần đây có tình trạng tập trung đông người tại điểm tiêm và yêu cầu xử lý, không để lây nhiễm.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho biết Chính phủ và cả nước "sốt ruột" về việc người dân các tỉnh rời bỏ thành phố. Ông đề nghị các địa phương tiêm vaccine, xét nghiệm cho người dân, sau đó liên hệ với các địa phương để tổ chức đưa bà con về đàng hoàng.
Cuối cùng, Bí thư nhắc nhở công tác truyền thông phải minh bạch, kịp thời, đi về một phía. Ban chỉ đạo phải phân công công việc cụ thể, có con người, giao nhiệm vụ rõ ràng. Các vấn đề đã thống nhất cần được văn bản hóa để mỗi lãnh đạo đơn vị phải có trách nhiệm thực hiện, tuyên truyền.
Gói an sinh cần sớm triển khai, tháo gỡ vướng mắc, không để xảy ra tình trạng không biết hỏi ai. Lãnh đạo chỉ đạo, điều hành, khi có chủ trương dù lớn hay nhỏ cũng phải văn bản hóa để thực hiện, có người theo dõi, uốn nắn.
Bí thư nhấn mạnh dù đã lên kế hoạch nhưng khi triển khai có thể phát sinh nhiều vấn đề trong thực tiễn. Khi đó, các địa phương cần nhạy bén, sáng tạo để ứng phó, nếu cần thì báo cáo với người có thẩm quyền để giải quyết.