Cách ly F1 tại nhà là một trong những vấn đề được nhiều báo chí quan tâm tại cuộc họp báo với Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi chiều 16/7.
Trả lời vấn đề này, ông Phan Văn Mãi thừa nhận lúc đầu, TP.HCM có "lúng túng" trong việc cách ly F1 tại nhà.
Lý do thứ nhất là trước đây, việc xác định F1 rất khác nhau ở các địa phương, chưa thống nhất. Ví dụ như người tiếp xúc gần (F1) là trường hợp tiếp xúc trong khoảng 2 m hay ở cùng phòng, làm việc cùng tầng với F0.
Mới đây, các địa phương mới xác định lại tiếp xúc gần là người trong gia đình, cùng phòng làm việc, tiếp xúc trực tiếp trong 2 m. Từ đó, số lượng F1 được xác định rõ hơn. Thành phố cũng mạnh dạn hơn trong cách ly F1 tại nhà.
Ông Mãi cho biết tại khu nhà trọ công nhân có số F1 khá nhiều và chuyển thành F0 rất nhanh do mật độ dân cư đông, tiếp xúc gần. Những trường hợp này không đủ điều kiện cách ly tại nhà nên thường được đưa đi cách y tập trung.
"Do còn e dè, thành phố chưa làm được nhiều khi mới có chủ trương cách ly F1 tại nhà. Tuy nhiên, gần đây hiểu đúng, thành phố làm mạnh dạn nên số lượng F1 được cách ly tại nơi cư trú tăng lên", ông Mãi cho hay.
Theo thông tin từ Thành ủy TP.HCM, số lượng F1 được thí điểm cách ly tại nhà tính đến ngày 15/7 ở các quận, huyện, TP Thủ Đức là 2.058 trường hợp.
TP.HCM đang khẩn trương thiết lập các bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tại cuộc họp báo, Zing đặt câu hỏi về việc mới đây, Trung ương đã hồi đáp thế nào trước đề xuất của thành phố về việc hỗ trợ 18 loại trang thiết bị y tế để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Ông Mãi cho biết thời gian qua, Bộ Y tế và Trung ương đã giúp đỡ thành phố rất nhiều. Danh mục 18 thiết bị y tế mà thành phố đề xuất chủ yếu để phục vụ cho điều trị bệnh nhân nặng theo kế hoạch lâu dài, tùy giai đoạn và nhu cầu, theo thời điểm mà Trung ương có sự đáp ứng phù hợp.
"Không phải thiết bị nào thành phố có nhu cầu, Trung ương cũng có ngay. Chúng tôi đánh giá nhiệm vụ thời gian tới rất quan trọng, nhu cầu này sẽ rất lớn. Ngoài việc đề xuất Trung ương, thành phố cũng chủ động tìm mua các thiết bị điều trị sắp tới", ông Mãi cho hay.
Chỉ thị 16 được áp dụng toàn TP.HCM trong 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7. Thời gian này, các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ đều tạm dừng hoạt động. Các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải tạm ngưng.
TP.HCM đã chuẩn bị đủ hàng hóa để cung ứng cho người dân và đề nghị người dân không tích trữ lương thực, thực phẩm, gây tập trung đông người tại các điểm mua, bán nhu yếu phẩm.
Từ 27/4 đến trưa 16/7, TP.HCM ghi nhận 22.564 ca mắc Covid-19, là tâm dịch lớn nhất trên cả nước.