Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và giai đoạn 2016-2020; triển khai nhiệm vụ năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 của ngành tài nguyên và môi trường TP.HCM chiều 15/1, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua. Trong đó, sở thẳng thắn thừa nhận nhiều tồn tại, hạn chế.
Vướng mắc ở chủ đầu tư
Trong quản lý đất đai, báo cáo của sở đánh giá việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án còn chậm vì các điều kiện cấp giấy phụ thuộc vào chủ đầu tư. Do đó, nếu dự án có sai phạm sẽ ảnh hưởng đến việc cấp giấy cho người mua.
Sở cũng chỉ ra nhiều dự án nhà ở, chủ đầu tư chưa hoàn thành việc xây dựng đã bán dưới hình thức góp vốn hoặc huy động vốn của khách hàng, đồng thời, thế chấp dự án cho ngân hàng. Tuy nhiên, chủ đầu tư giao nhà cho người mua trong khi chưa giải chấp được với ngân hàng, dẫn đến không thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua.
Nhiều dự án căn hộ tại TP.HCM chưa được cấp sổ hồng. Ảnh: Chí Hùng. |
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên Môi trường thừa nhận công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của quận, huyện còn chậm, gây ảnh hưởng đến quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Thủ tục hành chính về giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án còn qua nhiều công đoạn, nhiều "cửa". Do đó, người dân và doanh nghiệp mất nhiều thời gian và công sức để thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục giao đất các dự án về nhà ở.
Ngoài ra, ngành tài nguyên môi trường đánh giá việc triển khai xác định giá đất còn chưa kịp tiến độ. Cùng với đó, việc điều tra, khảo sát giá đất thị trường gặp khó khăn và thông tin điều tra giá đất làm căn cứ đã xác định giá đất có độ tin cậy chưa cao. Sở cũng thừa nhận chưa hoàn chỉnh bản đồ giá đất, cơ sở dữ liệu về giá đất và dữ liệu về các giao dịch nhà đất để làm cơ sở cho việc xác định giá đất cụ thể, nhanh chóng, chính xác hơn.
Đánh giá về việc thu hồi đất, Sở TNMT cho biết việc phát triển quỹ đất chủ yếu thực hiện thu hồi từng sự vụ theo chỉ đạo của cấp trên hoặc theo kết luận thanh tra, mà không xây dựng kế hoạch theo tiến độ phát triển đô thị, kèm theo kế hoạch tài chính lâu dài. Do đó, nguồn tài chính từ đất chưa được khai thác hiệu quả.
Riêng một số khu đất thu hồi theo Nghị định 167 của Chính phủ dù đã tiếp nhận, vẫn còn vướng các hộ dân là những cán bộ, công nhân viên được doanh nghiệp bố trí làm nhà ở. Tình trạng này kéo dài nhiều năm.
Sở GTVT cho biết cơ quan này đã triển khai phương án di dời hộ dân tại một số quận, huyện theo chỉ đạo của UBND TP. Tuy nhiên, pháp lý về bồi thường và di dời các hộ dân vẫn chưa rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ nên vẫn chưa triển khai thực hiện.
Phân loại rác tại nguồn chưa hiệu quả
Đánh giá về lĩnh vực quản lý môi trường, Sở TNMT thừa nhận việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt chưa được triển khai đồng bộ dù đã ban hành chính sách, hướng dẫn.
Sở GTVT nhận định nguyên nhân là các chủ nguồn thải chưa chủ động phân loại.
"Người dân còn phụ thuộc hoàn toàn vào công tác tuyên truyền, vận động của lực lượng nòng cốt. Khi các ngành, mặt trận - đoàn thể, UBND giảm tần suất tuyên truyền thì tỷ lệ tham gia phân loại chất thải rắn sinh hoạt giảm theo", Sở TNMT cho hay.
TP.HCM chưa thể phân loại rác tại nguồn trên toàn TP. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang. |
Ngành tài nguyên môi trường cho rằng việc phân loại rác không thể đòi hỏi hiệu quả ngay mà cần phải có thời gian. Theo sở này, TP đang tập trung vào tuyên truyền, vận động nên chưa kiểm tra, xử lý theo Nghị định 155 về hành vi không phân loại.
Một nguyên nhân khác là UBND quận, huyện chưa tổ chức phương án thu gom riêng chất thải sau phân loại, đặc biệt là phương án thu gom cách ngày vì e ngại dân không đồng tình.
Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu vẫn là chôn lấp dẫn đến phát sinh mùi hôi, nước rỉ rác. Các nhà máy tái chế, xử lý rác hiện chưa đạt chỉ tiêu công nghệ. Tỷ lệ tái chế rác đến năm 2020 chỉ mới đạt 40%, còn lại là chôn lấp, đốt. Hoạt động của nhà máy làm phân compost gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ không ổn định.