“Việt Nam có thể trồng mía, trồng dừa, trồng chuối, nuôi cá da trơn nhưng không thể trở thành cường quốc của bất kỳ loại nào trong những nông, thủy sản này. Tại sao? Vì hạ tầng logistics yếu đang cản trở nhiều ngành công nghiệp chủ lực để chúng ta dẫn dắt nền kinh tế”, Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo (Đại học Kinh tế TP.HCM) Huỳnh Phước Nghĩa phân tích.
Nếu coi nền kinh tế là cơ thể thì logistics chính là mạch máu. Mạch máu này kết nối tốt, lưu thông ổn định thì các ngành kinh tế sẽ phát triển thuận lợi. Ngược lại, một hệ thống logistics lỗi thời và quá tải có thể cản trở sự phát triển của nhiều ngành kinh tế.
Nhìn vào hạ tầng logistics đang ngày càng quá tải ở TP Thủ Đức, ông Nghĩa cùng nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng còn rất nhiều việc phải làm để đưa nơi này thành trung tâm logistics, tận dụng “tiềm năng vàng” mà đô thị mới đang sở hữu.
Không có hạ tầng, không ngành nào tồn tại được
TP.HCM là cửa ngõ của vùng Đông Nam Bộ - nơi đóng góp hơn 50% GDP cả nước. Trong khi đó, TP Thủ Đức là “cửa ngõ của cửa ngõ”.
TP Thủ Đức là “cửa ngõ của cửa ngõ”, là hạt nhân mới trong sự phát triển của TP.HCM và Đông Nam Bộ.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa đánh giá đây là hạt nhân mới trong sự phát triển của TP.HCM và vùng kinh tế Đông Nam Bộ khi có kết nối đường bộ, đường thủy với những vùng kinh tế động lực như Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu… TP Thủ Đức với cụm cảng Cát Lái cũng là một trong những điểm trung chuyển cuối cùng của hàng hóa từ Việt Nam ra quốc tế. Do đó, sự phát triển logistics ở khu vực này có ý nghĩa quan trọng.
Dù thành phố mới này được quy hoạch để tập trung phát triển công nghệ, chuyên gia cho rằng vùng kinh tế Đông Nam Bộ vẫn phải tồn tại nền tảng kinh tế công nghiệp truyền thống, mà TP Thủ Đức giữ vai trò “cửa ngõ xuất khẩu”. Vậy nên, logistics vẫn giữ nhiệm vụ quan trọng trong kinh tế.
TP Thủ Đức là trung tâm kết nối nhiều khu công nghiệp lân cận. Đồ họa: Hà My. |
Nói về giải pháp để phát triển ngành logistics, ông Nghĩa cho rằng đổi mới công nghệ hay phát triển nguồn nhân lực chỉ giúp tăng hiệu suất, hiệu quả kỹ thuật như giải quyết đơn hàng nhanh hơn, quản trị tốt hơn... Còn giải pháp căn cơ vẫn nằm ở cơ sở hạ tầng.
“Logistics là hạ tầng, tức là đường rộng hay hẹp, có cảng hay không, đủ kho chứa hàng hay không… Đây là nền tảng cơ bản để giải quyết hiệu suất, hiệu quả kinh tế. Hạ tầng là gốc, không có nó thì không ngành nào tồn tại được’”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo ông, những phương tiện, công cụ khác trong logistics sẽ phát triển theo “xương sống” hạ tầng. Vị chuyên gia cũng cảnh báo "sự quá tải hạ tầng logistics ở TP Thủ Đức đã thấy rõ". Bởi hệ thống giao thông hiện nay không đáp ứng được cả tốc độ phát triển của thành phố và kỳ vọng của nền kinh tế, dẫn đến hoạt động ì ạch, không hiệu quả.
Để phát triển hạ tầng logistics, Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo nhận định rằng TP Thủ Đức và TP.HCM đều không thể phát triển một mình. Thay vào đó, cần phải có quy hoạch dựa trên tính liên kết vùng.
TP.HCM sẽ là đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía nam trên cả 3 phương diện: Trung tâm tài chính; trung tâm dịch vụ (đặc biệt là dịch vụ công nghiệp và logistics); trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và sáng tạo. Để giữ vai trò ấy, thành phố cần phát triển logistics như nền tảng hạ tầng cho các dịch vụ công nghiệp và cho tổng thể nền kinh tế.
Ông Nghĩa cũng phân tích hiệu quả kinh tế có được khi phát triển logistics cả một vùng. Cụ thể, nếu phát triển tốt logistics vùng Đông Nam Bộ mà TP.HCM là cửa ngõ thì sẽ giải quyết được bài toán kết nối của cả khu vực cao nguyên như Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum cùng khu vực miền Tây, Nam Trung Bộ… Với những lợi ích đó, việc đầu tư để phát triển logistics sẽ “rất đáng tiền”.
Cần "tư lệnh vùng" để ra quyết định
Chiến lược liên kết vùng Đông Nam Bộ trong phát triển logistics cũng là quan điểm được ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), nhấn mạnh.
Theo ông, logistics vừa liên quan đến hạ tầng giao thông, quy hoạch chủ hàng, quy hoạch các công ty cung cấp dịch vụ logistics nên phải tính đến kinh tế vùng. "Khó khăn về khách quan là các địa phương có những quyền lợi khác nhau, lợi ích khác nhau trong khi chưa có cơ chế đối thoại để đi đến quyết định chung”, ông Minh nêu vấn đề.
Thu phí hạ tầng cảng biển là một trong bước để TP.HCM tái đầu tư cho hạ tầng.
Tuy nhiên, Tổng thư ký VLA đánh giá liên kết vùng trong phát triển logistics là chặng đường gian nan. Vì thực tế, địa phương quy hoạch về chủ hàng, khu công nghiệp theo quỹ đất sẵn có, Bộ GTVT quy hoạch hạ tầng giao thông, Bộ Công Thương nắm trung tâm logistics, Tổng cục Hải quan quy hoạch những kho bãi thuộc quyền giám sát...
“Như vậy để thấy cơ chế phối hợp với nhau như thế nào đã là một vấn đề”, vị chuyên gia đánh giá.
Nói về lời giải cho bài toán quy hoạch liên kết vùng trong phát triển logistics, ông Minh và ông Nghĩa đều có chung quan điểm Đông Nam Bộ cần một "tư lệnh vùng" để có thể ra quyết định nhằm tận dụng tối đa tiềm năng của ngành này ở TP.HCM.
TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển để tái đầu tư hạ tầng. Ảnh: Lê Quân. |
Tin vui cho ngành logistics là đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà UBND TP.HCM vừa thông qua đã tính đến liên kết vùng.
Trong đó, TP đặt ra giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng logistics như đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ; phát triển mạng lưới đường sắt…
Cùng với đó, 4/7 trung tâm logistics được lên kế hoạch đặt ở TP Thủ Đức. Đó là các trung tâm logistics ở Long Bình, cụm Cát Lái - Phú Hữu, Linh Trung và Khu Công nghệ cao.
Chia sẻ với Zing về việc phát triển logistics ở TP Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đánh giá trong tương lai, ngành logistics tại đây có tiềm năng phát triển. Trong đó, cần tính đến liên kết của TP.HCM đến cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) để có thể nhận tàu lớn.
“Để trở thành trung tâm logistics của khu vực, thành phố cần cải tạo nhiều thứ và phải có thời gian. Việc TP tiến hành thu phí hạ tầng cảng biển cũng là một trong những bước để đầu tư lại hạ tầng”, ông Bình chia sẻ dù nhận định đây là việc khó.
Lãnh đạo TP.HCM cho biết thêm thời gian tới, thành phố có thể tính đến thu phí mặt nước như một trong những tài nguyên đặc biệt để từ đó có vốn tái đầu tư cho hạ tầng.