"Thực sự đáng tiếc", TS Đặng Vũ Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kho vận miền Nam (Sotrans), chia sẻ với Zing khi được hỏi về hy vọng mới đến từ TP Thủ Đức. Lý giải điều này, ông Thành cho rằng tiềm năng logistics của TP Thủ Đức chưa được khai thác đúng tầm.
Vừa là chuyên gia, vừa là chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, TS Thành đánh giá TP Thủ Đức là nơi hội tụ đầy đủ yếu tố để trở thành trung tâm logistics. “Sẽ là sự lãng phí rất lớn khi bỏ qua ưu thế vượt trội và rất dễ nhìn thấy của ngành logistics tại TP Thủ Đức”, vị chuyên gia nhận định.
Đủ khả năng trở thành trung tâm logistics
Trong 281 bến cảng của Việt Nam, riêng Cảng Cát Lái ở TP Thủ Đức đã đảm nhận 38,5% khối lượng container chứa hàng xuất nhập khẩu của cả nước. Cảng Cát Lái còn thuộc top 30 cảng container có sản lượng lớn nhất thế giới (số liệu do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn công bố năm 2019).
Không để ý đến tiềm năng logistics của TP Thủ Đức thì sẽ là sự lãng phí rất lớn.
TS Đặng Vũ Thành
Cũng tại TP Thủ Đức, khu ICD Trường Thọ rộng 63 ha là cụm cảng cạn lớn nhất Việt Nam. Theo quy hoạch, cụm cảng này sẽ sớm được di dời, nhưng trung tâm ICD mới vẫn sẽ được đặt tại TP Thủ Đức (phường Long Bình, quận 9).
Về đường hàng không, TP Thủ Đức sẽ là trung điểm giữa hai sân bay quốc tế hàng đầu cả nước là Tân Sơn Nhất và Long Thành (vừa khởi công ngày 5/1). Đây là điều kiện lý tưởng để thành lập trung tâm logistics chuyên dụng hàng không theo quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2015 (quyết định 1012).
TP Thủ Đức có hệ thống giao thông kết nối với các vùng lân cận. Đồ họa: Hà My. |
Ngoài lợi thế về kết nối đường thủy, đường hàng không, thành phố mới phía đông còn là mắt xích quan trọng kết nối giữa TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía nam, đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ. Cụ thể, tuyến metro số 1, tuyến Vành đai 3 (Mỹ Phước - Tân Vạn - Nhơn Trạch), tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 1, quốc lộ 1K, xa lộ Hà Nội...
Ngoài khả năng kết nối với các vùng công nghiệp phụ cận, tiềm năng logistics của TP Thủ Đức còn đến từ thị trường 13 triệu dân của TP.HCM và hơn 662.000 tỷ đồng tổng mức bán lẻ hàng hóa, chiếm 17,7% cả nước (năm 2019).
Tóm lược về lợi thế logistics vượt trội của TP Thủ Đức, TS Đặng Vũ Thành đúc kết 4 yếu tố: Vừa gần vùng sản xuất; vừa gần vùng tiêu thụ; quy mô đủ lớn để làm trung tâm logistics hàng trăm ha; tính kết nối vùng miền cao và là cửa ngõ quốc gia.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm hoạt động trong ngành logistics, ông Thành cho rằng nếu không để ý đến tiềm năng logistics của TP Thủ Đức thì sẽ là “sự lãng phí rất lớn”. Bởi lẽ, điều kiện tự nhiên nơi đây gần như đáp ứng cơ bản các yếu tố để trở thành trung tâm logistics của vùng và tiến tới là của khu vực. Từ đó, tạo nhiều việc làm cho người dân TP Thủ Đức và hỗ trợ ngành công nghiệp khác.
“Bỏ qua tiềm năng logistics của TP Thủ Đức giống như giữ vàng trong tay mà không biết phải xài như thế nào vậy”, ông Thành so sánh.
Không quy hoạch kỹ sẽ thành rào cản
Giả sử một đôi giày được sản xuất tại Việt Nam với giá 20 USD (chi phí sản xuất). Phí logistics trung bình tại Việt Nam hiện nay chiếm 18-20% giá thành sản xuất, nên doanh nghiệp sẽ phải chi thêm khoảng 4 USD cho phí logistics để đưa sản phẩm đến nơi tiêu thụ. Trong khi đó, con số này ở Malaysia chỉ dưới 2,6 USD (13% giá thành sản xuất).
“Tức là chi phí logistics làm tăng giá thành và làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt. Khi giá thành tăng, rõ ràng sức hút FDI cũng sẽ bị ảnh hưởng”, TS Thành chỉ ra vấn đề.
Cảng Cát Lái thuộc nhóm 30 cảng biển lớn nhất thế giới. Ảnh: Lê Quân. |
Theo thống kê của Armstrong & Associates (công ty nghiên cứu uy tín tại Hoa Kỳ) năm 2020, chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam tương đương 20,9% GDP. Con số này cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore, cao gần gấp hai lần so với các nước phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%.
Nếu logistics không được quy hoạch kỹ sẽ làm chậm tốc độ phát triển của TP Thủ Đức.
TS Đặng Vũ Thành
Trong chi phí logistics tại Việt Nam, phí vận tải tương đương 30-40% giá thành sản phẩm. Trong khi tỷ lệ này ở các quốc gia khác chỉ khoảng 15%. Điều này làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.
Nhìn từ TP Thủ Đức, TS Đặng Vũ Thành cho rằng trong khu đô thị sáng tạo tương tác cao này, các ngành như công nghệ, giáo dục, y tế… có thể hình dung như “phần cứng”. Và tất cả “phần cứng” này cần một “phần mềm” hiệu quả để vận hành. Logistics chính là ngành nắm giữ nhiệm vụ này.
“Nếu ‘phần mềm’ không chuẩn sẽ dẫn đến ‘phần cứng’ không thể vận hành với hiệu quả tối đa. Logistics là ngành công nghiệp hỗ trợ tất cả các ngành nghề khác. Nếu logistics không được quy hoạch kỹ sẽ trở thành rào cản làm chậm tốc độ phát triển của TP Thủ Đức”, ông Thành chỉ ra tính cấp thiết của việc phát triển logistics.
Thời cơ
Dịch Covid-19 phủ bóng đen lên hầu hết ngành kinh tế trên thế giới trong năm 2020. Thế nhưng, Công ty cổ phần Kho vận miền Nam (Sotrans) của ông Thành không nằm trong số đó. Doanh thu năm 2020 của Sotrans tăng 10%; đặc biệt, lợi nhuận tăng trưởng 20% so với năm trước.
“Khi tôi nói chuyện với các đối tác ở Hàn Quốc, Hong Kong, Thái Lan, Malaysia, họ 'mắt tròn mắt dẹt' và cực kỳ sốc. Họ rất ngưỡng mộ cả về thành tích kinh tế và chương trình chống dịch của Việt Nam”, CEO Sotrans chia sẻ với tâm trạng phấn khởi và nhấn mạnh vào một tương lai sáng sủa của ngành logistics ở TP.HCM.
Tiềm năng về một trung tâm logistics mang tầm khu vực ở TP.HCM không chỉ là đánh giá của cá nhân ông Thành.
Nếu không nắm bắt cơ hội này nhanh chóng thì sẽ không ai ngồi chờ chúng ta.
TS Đặng Vũ Thành
Trong báo cáo về Trung tâm Kho vận tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2030 được công bố tháng 12/2015, Tập đoàn CBRE (một trong những công ty kinh doanh dịch vụ bất động sản lớn nhất thế giới) dự báo TP.HCM có khả năng nằm trong danh sách 20 thành phố là trung tâm logistics khu vực và 30 thành phố là trung tâm logistics toàn cầu vào năm 2050.
Đây là thành phố duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được gọi tên (không tính 8 trung tâm kho vận toàn cầu thuộc khu vực này đã được xếp hạng). Nghiên cứu của CBRE xếp hạng dựa trên 3 yếu tố chính: Sự phát triển cơ sở hạ tầng, nhu cầu thị trường và môi trường kinh doanh.
Chuyên gia nhận định TP có tiềm năng rất lớn để trở thành trung tâm logistics của khu vực. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Sau đại dịch Covid-19, theo bảng xếp hạng sức khỏe tài chính của 66 nền kinh tế mới nổi năm 2020, tạp chí The Economist đánh giá Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn sau đại dịch Covid-19 với các chỉ số tài chính ổn định. Đây là thời cơ chuyển mình cho nhiều ngành kinh tế, trong đó có logistics.
Theo lời ông Thành, nếu tận dụng thời điểm vàng này kết hợp với tiềm năng vốn có, TP Thủ Đức sẽ có cơ hội lớn để thiết lập trung tâm logistics, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của thành phố.
Thế nhưng, vị CEO cho rằng Đề án hình thành và phát triển Khu đô thị Sáng tạo tương tác cao phía đông TP.HCM (TP Thủ Đức) lại chưa đề cập gì đến phát triển logistics tại TP Thủ Đức.
“Tôi nghĩ đây là cơ hội nghìn năm một thuở. Nếu không nắm bắt cơ hội này nhanh chóng thì sẽ không ai ngồi chờ chúng ta, mà nó sẽ chảy đi chỗ khác”, vị CEO đánh giá.
Bình luận