Tăng phí để có ngân sách bảo dưỡng đường, giảm phương tiện cá nhân
Theo văn bản đề xuất của UBND TP HCM gửi HĐND thành phố, mức lệ phí đăng ký xe đối với ôtô dưới 10 chỗ ngồi không sử dụng vào mục đích kinh doanh vận tải lên tới 11 triệu đồng/xe/lần (hiện nay là 2 triệu đồng/xe/lần). Với các phương tiện khác như: Đầu kéo sơmi rơ-moóc rời có mức đăng ký tăng từ 100.000 lên 150.000 đồng. Còn với các loại ôtô khác giữ nguyên mức 150.000 đồng/xe/lần.
Riêng đối với xe máy, đề xuất cũng tăng mức lệ phí đối với xe trị giá dưới 15 triệu đồng là 750.000 đồng, thay mức hiện hành là 500.000 đồng. Xe máy có trị giá 15-40 triệu, tăng lên 1,5 triệu đồng (hiện tại là 1 triệu đồng). Còn xe có trị giá trên 40 triệu đồng, mức thu là 3 triệu đồng, thay vì mức cũ 2 triệu đồng.
UBND TP HCM cho rằng, mức lệ phí cũ không phù hợp nên tăng phí đăng ký ôtô. |
Giải thích về đề xuất tăng mức phí đăng ký cao hơn nhiều lần, UBND thành phố cho rằng, hiện nay mức lệ phí cũ đã không còn phù hợp. Việc tăng mức phí là hợp lý với điều kiện kinh tế của người dân. Mặt khác, để đảm bảo nguồn thu ngân sách phục vụ công việc duy tu sửa chữa, kiểm tra hoạt động của các phương tiện; giảm đăng ký phương tiện xe cá nhân, phát triển các phương tiện giao thông công cộng trong tương lai…
Trao đổi với Báo Giao thông chiều 24/7, ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban VH-XH HĐND TP HCM cho biết, UBND thành phố chỉ mới trình HĐND xem xét, chứ chưa thẩm tra, chưa kết luận có tăng phí đăng ký xe ôtô, cũng như cho phép tiếp tục thu phí bảo trì đường bộ xe mô tô hay không. Cả hai đề xuất này dự kiến sẽ được trình vào kỳ họp của HĐND tới đây để đại biểu cho ý kiến.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP HCM cho hay, việc có tiếp tục thu phí bảo trì đường bộ xe máy hoặc tăng phí đăng ký ôtô thế nào cho phù hợp, phải chờ biểu quyết của các đại biểu trong kỳ họp HĐND sắp tới. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc kiến nghị Chính phủ dừng thu phí bảo trì đường bộ xe máy.
Theo đề xuất, TP HCM có gần 7 triệu môtô, xe máy thuộc diện phải nộp phí bảo trì đường bộ. |
Đề nghị tiếp tục thu phí xe máy
Ngày 20/7 vừa qua, UNBND TP HCM đã có văn bản báo cáo Thường trực HĐND thành phố về tình hình triển khai thu phí sử dụng đường bộ đối với môtô trên địa bàn thành phố. Theo ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP HCM, cơ sở pháp lý để thực hiện thu phí môtô dựa trên Luật Giao thông đường bộ, quy định về nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì đường bộ; Nghị định số 18 năm 2012 của Chính phủ về Quỹ Bảo trì đường bộ; các Thông tư của Bộ Tài chính để triển khai Nghị định 18…
“Đề án thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với môtô trên địa bàn TP HCM đã được nghiên cứu, xây dựng trong một thời gian dài, được thẩm định và phê duyệt đúng theo các quy định của Luật Giao thông đường bộ và bám sát nội dung chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy TP HCM”, văn bản nêu rõ.
Cụ thể, về mức thu phí do UBND thành phố ban hành, đối với môtô có dung tích xi lanh đến 100 cm3 phải nộp phí 50.000 đồng/năm, xe có dung tích trên 100 cm3 đến 175 cm3 nộp 100.000 đồng/năm, môtô trên 175 cm3 nộp 150.000 đồng/năm. Theo nhận định của UBND TP HCM, mức thu này là thấp hơn hoặc bằng với 62 tỉnh, thành trên cả nước.
Đến thời điểm này, hầu hết UBND các quận, huyện đã và đang phát phiếu kê khai, tuy nhiên mới chỉ có UBND quận 9 là đã thực hiện thu phí. Cụ thể, từ 1/6 - 28/6, quận 9 đã thu phí đối với 12.920 môtô, với tổng số tiền là 1 tỷ 156 triệu đồng, đạt 29,5% (so với tổng số lượng phương tiện thuộc diện phải kê khai, kể cả tạm trú là 43.785 môtô).
Theo số lượng thống kê, phương tiện môtô trên địa bàn TP HCM tính đến hết năm 2014 là 6.853.485 xe. Số tiền thu phí từ lượng phương tiện này vào khoảng 307 tỷ đồng/năm, trong đó chi phí để lại cho đơn vị thu là 35,9 tỷ đồng, số còn lại là kinh phí bảo trì đường bộ.
“Hiện nay, các tỉnh, thành trên cả nước đã triển khai thu phí sử dụng đường bộ môtô; Trong đó, có 30 tỉnh, thành đề xuất mức phí đối với môtô có dung tích xi lanh nhỏ hơn 175 cm3, bằng với mức phí được thành phố ban hành tại Quyết định số 20/2015/QĐ-UBND. Do đó, việc triển khai thu phí tại TP HCM với mức phí đã được HĐND thành phố thông qua là phù hợp”, ông Lê Hoàng Quân nhận định.
Ngày 23/7, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư chính thức có Tờ trình kiến nghị Chính phủ cho phép tạm thời dừng thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với môtô.
Trong khi chờ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thu phí sử dụng đường bộ đối với môtô, Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm thời dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với môtô từ ngày 1/1/2016.