Ngày 8/7, tranh luận nổ ra trong buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ với các nhà đầu tư BOT về việc triển khai thu phí tự động không dừng. Sau khi nghe các ý kiến của doanh nghiệp, ông Lê Đình Thọ đã yêu cầu lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam rút lại thông báo tạm dừng thu phí tại 4 dự án BOT.
Tranh cãi về tỷ lệ doanh thu trích cho VETC
Từ ngày 5/7, Tổng cục Đường bộ ra thông báo yêu cầu 4 dự án BOT trên quốc lộ 1, quốc lộ 14 tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ kể từ 18h ngày 10/7 cho đến khi hoàn tất việc ký phụ lục hợp đồng BOT triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng.
Các doanh nghiệp BOT thông qua Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) để nêu quan điểm phản đối thông báo dừng thu phí của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Ảnh: Ngọc Tân. |
Các dự án bị yêu cầu dừng thu phí gồm dự án hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng (trạm Bắc Hải Vân), dự án BOT quốc lộ 1 qua TP Cam Ranh (trạm Cam Thịnh), dự án BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp và dự án mở rộng quốc lộ 14 qua địa phận tỉnh Gia Lai.
Không chấp nhận yêu cầu dừng thu phí của Tổng cục Đường bộ, 4 doanh nghiệp dự án này đã thông qua Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) để phản bác lại.
Các doanh nghiệp cho biết đã ký phụ lục hợp đồng thu phí không dừng với Bộ GTVT từ năm 2017, trong đó doanh nghiệp đồng thuận trích một phần tỷ lệ doanh thu của BOT cho nhà cung cấp dịch vụ VETC.
Mới đây, Bộ GTVT yêu cầu doanh nghiệp BOT ký bổ sung phụ lục hợp đồng với nội dung tăng tỷ lệ doanh thu trích lại cho VETC. Một số doanh nghiệp không đồng ý (tiêu biểu là 4 doanh nghiệp bị yêu cầu dừng thu phí) vì cho rằng việc này phải thông qua đàm phán chứ không được áp đặt.
Đại diện BOT Đức Long - Gia Lai khẳng định đã ký phụ lục hợp đồng triển khai thu phí tự động không dừng từ lâu và vẫn đang trả phí cho Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) nhưng dự án BOT của họ vẫn bị liệt vào danh sách dừng thu phí vì chưa ký phụ lục hợp đồng thu phí không dừng.
Ông Phạm Văn Thưởng, Phó giám đốc công ty BOT Cam Thịnh, cũng cho biết doanh nghiệp của ông đã ký phụ lục hợp đồng thu phí không dừng với Bộ GTVT và ký hợp đồng với VETC từ năm 2017. Từ đó đến nay hệ thống thu phí không dừng tại trạm hoạt động trơn tru nhưng vẫn bị Tổng cục Đường bộ liệt vào danh sách dừng thu phí.
Theo ông Thưởng, mức phí mới đây Bộ GTVT yêu cầu doanh nghiệp trích cho VETC đã tăng gần gấp đôi so với hợp đồng từng ký với VETC trước đó.
Lo ngại phát sinh chi phí, mất quyền quản lý trạm
Nói về mức phí quản lý thu theo hình thức tự động không dừng, Bộ GTVT cho biết chi phí này thấp hơn mức phí quản lý thu theo hình thức một dừng (đang triển khai ở các trạm BOT) khoảng 80% - 90%.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ đang được Bộ GTVT giao trọng trách đôn đốc tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng. Ảnh: Hiếu Công. |
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các nhà đầu tư BOT đều yêu cầu có chi phí giám sát nhà cung cấp dịch vụ thu phí (VETC). Mức phí giám sát này theo đề nghị của các nhà đầu tư là 50% chi phí quản lý thu phí trong hợp đồng BOT.
Bộ GTVT cho biết đề xuất trên là chính đáng. Tuy nhiên, nếu thêm cả chi phí giám sát thì tổng chi phí quản lý thu tự động không dừng sẽ lớn hơn chi phí quản lý thu phí mà các trạm đang triển khai từ trước đến nay.
Một số nhà đầu tư cho rằng chi phí lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí không dừng khiến phương án tài chính của dự án tăng hàng trăm tỷ đồng.
Trong bối cảnh Chính phủ áp dụng quy định "thu phí tự động không dừng không được làm tăng mức thu so với các hình thức thu hiện hành", nhà đầu tư sẽ phải tăng thời gian thu phí để bù đắp chi phí "nuôi" hệ thống thu phí không dừng.
Bên cạnh việc phát sinh chi phí, các nhà đầu tư còn lo ngại về quy định nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ các trạm thu phí đang vận hành cho nhà cung cấp dịch vụ (VETC), chậm nhất là 31/12.
Hiện, vẫn còn nhiều nhà đầu tư cho rằng bàn giao trạm thu phí tức là không còn quyền lợi, trách nhiệm gì với hoạt động của trạm. Trường hợp có sự cố tại trạm hoặc sự cố với VETC thì chưa rõ đơn vị nào đứng ra giải quyết.
Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định tất cả nhân sự, tài sản của trạm thu phí vẫn thuộc doanh nghiệp dự án quản lý. Đơn vị cung cấp dịch vụ chỉ quản lý một số làn thu phí không dừng trên cơ sở hợp đồng với nhà đầu tư dự án. Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ giám sát hoạt động của trạm để bảo đảm công khai, minh bạch.