Tại buổi họp cung cấp thông tin về vaccine tại TP.HCM chiều 26/7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức thông tin về số lượng và việc phân bổ vaccine tại TP.HCM.
Đợt tiêm chủng thứ 5 bắt đầu từ chiều 22/7, đến trưa 26/7 đã đạt gần 180.000 mũi. TP ghi nhận 189 trường hợp có phản ứng sau tiêm nhưng không có trường hợp nào nặng. Số người có phản ứng hầu hết được tiêm tại bệnh viện, thuộc 2 nhóm chính: Người trên 65 tuổi và người có bệnh nền theo 4 loại mà kế hoạch tiêm đã thông báo.
Tốc độ tiêm đang tăng dần
Ông Đức cho biết hiện TP.HCM đang tiêm 3 loại vaccine là AstraZeneca, Pfizer và Moderna. Số vaccine tại kho mà HCDC đang quản lý là 743.000 liều. Trong đó có 610.000 liều AstraZeneca, 108.000 liều Moderna, gần 26.000 liều Pfizer.
Trước đó, Bộ Y tế có quyết định phân bổ hơn 900.000 liều vaccine cho TP.HCM. Như vậy, TP đã nhận hơn 82% số vaccine được phân bổ.
TP đã cấp cho quận, huyện, TP và các bệnh viện tổng hơn 432.000 liều vaccine để tổ chức tiêm và sẽ tiếp tục chuyển về từng đợt nhằm đảm bảo điều kiện bảo quản. Một lượng ít vaccine Sinopharm sẽ được Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tiêm cho công dân Trung Quốc ở TP.HCM.
TP.HCM đã nhận hơn 82% số vaccine được phân bổ. Ảnh: Duy Hiệu. |
Giải thích về quy trình phân phối vaccine, ông Đức cho biết sau khi Bộ Y tế phân bổ, các lô vaccine sẽ được đưa về thành phố theo từng đợt và lưu trữ tại kho của Bộ Y tế ở Viện Pasteur TP.HCM. Sau đó, vaccine được chuyển về kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) để chia cho các địa phương.
Riêng với vaccine Pfizer, ông lý giải quy trình sử dụng loại này phức tạp hơn so với vaccine khác, phải qua nhiều công đoạn nên việc tiêm cũng chậm hơn. Cụ thể, nhiệt độ lưu trữ của Pfizer là -80 đến -70 độ C. Nhưng khi tiêm phải ở nhiệt độ 2-8 độ C. Do đó, vaccine này phải qua quy trình giảm độ lạnh, rã đông, làm nguội mới có thể tiêm.
Giai đoạn rã đông sẽ do Viện Pasteur thực hiện, sau đó chuyển đến kho của HCDC rồi phân bổ cho trung tâm y tế. Trong khi vaccine AstraZeneca, Moderna có thể tiêm ngay thì vaccine Pfizer phải được để nguội trong 2 giờ và tiêm trong ngày, nếu không sẽ phải bỏ.
Hiện, TP.HCM đã tổ chức 606 đội tiêm, chưa kể các đội chuyên trách của bệnh viện làm tại chỗ. Những ngày qua, tốc độ tiêm đang tăng dần.
"Vaccine không có tác dụng ngay, ít nhất sau 45 ngày mới có tác dụng. Nhưng nếu không tiêm sớm thì tình trạng sẽ khó khăn. TP nỗ lực để khi vaccine đến với thành phố có thể đến nhanh nhất với người dân", ông Đức khẳng định.
Ngoài ra, Phó chủ tịch UBND TP cho biết TP đang nỗ lực đàm phán để mua 5 triệu liều vaccine Sinopharm và 5 triệu liều vaccine Moderna.
Mong người dân kiên nhẫn
Điểm khác biệt trong đợt tiêm thứ 5 so với 4 đợt tiêm trước là thành phố ưu tiên cho nhóm có bệnh lý nền và người trên 65 tuổi. Ông Dương Anh Đức giải thích đây là một phần nguyên nhân khiến tốc độ tiêm của TP.HCM khá chậm. Hiện, tốc độ tiêm đạt 60% kế hoạch đề ra. Thành phố sẽ cố gắng đạt công suất 100.000 mũi tiêm/ngày.
Lãnh đạo TP cho biết người lớn tuổi hoặc có bệnh lý nền là những nhóm đối tượng đặc biệt, rất khó đạt tốc độ tiêm cao vì việc chăm sóc nhóm này phải cẩn thận, kỹ lưỡng. Do đó, công tác tổ chức chậm hơn các đối tượng tiêm khác ngoài cộng đồng.
"Mong bà con kiên nhẫn và không quá sốt ruột", ông Đức nói.
Khám sàng lọc kỹ là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tiêm vaccine ở TP.HCM chậm hơn dự kiến. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo Tổng cục thống kê, số người trên 65 tuổi tại TP.HCM là 450.000 người. Đến nay, hệ thống đăng ký tiêm chủng vaccine ghi nhận khoảng 117.000 người thuộc nhóm này đăng ký tiêm.
Mong người dân kiên nhẫn, Phó chủ tịch Dương Anh Đức khẳng định TP đang cố gắng tiêm thật nhanh cho đối tượng ngoài cộng đồng để sớm đưa lực lượng về bệnh viện, tiêm cho nhóm đặc biệt.
Ngoài ra, lãnh đạo TP cũng chia sẻ quy trình tiêm của Bộ Y tế đưa ra rất chặt chẽ, đặc biệt với đối tượng có bệnh lý nền.
Người tiêm phải khám sàng lọc 2 bước, đo huyết áp, thậm chí SpO2. Sau đó, bác sĩ mới chỉ định tiêm và phải chờ thêm 30 phút để theo dõi. Do thời gian chờ lâu nên không gian tiêm phải rất rộng. Khám sàng lọc và chờ sau tiêm cũng là hai nguyên nhân khiến tốc độ tiêm khá chậm.
TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 đến 1/8. Từ 24/7, thành phố siết chặt hơn nhiều quy định trong giai đoạn giãn cách. Trong đó, TP.HCM thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời gian giãn cách.
Tối 25/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết bắt đầu từ 26/7, sau 18h mỗi ngày, người dân không nên ra đường, hoạt động trên địa bàn thành phố tạm dừng tới 6h sáng hôm sau để đảm bảo giãn cách xã hội, hạn chế việc đi lại của người dân.
Tính từ 27/4 đến trưa 26/7, TP.HCM ghi nhận 62.139 ca nhiễm, hiện là tâm dịch lớn nhất cả nước.