Trong ngày 21/1 vừa qua, việc điều hành (giảm) giá bán lẻ xăng dầu đã có những trục trặc dẫn đến những thông tin sai lệch ban đầu, thậm chí khiến một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng “rối” vì thông tin từ của liên bộ: Công thương - Tài chính.
Rắc rối phát sinh từ ngày 20/1, khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 06/2015/TT-BTC tăng thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng xăng dầu lên tới 40% (có hiệu lực thi hành từ 21/1/2015). Trên cơ sở mức thuế này, ngày 21/1, Bộ Công thương cũng đã tính toán các phương án điều chỉnh giảm giá xăng dầu, như giảm giá xăng RON 92 và Ron 95 xuống 1.444 đồng/lít và có hiệu lực từ 15h cùng ngày. Một số thông báo về mức giá mới sau đó đã được phát đi.
Tuy nhiên, cũng ngay sau đó, nhận ra sự bất cập của chính sách trong Thông tư 06/TT-BTC, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo ban hành ngay thông tư mới - Thông tư 07/2015/TT-BTC bãi bỏ Thông tư 06/TT-BTC - để giữ nguyên các mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu hiện hành.
Rắc rối phát sinh từ ngày 20/1, khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 06/2015/TT-BTC tăng thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng xăng dầu lên tới 40% (có hiệu lực thi hành từ 21/1/2015). |
Theo giải thích của Bộ Tài chính, việc ban hành thông tư mới là để dành dư địa cho điều hành giá, góp phần giảm chi phí đầu vào cho nền kinh tế… Việc Bộ Tài chính rút ngay Thông tư 06/TT-BTC chắc chắn là điều tích cực và ít nhất, nó đã giúp Bộ trưởng Tài chính giữ được “chữ tín” khi trước ngày 20/1, phát biểu công khai với các cơ quan báo chí, ông khẳng định sẽ giữ nguyên các loại thuế xăng dầu. Cho dù, việc vừa ban hành chính sách lại bãi bỏ ngay cũng không phải là không gây ra những hậu quả nhất định.
Trước tiên là việc các doanh nghiệp xăng dầu trong cùng một ngày nhận được hai thông tư về chính sách thuế với xăng dầu. Thông báo thay đổi mức điều chỉnh giá xăng dầu cũng thay đổi như chong chóng trong có 1-2 giờ đồng hồ khiến các doanh nghiệp hoang mang, bị động.
Thứ hai, thông tin điều chỉnh giá đưa tới báo chí cũng thay đổi liên tục, gây nhiều sai sót, nhầm lẫn, khiến người dân, doanh nghiệp hiểu nhầm.
Một văn bản có tính quy phạm pháp luật, đặc biệt là thông tư về giá cả như Thông tư 06/TT0BTC được đưa ra thường phải có sự chuẩn bị trước đó một số ngày. Nhưng nội dung thông tư đã không chính xác, phải bãi bỏ ngay, cho thấy công việc chuẩn bị của bộ phận chuyên môn của Bộ có lẽ chưa được tốt lắm, dẫn đến sai sót không đáng có. Nhưng ngoài vấn đề sai sót dẫn đến điều hành “giật cục” như trên, có một vấn đề đáng nói khác.
Đó là hiện nay, theo cam kết mà Việt Nam có tham gia, tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018, thuế nhập khẩu xăng dầu chỉ ở mức 20%; thuế nhập khẩu dầu diesel chỉ ở mứ 5% năm 2015 và giảm dần về 0% trong năm 2016 đến năm 2018. Còn theo cam kết hội nhập WTO của Việt Nam, mức thuế áp dụng từ 0% đến 40%. Như vậy, có hai loại thuế song song được áp dụng.
Trong khi đó, với các thông tư mới ban hành, Bộ Tài chính mới chỉ quy định áp dụng điều hành thuế với thị trường có mức thuế cao nhất mà chưa quy định riêng về thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN.
Người viết cho rằng, sau những sau sót trong việc ban hành Thông tư 06/TT-BTC, Bộ Tài chính cũng nên xem lại chính sách trong lĩnh vực thuế với xăng, dầu cho hệ thống, đầy đủ để không tạo ra những bất cập mới, dẫn đến những việc điều hành “giật cục” một cách đáng tiếc.