Thượng Hải ngày 11/4 ghi nhận 26.087 ca mắc Covid-19 mới, nối dài chuỗi ngày số ca nhiễm SARS-CoV-2 được phát hiện mới liên tục tăng cao.
Điều này khiến giới chức Thượng Hải phải kéo dài lệnh phong tỏa toàn thành phố, với hơn 26 triệu dân sang tuần thứ hai. Trước đó, nơi đây có cách tiếp cận “mềm mỏng" hơn khi ứng phó với đại dịch Covid-19 so với các thành phố khác.
Chuyện gì đang xảy ra ở Thượng Hải?
Người dân không thể ra đường, phần lớn phải đặt đồ ăn, nước uống và đợi chính phủ phân phát rau, thịt và trứng, theo BBC.
Sau hơn hai năm đại dịch, làn sóng Omicron lan nhanh tại Trung Quốc gần đây đã khiến Thượng Hải lần đầu phong tỏa toàn thành phố. Hôm 11/4, chính quyền thành phố đông dân nhất Trung Quốc quyết định sẽ bắt đầu nới lỏng tình trạng phong tỏa ở một số khu vực, song phần lớn người dân vẫn sống trong những giới hạn nghiêm ngặt.
Hồi tháng 3, nơi đây chỉ phong tỏa từng khu vực để ngăn chặn số ca nhiễm tăng cao.
Khi Thượng Hải ghi nhận 1.800 ca nhiễm hồi tháng 3, thành phố này vẫn chưa áp đặt hạn chế diện rộng. Điều này trái ngược với thành phố Tây An, với gần 13 triệu dân, đã phong tỏa toàn thành phố khi chỉ có gần 100 ca nhiễm hồi tháng 12/2021.
Ngoài ra, thành phố Vũ Châu, tỉnh Hà Nam, đã phong tỏa 1,1 triệu người khi chỉ có 3 ca nhiễm.
Đến cuối tháng 3, Thượng Hải ghi nhận số ca mắc tăng vọt, với hơn 2.500 ca mỗi ngày trong ngày 27/3. Thành phố đã quyết định phong tỏa từng phần - ban đầu Thượng Hải phong tỏa quận phía đông, sau đó chuyển sang phía tây.
Nhưng đến ngày 3/4, Thượng Hải đã phong tỏa toàn bộ 26 triệu dân thành phố, thay vì phong tỏa từng phần khi số ca nhiễm không có dấu hiệu suy giảm.
Người dân Thượng Hải xếp hàng chờ xét nghiệm trong ngày 4/4. Ảnh: Reuters. |
Martin Hibberd, giáo sư tại trường Y học Nhiệt đới thuộc Đại học London, cho rằng cách tiếp cận trước đó của Thượng Hải (phong tỏa từng phần) không hiệu quả với biến chủng lây lan nhanh như Omicron.
“Việc phong tỏa cục bộ các khu đông dân cư sẽ không thể ngăn mọi người tương tác với nhau. Điều này khiến virus dễ lây lan, đặc biệt khi có những trường hợp không xuất hiện triệu chứng”, ông nói.
Tại sao Thượng Hải không sớm phong tỏa?
Nguyên nhân chính là tầm quan trọng của thành phố này đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Thượng Hải đóng góp 3% vào GDP, cũng như 10% vào thương mại cả nước kể từ năm 2018.
Nghiên cứu từ Đại học Hong Kong cho biết một lệnh phong tỏa kéo dài hai tuần ở những thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải có thể khiến Trung Quốc mất 2% GDP trung bình mỗi tháng.
GDP trung bình mỗi tháng tại Trung Quốc trong năm 2021 là 9.500 tỷ RMB (1.400 tỷ USD). Do đó nước này có thể mất khoảng 190 tỷ RMB (29,8 tỷ USD) cho mỗi tuần phong tỏa.
Ngành hàng không của thành phố khá bận rộn, khi vận chuyển hơn một nửa thiết bị y tế và thuốc men đến các thành phố khác tại Trung Quốc trong giai đoạn đầu đại dịch Covid-19.
Năm 2020, các chuyến bay chở hàng tại sân bay quốc tế Phố Đông ở Thượng Hải chở 3,4 triệu tấn hàng hóa - nhiều hơn một triệu tấn khi so với tổng lượng hàng mà cả ba sân bay ở Bắc Kinh, Quảng Châu và Thâm Quyến cộng lại.
Phong tỏa có hiệu quả không?
Giáo sư Hibberd cho rằng các biện pháp cứng rắn ở Thượng Hải vẫn chưa đủ để ngăn chặn sự lây lan do các biến chủng của Omicron.
Theo ông, cách tốt nhất để giảm thiểu tác động của Covid-19 là khuyến khích mọi người đi tiêm vaccine, đặc biệt là nhóm người dễ tổn thương.
Trung Quốc đã đạt tỷ lệ 86% dân số được tiêm chủng, với hơn 11 tỷ liều vaccine. Tuy vậy, tỷ lệ tiêm chủng ở những người trên 80 tuổi - nhóm dễ tổn thương - vẫn thấp hơn nhiều so với những nhóm tuổi khác.
Ủy ban Y tế Quốc gia nói rằng chính quyền địa phương nên đặt việc tiêm chủng cho nhóm người cao tuổi là ưu tiên hàng đầu. Cơ quan này cũng đã phê duyệt thử nghiệm lâm sàng cho hai loại vaccine Covid-19 sử dụng mRNA CSPC và CanSino.
Các nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho một bé gái trong bệnh viện dã chiến ở Thượng Hải ngày 9/4. Ảnh: Reuters. |
Khi nào nới lỏng phong tỏa?
Thượng Hải hiện nới lỏng một số hạn chế bằng việc chia thành phố thành ba vùng: Vùng phong tỏa, vùng kiểm soát, vùng phòng ngừa.
Khu vực nào không có ca nhiễm trong một tuần sẽ được ghi nhận là vùng kiểm soát. Nếu không có ca nhiễm trong hai tuần thì sẽ hạ xuống thành vùng phòng ngừa.
Người dân trong những vùng không có hoặc có ít ca nhiễm sẽ được đi lại quanh khu dân cư.