Mới đây, người tiêu dùng lại bàng hoàng trước thông tin phẩm màu dùng trong công nghiệp nhuộm được trộn vào thức ăn cho gà.
PGS.TS. Dương Duy Đồng (ĐH Nông Lâm TP HCM) cho rằng lý do người ta đưa chất tạo màu vàng vào thức ăn cho gia súc là do người chăn nuôi ngộ nhận thức ăn càng có màu vàng thì càng giúp tạo màu vàng cho da chân (hoặc cho lòng đỏ trứng) gà.
"Vàng ô là một loại phẩm nhuộm dùng trong công nghiệp mà chủ yếu là trong ngành dệt may. Chất này không hề có giá trị dinh dưỡng đối với gia súc, gia cầm".
PGS.TS Duy Đồng khẳng định không được đưa phẩm màu dùng trong công nghiệp vào thực phẩm cho gia súc.
Ông cho rằng những loại phẩm màu (vô cơ) này không những có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của gia súc mà còn có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.
PGS.TS Duy Đồng cũng cho biết thêm, trong chăn nuôi gà, người ta vẫn được phép sử dụng một số sản phẩm để cung cấp sắc tố cho da chân hoặc lòng đỏ trong trứng. Nhưng đó phải là các sắc tố nguồn gốc hữu cơ và có trong danh mục được phép lưu hành do giới chức có thẩm quyền công bố.
“Người tiêu dùng nên phân biệt giữa hai chuyện này. Đừng chỉ nghe nói là thức ăn chăn nuôi trộn phẩm màu là sợ không dám ăn sản phẩm chăn nuôi thì không phù hợp. Vẫn có những loại sản phẩm màu giúp tăng cường màu của sản phẩm chăn nuôi thì được cho phép sử dụng, còn vàng ô thì không”, TS Dương Duy Đồng nói thêm.
Có khả năng gây ung thư nhóm 3
“Tên thương mại của vàng ô là Auramine O, còn tên hóa học của nó là Diarylmethane. Trong chất này có một dạng huỳnh quang và hạt mạ vàng dễ tan trong nước và cồn. Chất này chỉ được sử dụng trong công nghiệp, dùng để nhuộm vải, giấy, hay để quét tường chứ không được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc làm chất phụ gia trong nguyên liệu thô”, PGS.TS Lê Văn Thọ (ĐH Nông Lâm TP HCM ) chia sẻ những thông tin cụ thể về vàng O.
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương - phó khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM cho rằng chất sử dụng trong công nghiệp thì không được phép dùng trong thực phẩm dù vì bất kỳ lý do gì.
“Vàng O, hay còn gọi là VAT Yellow là chất độc hại đối với cơ thể sinh vật nói chung và đã bị tổ chức Ung thư thế giới (IARC) xếp vào chất gây ung thư nhóm 3, tức là có khả năng gây ung thư cao”, BS Phương khuyến cáo.
Ngoài ra, chất này có thể gây kích ứng rất dữ dội, nếu tiếp xúc với da sẽ gây ngứa và bong tróc da, tiếp xúc qua đường hô hấp sẽ gây sặc, lên cơn viêm phế quản, qua đường tiêu hóa gây đau bụng, nôn ói, đau rát cổ, tiêu chảy.
“Điều đáng sợ là nó có thể tích tụ trong thịt của gia súc gia cầm, rất khó đào thải. Bên cạnh đó, vì chất này nguyên thủy được sử dụng trong công nghiệp nên cũng không được lọc hết kim loại nặng. Người ăn phải những gia súc bị tích tụ những kim loại này nặng có thể chịu nhiều hậu quả như hư gan, mật, vô sinh hay bệnh mau quên, chậm phát triển trí tuệ. Ngoài ra còn có thể gây ung thư”- BS Phương phân tích.
Phải xử lý thật mạnh
Trước thông tin thực phẩm cho gia súc bị nhuộm chất gây ung thư, sinh viên Mai Quang Vinh - Trường ĐH Khoa học tự nhiên - cho rằng đã đến lúc người tiêu dùng nên dẹp bỏ sự hoang mang mà có những hành động lên án mạnh mẽ hơn trước những sự việc vi phạm nghiêm trọng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm như thế.
“Người tiêu dùng "chịu trận” sống chung với thực phẩm kém an toàn, chứ cũng chẳng làm được gì để ngăn chặn. Người dân thật sự không có cách nào để biết thực phẩm nào là xấu, nhiều chất hóa học độc hại có trong thực phẩm rất khó để nhận ra"- bạn đọc Vinh chỉ ra một thực trạng đáng buồn.
“Chúng ta đã không có một hành lang pháp lý đủ chặt chẽ và có tính răn đe, đã vậy đạo đức của người kinh doanh ngày lại càng kém. Chính chúng ta tự đầu độc chúng ta”- bạn đọc Nguyễn Văn Thịnh nói.
Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị xử phạt thế nào?
“Theo nghị định số 119/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi ban hành năm 2013, đối với trường hợp sự dụng chất cấm trong chăn nuôi hoặc trong thức ăn chăn nuôi, hộ chăn nuôi sẽ bị xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Đối với trang trại thì xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.
Hành vi sử dụng chất cấm trong gia công, sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ bị xử phạt từ 70 đến 100 triệu đồng. Ngoài ra hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôi từ 1 đến 3 tháng.
Đối với cơ sở chăn nuôi thì buộc phải tiếp tục nuôi vật nuôi đã sử dụng chất cấm đến khi kiểm tra không còn tồn đọng chất cấm mới được đem bán hoặc giết mổ. Bên cạnh đó còn buộc tiêu hủy toàn bộ chất cấm hoặc thức ăn chăn nuôi có chất cấm”, luật sư (LS) Huỳnh Phước Hiệp cho biết.
LS Huỳnh Phước Hiệp cho rằng quy định hiện hành vẫn chưa tương xứng với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
“Hành vi này không những gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn có thể có nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội. Việc ngày càng có nhiều người mắc bệnh vì thức ăn khiến bệnh viện trở quá tải, tốn kém ngân sách nhà nước do phải chi nhiều cho BHYT, không những vậy còn mất nguồn lao động. Nếu chỉ phạt hành chính thôi thì chưa ổn mà nên hình sự hóa tội này mới đảm bảo tính răn đe” - LS Hiệp nêu ý kiến.
Cũng theo LS Hiệp, vàng ô chưa được đưa vào danh mục chất cấm nhưng sắp tới có lẽ sẽ có kiến nghị đưa vào.
“Nhà nước cũng không thể chạy theo chiêu trò của các doanh nghiệp mãi như vậy được, cấm chất này rồi lại sử dụng chất khác chưa cấm rồi lại cấm, như thế là không ổn”, LS Huỳnh Phước Hiệp nhận định.