Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Công nghệ' làm đẹp chuối bằng thuốc trừ cỏ

Sau sầu riêng ép chín bằng thuốc lạ đến chuối ép chín bằng thuốc trừ cỏ và trừ sâu khiến người đứng đầu Bộ NN&PTNT cũng phải “giật mình”.

Dù ngành nông nghiệp đã vào cuộc mạnh mẽ trong việc siết chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm trong chăn nuôi nhưng dường như vẫn còn kẽ hở để những kẻ hám lời lợi dụng, đầu độc người tiêu dùng.

Ớn lạnh sống lưng”

Ngày 29/10, Thanh tra chuyên ngành của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương đã tiêu hủy 200 kg chuối có sử dụng thuốc trừ cỏ CO 2,4D làm cứng trái của vựa chuối do ông Vũ Xuân Tiến làm chủ tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở chưa  có giấy phép kinh doanh, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của chuối. Ngoài ra, cơ sở còn sử dụng khí Acetylen để làm chín chuối. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử phạt 6,4 triệu đồng, yêu cầu chủ cơ sở tiêu hủy số chuối đã sử dụng hóa chất cũng như nghiêm cấm việc tái sử dụng các loại hóa chất trên.

Trước đó, Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Dương đã thành lập đoàn kiểm tra cơ sở sản xuất, buôn bán, sử dụng hóa chất bảo quản nông sản, thực phẩm, vật tư nông nghiệp. Theo đó, đoàn đã kiểm tra 6 cơ sở kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh và phát hiện cơ sở của ông Tiến vi phạm.

Các loại hóa chất ngoài luồng được sử dụng để làm chín trái cây.
Các loại hóa chất ngoài luồng được sử dụng để làm chín trái cây.

Trái cây sau khi được nhúng vào dung dịch CO 2,4D các vi sinh vật bám vào sẽ bị chết ngay nên giữ được vẻ tươi đẹp rất lâu. Đây là loại hóa chất độc hại, gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, ông cảm thấy “ớn lạnh sống lưng” khi biết được thông tin này.  “Đó không phải là vi phạm nữa mà là tội ác và thể hiện sự tàn độc. Chúng ta không thể làm ngơ để một người làm hại nhiều người”, ông Cao Đức Phát bức xúc.  

Theo người đứng đầu Bộ NN&PTNT, vấn đề ATTP trong nông sản đã có bước chuyển biến trong thời gian qua, nhưng song hành với đó lại phát sinh thêm nhiều thủ đoạn mới, gây bức xúc hơn. “Không ai có thể nghĩ ra, người dân lại dùng chất Vàng Ô (chuyên dùng để quét vôi ve tường trong xây dựng) cho gà ăn để màu đẹp, nhưng qua kiểm tra lực lượng chức năng đã phát hiện”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhìn nhận.

Phải xử lý hình sự

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, nên bổ sung quy định về chất cấm trong chăn nuôi và thực phẩm. Luật hiện tại đang có bất cập, bỏ sót hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, cần phải nâng tội ác này lên mức xử lý hình sự mới đủ sức răn đe.

Đồng tình với quan điểm này, Đại tá Trần Trọng Bình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cho biết, hiện nay tại điều 155 Bộ luật hình sự về tội phạm buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng cấm... thì không có quy định sử dụng và xử lý khi dùng chất cấm như Salbutamol trong chăn nuôi. Còn điều 244 về xử lý hình sự đối với những vi phạm về ATVSTP chỉ quy định cấu thành tội phạm hình sự khi gây ra hậu quả nghiêm trọng như gây ngộ độc hàng loạt.

Đại tá Trần Trọng Bình cho rằng: “TNGT khi xảy ra có thể chứng minh ngay hậu quả qua giám định thương tật, nhưng với những người sản xuất, kinh doanh sử dụng chất cấm, hóa chất ngoài luồng để ép chín trái cây… thì không gây hậu quả ngay, mà tích lũy, ảnh hưởng dần”.

Do những bất cập về luật nên trên thực tế, cơ quan chức năng đã bắt hàng loạt trường hợp cho hàn the vào giỏ chả, dùng đạm urê ướp cá, mực và đưa formaldehyde vào bánh phở... mà không thể xử lý được.

Theo Đại tá Trần Trọng Bình, để khắc phục bất cập này, không thể căn cứ yếu tố cấu thành hậu quả khi quy định tội về sử dụng chất cấm trong thực phẩm mà nên áp dụng yếu tố cấu thành hình thức. Chỉ cần có hành vi đưa hoặc sử dụng chất cấm vào thực phẩm, thức ăn chăn nuôi là có thể truy tố về hình sự.

Còn đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương bày tỏ, muốn ngăn chặn triệt để tình trạng vi phạm ATTP trong sản xuất nông nghiệp phải “đánh” từ gốc, cứ tổ chức kiểm tra, phát hiện và phạt một vài người nông dân, người chăn nuôi, thương lái thì chỉ “hớt ngọn”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Thanh tra Bộ NN&PTNT sẽ công bố đường dây nóng để giúp mọi người dân có thể chủ động phát hiện và cung cấp cho Bộ về những cơ sở, doanh nghiệp sử dụng chất cấm. Đồng thời sẽ  treo thưởng cho người có thông tin tố giác liên quan đến chất cấm, tùy theo chất lượng của thông tin.

Hãi hùng sầu riêng 'tắm' hóa chất

Lao Động đã tận mắt thấy sầu riêng xanh non được thu hái đồng loạt, đem nhúng vào một loại hóa chất đặc quánh, vàng như nghệ, để vài ngày biến thành... sầu riêng “chín rụng”.

http://anninhthudo.vn/moi-truong/giat-minh-cong-nghe-lam-dep-chuoi-bang-thuoc-tru-co/643018.antd

Theo Tuyết Nhung/An Ninh Thủ Đô

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm