Người ta nói “đi lượm sầu riêng”, không ai bảo “hái sầu riêng”. Nhưng bây giờ rất ít người được ăn sầu riêng chín rụng, mà chỉ có sầu riêng non tẩm hóa chất. PV Lao Động đã tận mắt thấy sầu riêng xanh non được thu hái đồng loạt, đem nhúng vào một loại hóa chất đặc quánh, vàng như nghệ, để vài ngày biến thành... sầu riêng “chín rụng”. Ăn của này có thể bị mờ mắt, ngạt thở, giảm trí nhớ... và những tai họa chưa lường được.
Những ngày này, đi trên quốc lộ 26 - đoạn qua xã Ea Yông, huyện Krông Pắk - thấy cảnh mua bán, vận chuyển, đóng gói sầu riêng tấp nập. Cả một đoạn quốc lộ dài hàng chục cây số thường xuyên tắc đường bởi xe công nông, xe container, những vựa sầu riêng lấn ra đường. Dự án khu dân cư của Công ty Thái Bình Dương ít người làm nhà ở, được tận dụng làm bãi tập kết sầu riêng, bãi đậu xe container không khác cửa khẩu Tân Thanh trên Lạng Sơn những lúc tắc hàng.
Nhúng sầu riêng xanh non vào hóa chất để ép chín, cách làm phổ biến của các cơ sở thu mua sầu riêng tại Đắk Lắk. |
Đây là năm thứ ba liên tiếp nhà vườn ở Krông Pắk “lên hương” nhờ sầu riêng. Ông Nguyễn Lộc - nông dân ở xã Ea Yông - phấn khởi nói: “Tôi có 2ha cà phê, trước thấy người ta trồng xen cây sầu riêng vô cũng bắt chước trồng, giờ thu hoạch sầu riêng không cũng gần cả tỷ bạc”. Cũng như ông Lộc, không ít nông dân xây nhà lầu, sắm xe hơi rầm rầm ngay trong mùa sầu riêng này. Xếp theo thứ hạng, hiện sầu riêng đang là “cây vua”, ngang hàng với cây hồ tiêu. Còn cà phê, cao su giờ chỉ lấy công làm lời, nuôi cây sống cầm cự chứ không ăn thua.
Ăn sầu riêng non tẩm hóa chất
Nhưng khác với những năm trước, ngoài thương lái thu mua số lượng lớn, khách qua đường không dừng lại mua sầu riêng về làm quà mỗi khi đi qua đoạn quốc lộ này. Bởi chuyện thu hái sầu riêng xanh, nhúng hóa chất cho chín ở vùng này giờ ai cũng… kinh. Vào vườn cây đang thu hoạch của ông Nguyễn Văn Bảy - xã Ea Yông, tôi được chứng kiến sầu riêng cắt xanh đồng loạt, bỏ lên xe công nông chở ra hướng quốc lộ 26.
Ông Bảy nói, các đại lý, doanh nghiệp chỉ thu mua trái xanh rồi xử lý bằng thuốc, tính toán sao đó mà chở tới nơi bán sầu riêng mới chín. Chị N.T.Ng - hàng xóm của ông Bảy - nhìn chúng tôi một lượt từ đầu đến chân, hất hàm hỏi: “Nhà báo phải không”. Thấy chúng tôi không nói gì, chị Ng thì thầm: “Không biết ổng nói với mấy chú sao, chứ sầu riêng người ta từ lúc rụng đài hoa tới khi thu hoạch là 100-110 ngày, còn ổng mới 70-80 ngày đã hái hết rồi. Đem nhúng thuốc là chín hết, có mùi thơm vậy, nhưng trái non nên bóc ra chỗ nhão nhoét, chỗ sống sượng không ăn được đâu”.
Chai “thần dược” mang tên “Trái chín”. |
Chúng tôi bám theo một xe công nông từ vườn ông Bảy, chiếc xe ra quốc lộ 26 một đoạn rồi chạy tuột vào một cơ sở thu mua sát bên đường. Là nơi đóng gói sầu riêng, có diện tích khá lớn, nhưng cơ sở này dùng bạt che kín toàn bộ, đi trên quốc lộ không thể nhìn thấy các hoạt động bên trong.
Bạn đồng nghiệp lái xe máy chở tôi chạy vào, bỗng khựng lại trước cổng khi thấy một bà to béo, da ngăm đen, mắt trắng, mặc đồ bộ ngồi chình ình giữa cửa quát: “Đi đâu”. Bạn tôi mới vào nghề, còn non gan nên vòng xe chạy mất... Vừa đi, bạn làu bàu: “Buôn trái cây mà giấu như chế biến thực phẩm bẩn...”.
Chúng tôi trở ra khu Thái Bình Dương, gặp ông chủ dễ tính cho đứng xem, nhưng cấm quay phim. Khoảng 10 công nhân đang làm việc, họ phải đeo găng tay, bịt kín từ đầu đến chân để tránh... ngộ độc hóa chất. Những quả sầu riêng xanh được công nhân nhúng vào thùng dung dịch loại 30 lít, bên trong có hóa chất đặc quánh, vàng như nghệ. Nhúng xong họ đem xếp cho ráo nước, ngấm thuốc rồi cho vào thùng lên những chiếc container.
Ông N.V.Ch, chủ cơ sở, là người Tiền Giang lên đóng chốt cho biết: “Đây là thuốc trái chín, loại 500 ml, một chai như vậy pha với 20 lít nước. Sau khi ngấm thuốc, để khoảng 5-6 ngày là sầu riêng sẽ chín đều. Nhưng nếu giao hàng gấp, muốn chín nhanh hơn thì chỉ cần pha thuốc đậm đặc hơn, ngâm lâu hơn thôi”.
Cũng theo ông Ch, khi cắt phải để nguyên cả cuống; sau khi chín vì ngấm thuốc, sầu riêng sẽ rụng cuống, để lại dấu cuống y như sầu riêng chín rụng. Với công nghệ tài tình này, chắc chắn người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là sầu riêng nhúng thuốc, đâu là quả chín tự nhiên. Chúng tôi hỏi công nhân phải bịt kín vậy, chắc là hóa chất kịch độc, người ta ăn sầu riêng vào người thì sao?
Ông Ch. cười xởi lởi: “Hổng có, xưa giờ có ai bị gì đâu, ăn ngon bình thường mà. Còn anh em công nhân người ta cẩn thận nên bịt vậy thôi, bởi nếu không thì có thể bị ngứa, cay mắt, tiếp xúc lâu thì khó thở chút thôi...”. Ông chủ nói hồn nhiên, chúng tôi nghe mà lạnh toát cả người. Bởi mới tháng trước đã xảy ra một vụ ngộ độc hóa chất tập thể tại Công ty TNHH Kim Quý - xã Ea Yông, huyện Krông Pắk.
Sáng 23/8, trong khi tẩm nhúng sầu riêng vào hóa chất để ép chín, nhiều công nhân bị cay mắt, chóng mặt, nôn ói. Phía Công ty đưa họ đến một số cơ sở y tế kiểm tra, tối đó đưa họ về nhà, tránh tiếp xúc với báo chí và các đoàn kiểm tra.
Công an Đắk Lắk tiêu hủy một xe sầu riêng “bẩn”. |
Bắt quả tang hàng loạt vụ “tắm” sầu riêng
Tại các cửa hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở huyện Krông Pắk bày nhan nhản các loại thuốc dạng lỏng có tên ETHREL 40% có xuất xứ từ Trung Quốc, rồi thuốc Trái chín HPC -97-HXN do một Công ty có trụ sở tại TP HCM sản xuất. Tại nhiều cửa hàng, bên trên những tủ kính bày các loại hóa chất này, có biển quảng cáo ghi dòng chữ rõ to: “SẢN PHẨM CHUYÊN DÙNG CHO CÂY SẦU RIÊNG”.
Giá mỗi chai chỉ 30.000-50.000 đồng, nhưng sức tiêu thụ rất lớn. Do vậy chỉ trong vòng 1 tháng qua, Cảnh sát môi trường (PC 49) Công an Đắk Lắk đã liên tiếp bắt quả tang 4 vụ “tắm” hóa chất cho sầu riêng. Đêm 6/9, PC 49 phát hiện cơ sở thu mua sầu riêng Hương Sang - ở xã Ea Kênh, do ông Khổng Minh Sang làm chủ - đang nhúng sầu riêng xanh vào một loại dung dịch. Chủ cơ sở thừa nhận dung dịch này gồm phân bón lá nhãn hiệu "Trái chín", nước, bột nghệ vàng.
Cũng trong đêm 6/9, PC49 còn phát hiện hành vi tương tự tại cơ sở thu mua sầu riêng Huỳnh Mai ở xã Ea Kênh, cơ sở Rồng Hoa Thái ở xã Ea Yông. PC49 đã xử phạt mỗi cơ sở 30 triệu đồng, tiêu hủy hơn 1,4 tấn sầu riêng tẩm hóa chất.
Sự việc chưa kịp lắng xuống thì tối 17/9, PC49 tiếp tục bắt quả tang cơ sở thu mua trái cây Lan Tươi - phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ - đang “hô biến” sầu riêng non thành sầu riêng chín, với tang vật là 309 kg sầu riêng cùng một số chai phân bón lá nhãn hiệu Trái chín. Một lãnh đạo PC49 Công an Đắk Lắk cho biết: “Từ chỗ hoạt động công khai, bây giờ họ tổ chức tẩm nhúng vào ban đêm, trong những cơ sở kín đáo nên rất khó phát hiện. Để bắt quả tang được một vụ, anh em phải mất nhiều ngày mai phục, theo dõi…”.
Theo tìm hiểu của PV Lao Động, dung dịch HPC-97 HXN Trái chín - có chứa hoạt chất ethephon - không có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng theo Thông tư số 10/2012/TT-BNNPTNT ngày 22/2/2012 của Bộ NNPTNT. Nhưng hoạt chất ethephon lại được phép sản xuất dưới dạng phân bón với công dụng là kích thích cao su ra mủ, kích thích nhãn, vải, xoài, thanh long… ra hoa.
Sau khi biết hoạt chất này có tác dụng sản sinh khí etylen xúc tiến trái cây chín nhanh, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký sản xuất dưới dạng phân bón, nhưng ngầm hiểu với người sử dụng là ép chín trái cây. Nếu dùng quá liều lượng, chất này sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, mắt, da, phổi, trí nhớ hoặc gây thiếu oxy.
Theo ông Trịnh Tiến Bộ - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NNPTNT Đắc Lắc - thì trên vỏ chai thuốc “Trái chín” chỉ ghi mỗi thành phần là etylen, nên chưa thể khẳng định thuốc gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng như thế nào, phải chờ kết quả phân tích, kiểm nghiệm. Nhưng trước mắt có thể khẳng định chất lượng sầu riêng nhúng thuốc “Trái chín” kém hơn sản phẩm cùng loại chín tự nhiên.