Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vì sao thủ tướng New Zealand đột ngột từ chức?

Dù lèo lái New Zealand vượt qua khủng hoảng, Thủ tướng Jacinda Ardern dường như đã cạn kiệt sức lực và "biết khi nào thì đến lúc cần dừng bước".

thu tuong New Zealand anh 1

“Hãy mạnh mẽ và tử tế” là cách mà Thủ tướng Jacinda Ardern kết thúc buổi họp báo công bố quyết định triển khai đợt phong tỏa đầu tiên tại New Zealand vào tháng 2/2020.

Khẩu hiệu này nhanh chóng trở thành câu cửa miệng của nhiều người dân New Zealand, góp phần đáng kể vào kỳ tích loại bỏ nCoV trong giai đoạn đầu của đại dịch.

Xuyên suốt những năm tháng tiếp theo trong nhiệm kỳ thủ tướng của bà Ardern, “hãy mạnh mẽ và tử tế” được xem như cụm từ đồng nghĩa với phương châm chính trị của nhà cầm quyền 42 tuổi.

thu tuong New Zealand anh 2

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern bất ngờ tuyên bố từ chức vào ngày 19/1. Ảnh: West Australian.

Năm 2017, bà Ardern trở thành nữ nguyên thủ quốc gia trẻ nhất thế giới tại chức, đồng thời là người phụ nữ thứ hai trong lịch sử sinh con khi đang trong nhiệm kỳ, theo Guardian.

Sáu năm sau, bà Ardern đưa ra thông báo đầy bất ngờ rằng bà sẽ từ chức trước khi cuộc bầu cử tiếp theo diễn ra. Cụ thể, theo tuyên bố của bà Ardern hôm 19/1, thủ tướng 42 tuổi sẽ kết thúc hai nhiệm kỳ tại vị vào cuối tháng 1.

Lãnh đạo hiếm có

Trở lại năm 2017, bà Ardern bắt đầu lộ diện trên chính trường New Zealand chỉ vài tuần trước khi cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra. Thời điểm đó, Công đảng của bà Ardern được dự đoán gần như cầm chắc phần thua.

Tuy nhiên, bằng sức hút đến từ khả năng hùng biện và tầm nhìn cho một New Zealand tốt đẹp hơn, bà Ardern đã lèo lái Công đảng giành chiến thắng ngoạn mục.

Trong sáu năm tại vị thủ tướng, khả năng lãnh đạo đất nước của chính trị gia gốc Hamilton được mài dũa và khẳng định bằng một loạt khủng hoảng trên nhiều phương diện.

Cách phản ứng của bà Ardern trong bối cảnh khó khăn đã nêu bật giá trị của sự đồng cảm, lòng nhân đạo và sự bác ái. Đây được xem là những di sản nổi bật trong sự nghiệp chính trị của thủ tướng 42 tuổi.

“Ardern luôn là một lãnh đạo giỏi khi (đất nước) gặp khủng hoảng”, tác giả Madeleine Chapman viết về Thủ tướng Ardern. “Nhưng thật không may, bà ấy đã chịu đựng quá nhiều thử thách trong giai đoạn cầm quyền”.

Vào tháng 3/2019, khoảng 18 tháng sau khi bà Ardern đắc cử thủ tướng, New Zealand hứng chịu đợt tấn công khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử. Cụ thể, một người tôn sùng chủ nghĩa da trắng thượng đẳng đã xả súng hàng loạt tại hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch khiến 51 người thiệt mạng.

Vài phút sau khi vụ xả súng nổ ra, bà Ardern lập tức có bài phát biểu bày tỏ sự đồng cảm với cộng đồng người nhập cư và những người tị nạn, vốn là mục tiêu trong vụ tấn công. Dòng chữ “Họ cũng là chúng ta” được bà Ardern viết tay trên một tờ giấy A4 nhanh chóng trở thành tâm điểm của cuộc họp báo.

“Bà ấy có trí tuệ cảm xúc cực kỳ tốt. Đó chính là phẩm chất cần thiết ở một nhà lãnh đạo, cả trong sự kiện ở Christchurch lẫn trong thời kỳ đại dịch”, nhà bình luận chính trị Ben Thomas, người từng phục vụ trong chính phủ New Zealand, nhận định.

Quả thực, trong năm đầu tiên đại dịch Covid-19 đổ bộ, bà Ardern đã thành công trong việc đoàn kết người dân New Zealand lại để triển khai các đợt phong tỏa. Đây là một trong những chính sách hiệu quả giúp New Zealand hạn chế số ca nhiễm và tỷ lệ tử vong vì nCoV xuống mức thấp nhất thế giới.

Toby Manhire, Tổng biên tập tạp chí Spinoff, cho rằng thành quả chống dịch đã giúp bà Ardern thăng tiến nhanh chóng trên chính trường và đem danh tiếng của bà vang xa bên ngoài lãnh thổ New Zealand.

Trên các mặt báo quốc tế, chân dung bà Ardern tỏa sáng rực rỡ, đại diện cho tiếng nói của thế hệ lãnh đạo trẻ và cấp tiến bất chấp thái độ lo ngại của nhiều phía về sự trỗi dậy của phe cực hữu.

Sáu năm nhọc nhằn

Ở New Zealand, khi đại dịch Covid-19 kéo dài nhiều năm, di sản và hình ảnh của bà Ardern trước công chúng dần trở nên phức tạp hơn.

Chính quyền Thủ tướng Ardern đã đưa ra nhiều quyết sách về mặt lập pháp để giải quyết các vấn đề trầm kha trong xã hội New Zealand. Đơn cử, tình trạng đói nghèo ở trẻ em tại nước này đã giảm mạnh dưới thời bà Ardern, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch.

Công đảng cũng đạt nhiều thành tựu đáng kể như gia tăng tỷ lệ việc làm lên mức kỷ lục, thời gian nghỉ thai sản có lương lên đến 26 tuần, tăng thời gian nghỉ ốm và nâng mức lương tối thiểu lên 30%.

Mặt khác, chính phủ của Thủ tướng Ardern đã phải vật lộn để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở song không thực sự tạo ra nhiều thay đổi tích cực. Không những vậy, xu hướng tài khóa bảo thủ cũng khiến chính phủ của bà Ardern gặp khó khăn trong việc triển khai những hoạt động phúc lợi xã hội quy mô lớn bên cạnh chương trình ứng phó với đại dịch.

“Lòng tốt và sự đồng cảm sẽ khó đi xa trên chính trường vì chính trị thường xuyên đòi hỏi chúng ta phải đánh đổi”, ông Thomas nhận định về “kim chỉ nam” của bà Ardern.

Cuộc bầu cử vào tháng 10 được dự kiến là một trận chiến cam go hơn nhiều so với những gì bà Ardern từng đối mặt trước đây. Vào năm 2017, chính trị gia gốc Hamilton được chọn làm lãnh đạo đảng Lao động chỉ vài tuần trước khi cuộc bầu cử diễn ra, sau đó nhanh chóng xoay chuyển thế cuộc cho Công đảng.

Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020, sự ủng hộ đông đảo đối với cách khống chế đại dịch Covid-19 đã giúp Công đảng giành chiến thắng với quy mô chưa từng có trong lịch sử.

Theo phân tích của bà Chapman, ngay từ những ngày đầu tham gia chính trường, bà Ardern đã luôn bày tỏ sự chán ghét đối với sự ganh đua và cay cú trong các cuộc bầu cử.

“Bà ấy luôn nói rằng bản thân không thích kiểu vận động tranh cử đó”, bà Chapman nói. Nhưng đó lại chính xác là những gì cuộc bầu cử vào tháng 10 sẽ diễn ra, vì vậy tôi không ngạc nhiên khi bà ấy không hào hứng với nó”.

Thêm vào đó, sáu năm khủng hoảng và khó khăn dường như đã bào mòn năng lượng của bà Ardern.

“Tôi biết quyết định từ chức của tôi sẽ làm dấy lên cuộc tranh luận về ‘lý do thực sự’ đằng sau chuyện này”, bà Ardern nói trong bài phát biểu hôm 19/11. “Dù gì thì, sau sáu năm trải qua nhiều biến cố căng thẳng, tôi cũng vẫn là con người”.

thu tuong New Zealand anh 8

Gia đình bà Ardern đã phải hy sinh nhiều để bà theo đuổi sự nghiệp chính trị. Ảnh: Sky News.

Cũng trong buổi họp báo 19/11, bà Ardern cho biết gia đình bà đã phải hy sinh rất nhiều. Kết thúc bài phát biểu, chính trị gia 42 tuổi nói với con gái và hôn phu: “Neve, mẹ rất mong được đưa con đến trường khi con bắt đầu đi học vào năm nay. Và Clarke, cuối cùng thì, chúng ta hãy kết hôn đi”.

“Tôi hy vọng tôi đã trao cho người dân New Zealand niềm tin rằng chúng ta có thể tử tế nhưng mạnh mẽ, đồng cảm nhưng quyết đoán, lạc quan nhưng tập trung”, bà nói, giọng không giấu được sự xúc động. “Và rằng tôi có thể trở thành kiểu lãnh đạo mà tôi muốn: một người biết khi nào thì đến lúc phải ra đi”.

Tuyên bố từ chức đầy bất ngờ của thủ tướng New Zealand Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 19/1 bất ngờ thông báo sẽ từ chức, và cho biết sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 14/10.

Tầm quan trọng của các đại dương

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Quyền lực biển - Lịch sử và địa chính trị của các đại dương trên thế giới”. Cựu Đô đốc Mỹ James G. Stavridis, từng giữ chức Tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh NATO, đã đem đến cho người đọc hành trình đáng nhớ tới tất cả vùng biển quan trọng nhất trên thế giới, cùng với những góc nhìn đa chiều về biển hay sức mạnh của hải quân tới vận mệnh của quốc gia.

Chuyện gì xảy ra khi thủ tướng New Zealand từ chức?

Trong thông báo gây sốc, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 19/1 tuyên bố từ chức. Bà cũng xác nhận cuộc bầu cử quốc gia sẽ được tổ chức vào tháng 10 năm nay.

Lãnh đạo thế giới lên tiếng việc bà Ardern bất ngờ từ chức

Lãnh đạo các quốc gia khối Thịnh vượng chung và các chính khách tại New Zealand đã bày tỏ sự kính trọng với bà Jacinda Ardern sau tuyên bố từ chức ngày 19/1.

Đại Hoàng

Bạn có thể quan tâm