Môi trường học tập căng thẳng và nạn bạo lực học đường khiến nhiều học sinh không muốn đến trường. Một số em chọn cách giải thoát bằng việc tự tử. Ảnh: BBC |
"Bộ đồng phục trường học nặng nề như áo giáp. Tôi không thể tiếp tục chịu đựng không khí ở nhà trường. Tôi từng nghĩ đến chuyện tự vẫn vì như vậy còn dễ dàng hơn. Tôi nghĩ sẽ tự kết liễu vào ngày 1/9 cũng chính là ngày tựu trường", cậu Masa nói với BBC. Khi đi học, Masa thường xuyên bị bạn bè bắt nạt.
Nanae Munemasa, một nữ sinh thường xuyên trốn học và từng có ý định tìm đến cái chết, cho biết: "Kỳ nghỉ hè giúp chúng tôi được ở nhà khá lâu. Khoảng thời gian đó thực sự là những ngày tuyệt vời nhất đối với các học sinh hay bị ức hiếp. Khi hết hè, mọi người đều phải trở lại giảng đường. Lúc nghĩ đến chuyện lại bị bắt nạt, bạn hoàn toàn có thể nghĩ tự tử là một giải pháp thoát khỏi tình cảnh này".
Masa và Nanae không phải học sinh duy nhất cho rằng chết là cách để các em không phải tiếp tục đến trường. 2014 là năm đầu tiên ghi nhận nguyên nhân tử vong cao nhất của thiếu niên từ 10 đến 19 tuổi là do tự sát. Văn phòng Chính phủ Nhật Bản (CAO) ghi nhận, ngày 1/9 hàng năm là thời điểm mà số lượng thiếu niên tự kết thúc cuộc đời cao nhất (trung bình 130 trường hợp vào ngày 1/9, 92 ca tự tử vào ngày 31/8 và 94 vụ trong ngày 2/9).
Ông Shikoh Ishi, biên tập viên một tờ báo chuyên tư vấn học đường, kể lại câu chuyện kinh hoàng cách đây 17 năm. "Hai em học sinh đã tự tử ngày 31/8. Sau đó, 3 em khác đã phóng hỏa đốt trường vì không muốn tiếp tục đi học. Khi đó, những người lớn mới nhận ra các em đã tuyệt vọng như thế nào".
Ishi quyết định thành lập một tờ báo học đường để tư vấn cho các học sinh chán nản. Chúng tôi muốn gửi thông điệp rằng các em không bị buộc phải lựa chọn giữa trường học và cái chết".
Bản thân ôn Ishi cũng từng muốn tự tử khi ông 13 tuổi. "Khi đó, tôi nghĩ mình không còn sự chọn lựa nào khác. Tôi không biết rằng đi học cũng là một quyền của bản thân. Tôi cảm thấy vô dụng và ghét mọi luật lệ, không chỉ luật do nhà trường ban hành mà còn là cách ứng xử giữa trẻ con với nhau. Nếu bạn không tham gia vào các trò bắt nạt, bạn sẽ trở thành đối tượng bị bắt nạt", ông Ishii nói.
Nhà trường cũng là một xã hội đầy tính cạnh tranh, áp lực nặng nề với học sinh Nhật Bản. Ảnh: Getty |
Khảo sát của CAO củng cố quan điểm của ông Ishi. CAO cho biết 90% học sinh mà họ lấy ý kiến nói rằng bản thân từng bắt nạt học sinh khác, hoặc bị bạn bè ăn hiếp. "Vấn đề nằm ở chỗ, trường học là một xã hội đầy cạnh tranh mà các em cần phải hạ gục bạn bè xung quanh", Ishi chia sẻ quan điểm.
Theo Ishi, sự cạnh tranh không chỉ là những vụ tranh chấp, mà còn là các cuộc thi. Ông Ishi cũng từng muốn tự tử sau khi thi rớt kỳ thi đầu vào của một trường cấp 3 danh giá. Không chỉ học sinh, cả người lớn cũng xem những kỳ thi tuyển sinh này là một cuộc chiến khốc liệt.
"Bố mẹ đã phát hiện thư tuyệt mệnh của tôi. Họ cho phép tôi ở nhà nghỉ ngơi và quan tâm, an ủi tôi. Do vậy, tôi muốn nói với các em học sinh ngày nay rằng các em hoàn toàn có quyền không phải đến trường một cách cưỡng ép", Ishi nói.
Cô bé Nanae đã quyết định ở nhà gần một năm nay. Bà Mina Munemasa ủng hộ quyết định của con. "Trước đây, Nanae thường nói những câu như, 'Nếu con nhảy từ tháp Tokyo thì con có thể bay'. Tôi không cho rằng trường học là nơi mà con tôi buộc phải đánh đổi tính mạng", bà Mina nói với CNN.