Theo South China Morning Post, trước đây, thách thức lớn nhất của các công ty Trung Quốc tại nước ngoài là thuyết phục người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm của họ.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy nhanh chóng của những hãng công nghệ như TikTok, Huawei, Xiaomi đã phơi bày một trở ngại khác. Đó là thuyết phục các chính phủ nước ngoài rằng doanh nghiệp Trung Quốc chỉ theo đuổi lợi nhuận, chứ không dính dáng đến chính quyền Bắc Kinh.
Chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc lại chính sách đối với ByteDance. Trước đó, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu công ty này bán lại hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ. Ấn Độ cũng cấm TikTok và hàng chục ứng dụng khác của Trung Quốc. Cả Mỹ và Ấn Độ đều viện dẫn lý do "lo ngại an ninh quốc gia".
Xiaomi cũng gặp rắc rối sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ đưa công ty vào danh sách những doanh nghiệp có quan hệ với quân đội Trung Quốc. Các công ty nằm trong danh sách sẽ không thể nhận đầu tư từ Mỹ. Tuy nhiên, lệnh cấm của Washington đang bị tạm hoãn.
Công ty công nghệ Trung Quốc khó thuyết phục các chính phủ nước ngoài rằng họ không dính dáng đến chính quyền Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images. |
Mất lòng tin
Hàng loạt động thái trên cho thấy rằng các chính phủ nước ngoài ngày càng không tin tưởng vào mối quan hệ giữa Trung Quốc và những công ty công nghệ nước này. Các doanh nghiệp Trung Quốc liên tục phủ nhận việc chia sẻ dữ liệu người dùng với chính quyền Bắc Kinh.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định nền kinh tế và luật pháp của Trung Quốc nói lên điều ngược lại. "Không may, thách thức đối với các doanh nghiệp Trung Quốc không phải là hành vi thực tế của họ, mà là cách chứng minh rằng họ chưa và sẽ không", phó giáo sư Liz Liu tại Đại học Georgetown nhận định.
Dữ liệu được coi là một dạng "dầu mỏ mới", có giá trị cực lớn. Nhưng không giống dầu mỏ, có thể dễ dàng chuyển dữ liệu qua biên giới. Điều đó khiến dữ liệu nằm ngoài tầm kiểm soát của người dùng và chính phủ. Những lo ngại về dữ liệu không chỉ nhắm vào các doanh nghiệp Trung Quốc, mà còn ở Mỹ và Nga.
Tuy nhiên, luật pháp của Trung Quốc buộc mọi công ty trong nước phải hợp tác với các cơ quan chức năng của chính phủ.
Một cửa hàng Ấn Độ bán điện thoại Xiaomi phủ bạt đen lên biển hiệu khi làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc bùng lên tại nước này. Ảnh: AFP. |
Luật Tình báo Quốc gia Trung Quốc yêu cầu "các cơ quan, tổ chức và công dân có liên quan cung cấp hỗ trợ, trợ giúp và hợp tác cần thiết". Luật An ninh mạng buộc doanh nghiệp lưu trữ dữ liệu người dùng tại Trung Quốc và chịu sự kiểm tra của chính phủ về vấn đề bảo mật.
"Tôi thấy tiếc cho các công ty công nghệ Trung Quốc. Nhiều trong số họ chỉ là nạn nhân. Họ phải tuân thủ các luật mà về cơ bản họ không thể làm theo", South China Morning Post dẫn lời một luật sư nhận định.
Theo bà Kendra Schaefer, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Chính sách Công nghệ của hãng tư vấn Trivium (có trụ sở tại Bắc Kinh), sự mơ hồ của luật dữ liệu tại Trung Quốc phần nào cho thấy rằng các công ty công nghệ nước này đang bị giám sát ở một mức độ nhất định.
Nỗi lo ngại thực sự không nằm trong luật pháp của Trung Quốc. Vấn đề là họ đã mất lòng tin vào Bắc Kinh
Bà Kendra Schaefer
Tuy nhiên, Trung Quốc hy vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số thông qua tăng cường bảo mật dữ liệu. Dự thảo Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân và Luật Bảo mật Dữ liệu có thể được thông qua trong 5 đến 10 năm tới.
"Trung Quốc rất quan tâm đến việc cho phép dữ liệu chảy qua biên giới, giúp những gã khổng lồ công nghệ lớn như ByteDance, Alibaba và Tencent có thể hoạt động bên ngoài đất nước", bà Schaefer giải thích.
Các nhà hoạch định chính sách hiểu rằng việc thiếu chính sách rõ ràng đang gây ra nhiều vấn đề lớn. Tuy nhiên, theo bà Schaefer, ngay cả khi Trung Quốc sở hữu hệ thống bảo mật dữ liệu vững chắc, nhiều người vẫn lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ có được dữ liệu của người dùng bất cứ khi nào họ muốn.
"Nỗi lo ngại thực sự không nằm trong luật pháp của Trung Quốc. Vấn đề là họ đã mất lòng tin vào Bắc Kinh", bà nhấn mạnh.
Hiếm khi đối đầu
Các gã khổng lồ công nghệ phương Tây đã nhiều lần thể hiện sự quyết liệt trong việc không giao dữ liệu của người dùng cho chính phủ. Khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ yêu cầu Apple trích xuất dữ liệu từ hai chiếc iPhone của một nghi phạm nổ súng hàng loạt hồi năm 2016, công ty đã từ chối.
Trái lại, rất ít trường hợp tương tự diễn ra tại Trung Quốc. "Ngay cả khi các công ty từ chối giao dữ liệu cho chính phủ thì cũng khó đoán biết. Những công ty này hiếm khi đối đầu Bắc Kinh", phó giáo sư Liu bình luận. Theo vị chuyên gia, trên thực tế, các công ty và cơ quan quản lý thường có những cuộc thảo luận riêng, bí mật.
Tỷ phú Jack Ma - nhà sáng lập Alibaba - phải đối mặt với hàng loạt rắc rối sau khi công khai chỉ trích hệ thống quản lý của Bắc Kinh. Hồi cuối năm ngoái, ngay sau bài phát biểu nhắm vào các ngân hàng Trung Quốc của ông Ma, kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của Ant Group đột ngột bị hoãn theo yêu cầu của giới chức trách.
Alibaba Group Holding cũng từ chối giao dữ liệu tín dụng cho Baihang, một công ty chấm điểm tín dụng tư nhân được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thành lập.
Tỷ phú doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc gặp nhiều rắc rối sau khi công khai chỉ trích hệ thống tài chính nước này. Ảnh: Reuters. |
Mới đây, Cục Quản lý thị trường Trung Quốc thông báo phạt Alibaba 18 tỷ NDT, tương đương 2,75 tỷ USD, vì vi phạm các quy định về chống độc quyền. Theo Reuters, đây là mức phạt kỷ lục đối với một công ty Trung Quốc.
Trong một nghiên cứu mới đây, nhóm nghiên cứu Citizen Lab thuộc Đại học Toronto đã đưa ra kết luận rằng TikTok không gây ra mối đe dọa an ninh đối với Mỹ. Tuy nhiên, chính phủ các nước vẫn bày tỏ lo ngại về quyền riêng tư đối với ứng dụng này.
Mới đây, bà Helen Dixon, Ủy viên Bảo vệ Dữ liệu Ireland, bày tỏ lo ngại rằng các kỹ sư Trung Quốc có thể xem dữ liệu của người dùng TikTok ở châu Âu.
Năm nay, theo chỉ số Xếp hạng Quyền Kỹ thuật số, bộ ba Internet của Trung Quốc - Baidu, Alibaba và Tencent - bị xếp cuối trong việc đảm bảo quyền riêng tư của người dùng và quyền tự do ngôn luận trên nền tảng.