Các nhân viên cứu hỏa tại thành phố Kochi, miền Nam Ấn Độ ngày 7/3 đang phải chật vật để kiểm soát luồng khí độc sau khi một bãi tập trung rác thải bốc cháy 5 ngày trước đó. Theo CNN, đám cháy đã sản sinh ra nhiều loại khí độc, bao phủ khu vực xung quanh bãi rác, khiến nhiều người dân bị ngạt thở.
Bãi tập kết tại nhà máy xử lý rác thải Brahmapuram ở bang Kerala là "núi rác" mới nhất của Ấn Độ bị cháy, sản sinh ra lượng lớn khí methane và nhiệt độc hại, đồng thời làm tăng thách thức về chống biến đổi khí hậu tại Ấn Độ.
Chính quyền đã yêu cầu 600.000 người đang sinh sống tại thành phố Kochi ở trong nhà, tránh ra ngoài và đeo khẩu trang N95 nếu buộc phải ra đường. Giới chức địa phương cho biết các trường học trong thành phố cũng buộc phải đóng cửa do sự phát tán các loại khí độc từ vụ cháy.
Nguyên nhân của vụ hỏa hoạn vẫn đang được làm rõ. Tuy nhiên, sự tích tụ các loại khí dễ bắt lửa sản sinh ra từ rác thải đang phân hủy có thể là một nguyên nhân gây ra vụ cháy.
Dù ngọn lửa đã được dập tắt, một đám khói dày đặc và khí methane vẫn tiếp tục bao phủ khu vực này, làm giảm chất lượng không khí và tầm nhìn trong thành phố, cũng như tạo ra mùi khó chịu cho người dân.
Vụ cháy tại bãi rác Brahmapuram đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của 600.000 cư dân tại thành phố Kochi ở Ấn Độ. Ảnh: New Indian Express. |
Sở cứu hỏa thành phố Kochi cho biết một số nhân viên của cơ quan này đã bị ngất xỉu sau khi tiếp xúc nhiều với khí độc từ vụ cháy.
Hiểm họa từ các "núi rác" khổng lồ
Bãi rác tại nhà máy Brahmapuram chỉ là một trong số 3.000 điểm chôn lấp đang trong tình trạng quá tải ở Ấn Độ. Những cơ sở này đều tràn ngập rác thải đang phân hủy, sản sinh ra các loại khí độc.
Theo GHGSat, công ty giám sát lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu thông qua hệ thống vệ tinh, các bãi rác tại Ấn Độ sản sinh ra lượng khí methane nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Methane là loại khí nhà kính phổ biến thứ 2 sau CO2. Tuy nhiên, methane đóng góp nhiều hơn vào cuộc khủng hoảng khí hậu do có khả năng giữ nhiệt tốt.
Theo kết quả nghiên cứu của chương trình Hợp tác Đô thị Quốc tế, một sáng kiến của Liên minh châu Âu, bãi rác Brahmapuram được mở vào năm 2008 và có diện tích khoảng 6,47 hecta.
Theo đó, bãi tập kết này tiếp nhận khoảng 100 tấn rác thải nhựa mỗi ngày, với chỉ 1% số lượng rác thải này có khả năng tái chế. Khối lượng rác thải còn lại được chất thành đống trong cơ sở này, tạo ra một "mối đe dọa cho công ty quản lý bãi rác".
"Kích thước bãi rác thải nhựa tại Brahmapuram đang tăng lên theo từng ngày. Nơi này đã xảy ra một số vụ cháy trong những năm qua, khiến không khí và môi trường bị ô nhiễm", chương trình Hợp tác Đô thị Quốc tế cho biết.
Bất chấp kích thước của mình, Brahmapuram không phải bãi rác lớn nhất tại Ấn Độ. "Danh hiệu" này thuộc về bãi tập kết rác thải Deonar ở thành phố Mumbai, ven biển miền Tây của Ấn Độ. Bãi rác này có độ cao tương đương với một tòa nhà 18 tầng.
Trong quá khứ, các vụ cháy tại Deonar đã khiến cuộc sống của một triệu người tại các vùng ngoại ô như Chembur, Govandi và Mankhurd bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo chính phủ Ấn Độ, phần lớn các thành phố tại quốc gia Nam Á này không có cơ sở xử lý rác thải chính thức. Mỗi ngày, một số cư dân tại khu ổ chuột lân cận đều đến các bãi tập kết rác thải để thu nhặt những phế liệu nhằm kiếm được nguồn thu nhập ít ỏi. Tuy nhiên, những người này không được hướng dẫn việc phân loại rác đúng cách.
Bãi tập kết rác Deonar ở thành phố Mumbai có độ cao tương đương với một tòa nhà 18 tầng. Ảnh: BBC. |
Trong một số trường hợp, các loại rác thải được chất thành đống và đốt trong không gian mở.
Vào năm 2022, lính cứu hỏa đã phải rất vất vả để dập tắt đám cháy tại cơ sở tập kết rác Ghazipur, bãi rác lớn nhất ở thủ đô Delhi của Ấn Độ.
Với độ cao khoảng 65 m, "núi rác" tại Ghazipur có chiều cao tương đương với đền Taj Mahal của Ấn Độ. Quy mô của bãi rác này đã thu hút sự chú ý trong nước và quốc tế, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sống trong khu vực.
Khí methane không phải là mối nguy hiểm duy nhất bắt nguồn từ các bãi rác. Qua nhiều thập kỷ, những chất độc nguy hiểm từ rác đang phân hủy đã ngấm vào lòng đất, làm ô nhiễm nguồn nước cung cấp cho hàng nghìn người sống gần đó.
Tại khu vực xung quanh Bhalswa, một trong những điểm chôn lấp rác thải lớn nhất ở thủ đô Delhi, người dân gặp phải những vấn đề về y tế như các vết rách sâu gây đau đớn trên da và những vấn đề về hô hấp sau nhiều năm sống gần rác thải độc hại.
Các biện pháp khắc phục
Trong một báo cáo năm 2019, chính phủ Ấn Độ đã đề xuất một số giải pháp nhằm cải thiện khả năng xử lý rác thải rắn ở quốc gia này, bao gồm việc chính thức hóa ngành tái chế trong nước và xây dựng thêm các nhà máy phân hữu cơ.
Là một phần trong sáng kiến "Clean India", Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết nước này đang nỗ lực để dọn dẹp những núi rác lớn và chuyển đổi những khu vực này thành không gian xanh.
Kế hoạch của Thủ tướng Modi, nếu được hoàn thành, có thể giảm bớt phần nào nỗi khổ của những cư dân sống dưới bóng của những bãi rác khổng lồ này, đồng thời giúp thế giới giảm một lượng lớn khí thải nhà kính.
Lính cứu hỏa nỗ lực dập lửa trong vụ cháy bãi rác Bhalswa ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn từ chối tham gia vào các hiệp ước quốc tế như Cam kết Toàn cầu về Methane. Thỏa thuận này có mục tiêu giảm 30% lượng phát thải khí methane toàn cầu trước năm 2030.
Mặc dù một số cải tiến đã chính phủ áp dụng như thu gom rác tại nhà và xử lý rác thải tốt hơn, các bãi rác tại Ấn Độ vẫn tiếp tục phát triển về quy mô.
Trong bối cảnh quốc gia Nam Á dự kiến sớm vượt qua Trung Quốc để trở thành nước đông dân nhất thế giới, các chuyên gia khí hậu lo ngại rằng thời gian để hành động trước vấn đề này sắp hết.
Bộ sách cung cấp cái nhìn toàn diện về Ấn Độ
Mục Thế giới giới thiệu bộ sách thuộc nhiều lĩnh vực giúp độc giả hiểu hơn về đất nước, văn hóa, xã hội, kinh tế, con người Ấn Độ. Bộ sách gồm 8 cuốn, gồm cả sách dịch và sách được biên soạn như Ấn Độ: Đất nước - Xã hội - Văn hóa, Người Ấn Độ - Sự thật về lý do tại sao thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ Ấn Độ, Người Ấn Độ thích tranh luận… Bộ sách được ra mắt nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt - Ấn vào năm 2018.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.