Phân tích
Một bức ảnh chế trên mạng xã hội ghi lại thực tế Thái Lan đã nhường hết các đấu trường từ AFF Cup đến SEA Games cho những đội cùng khu vực chỉ để chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022. Kết quả là "Voi chiến" thất bại, thậm chí thua thảm.
Không còn cơ hội cho thầy trò Nishino
Trận hòa trước Indonesia cùng thất bại trước UAE khiến Thái Lan có 9 điểm sau 7 lượt trận. "Voi chiến" chỉ còn đúng một trận, trước Malaysia vào ngày 15/6. Thái Lan kém Việt Nam 5 điểm, kém UAE 3 điểm dù thi đấu nhiều hơn 1 trận.
Thái Lan thua đau tại Vòng loại World Cup 2022. Ảnh: Quang Thịnh. |
Trên lý thuyết, Thái Lan vẫn có thể nghĩ tới việc giành ngôi nhì bảng nếu UAE thua cả hai trận còn lại trước Indonesia và Việt Nam, và họ thắng đậm Malaysia để vượt qua hiệu số +10 của UAE (của Thái Lan đang là +1).
Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp có được ngôi nhì bảng, Thái Lan cũng không thể đi tiếp. Việc không tính kết quả với đội bét bảng do CHDCND Triều Tiên bỏ giải khiến Thái Lan chỉ có tối đa 8 điểm ở BXH các đội đứng nhì có thành tích tốt nhất. kém 1 điểm so với Uzbekistan, UAE, Iran, Oman, kém 2 điểm so với Lebanon ngay trên BXH hiện tại.
Thực tế việc Thái Lan giật được ngôi nhì bảng từ tay UAE để kết thúc vòng loại World Cup 2022 trong tư thế ngẩng cao đầu xem chừng cũng là điều kỳ diệu. Bởi thật khó để tưởng tượng cảnh đội chủ nhà UAE thua đậm trước Indonesia và Việt Nam, đồng thời Thái Lan thắng đè bẹp trước Malaysia để san lấp khoảng cách hiệu số lên tới +9.
Indonesia sau trận thua 0-4 trước Việt Nam có thể xem như đã suy kiệt hoàn toàn thể lực. Viễn cảnh UAE lại đè bẹp đối thủ từ Đông Nam Á xem chừng là khả thi hơn cả. Vì vậy, mọi cánh cửa đi tiếp của Thái Lan đều đóng sập.
Viễn cảnh bớt xấu hổ nhất cho "Voi chiến" có lẽ là việc cả Việt Nam và Malaysia cũng đều không thể vượt qua vòng loại. Song việc nhìn đối thủ ngã ngựa và vay mượn cảm giác hả hê để che lấp thất bại của chính mình xem chừng không phải tinh thần của một đội tuyển đặt mục tiêu dự World Cup 2026.
Thái Lan đã thua, thậm chí thảm bại tại vòng loại World Cup 2022. Đó đều là những sự thật không thể chối cãi.
Thái Lan thất bại từ khi nào?
Có nhiều cột mốc để đánh dấu hành trình thất bại của Thái Lan, không chỉ là trận hòa trước Indonesia hay thất bại trước UAE. Đội quân của Nishino bắt đầu hành trình tại vòng loại World Cup không đến nỗi tồi. Họ hòa Việt Nam ở trận ra quân, thắng Indonesia và ông lớn UAE ở trận tiếp theo.
Song thất bại trước Malaysia khiến mọi thứ chệch khỏi đường ray. Sau kết quả này, Thái Lan tiếp tục hòa Việt Nam và đợi hơn một năm rưỡi để trở lại và lại mất điểm trước Indonesia và UAE.
Theerathon Bunmathan là trường hợp gây thất vọng lớn nhất của Thái Lan. Ảnh: Getty. |
Thật dễ để nhận định việc hòa quá nhiều đã khiến giấc mơ World Cup của người Thái sụp đổ. Song thất bại trước Malaysia mới là điểm khởi phát cho mọi bi kịch sau này của "Voi chiến". Nếu giới mộ điệu còn nhớ, Thái Lan đã đối đầu với Malaysia mà không có hậu vệ Theerathon Bunmanthan.
Ngôi sao từng vô địch Nhật Bản đã chủ động câu thẻ trong những phút cuối trước UAE để giữ sức gặp Việt Nam ở trận lượt về. Kết quả là Malaysia tung những cú đấm chí mạng vào chính cánh trái của Thái Lan, nơi Theerathon lẽ ra phải trấn giữ, trực tiếp khiến "Voi chiến" gục ngã dù có bàn dẫn trước.
Phong độ kém và những vấn đề liên quan tới các nhân tố kỳ cựu đẳng cấp cao như Theerathon chính là vấn đề của Thái Lan. Chanathip, ngôi sao tấn công số một của người Thái, thi đấu mờ nhạt ở vòng loại. Tiền vệ sinh năm 1993 chỉ có 1 bàn và thi đấu khá mờ nhạt ở các trận đấu anh góp mặt. Đến loạt trận sinh tử này, Chanathip lại chấn thương.
Theerathon, thủ lĩnh tinh thần của người Thái ở hàng phòng ngự, mới là người gây thất vọng hơn cả. Sau khi câu thẻ ngớ ngẩn báo hại đội nhà, Theerathon sút hỏng quả phạt đền trước Việt Nam. Đến loạt trận sinh tử với Indonesia, UAE và Malaysia, hậu vệ này xin rút lui vì lo sự nghiệp tại CLB ở Nhật Bản bị ảnh hưởng.
Khi Thái Lan cần Theerathon để cứu vớt giấc mơ World Cup, hậu vệ kỳ cựu này lắc đầu. Những thất vọng về Chanathip, Theerathon đi cùng với chấn thương của Dangda khiến Thái Lan, như ví von của báo chí thế giới, là "hổ không răng" ở vòng loại World Cup.
Những nhân tố trẻ như Thanawat, Suphanat, Ekanit hay Supachai được tô vẽ như tương lai của Thái Lan. Điều này không sai, song tương lai đồng nghĩa với việc nhóm cầu thủ này chưa sẵn sàng với hiện tại. Thực tế đó được chứng minh qua 2 kết quả đáng thất vọng trước Indonesia và UAE.
Thái Lan không kết liễu nổi Indonesia vì thiếu đi sự điềm tĩnh và thua trước UAE khi không giữ nổi bản lĩnh để lội ngược dòng. Bóng đá không phải trò chơi mà cứ lắp cầu thủ giỏi, có tiềm năng vào là bộ máy sẽ vận hành trơn tru. Tất cả đều cần quá trình thích nghi, tạo dựng thói quen, xây dựng gắn kết và cuối cùng là thi đấu.
Chúng ta nhìn lại toàn bộ lộ trình của người Thái suốt 3 năm qua. Họ cử đội hình B dự AFF Cup 2018 (không Chanathip, Theerathon, Dangda) và bị loại ở bán kết. Một đội hình B khác dự SEA Games 2019 thì bị loại ngay từ vòng bảng.
Thái Lan quay lưng với đấu trường khu vực để dồn toàn lực cho vòng loại World Cup 2022, để rồi những gì họ nhận lại là thất bại. Nhiều năm trước, tất cả tin Thái Lan rồi sẽ bước ra khỏi Đông Nam Á để vươn tới châu Á, song dường như những toan tính sai lầm khiến họ đang không chỉ đứng yên, mà còn tụt lại.
Thái Lan chỉ còn 1 trận trong tay. Đồ họa: Minh Phúc. |