Chuyến bay đầu tiên của Starship kéo dài chưa đầy 4 phút. Tên lửa của SpaceX rời bệ phóng ở Boca Chica, Texas (Mỹ) sau khi 30 trong số 33 động cơ khởi động lúc 21h33 ngày 20/4 theo giờ Việt Nam.
Một phút sau, tên lửa đạt đến “max Q”, thời điểm ứng suất hay nội lực phát sinh trong vật thể biến dạng do lực đẩy của động cơ và sức cản của bầu khí quyển. 2 phút sau, Starship đạt độ cao 20km và di chuyển với tốc độ 1.600 km/h, mặc dù thêm 2 động cơ ngừng hoạt động.
Sự cố bắt đầu ở phút thứ ba, nửa trên là tàu Starship không tách khỏi nửa dưới là động cơ đẩy Super Heavy như dự kiến, và chỉ vài giây sau, tên lửa mất kiểm soát và bị SpaceX cho nổ tung trên vịnh Mexico.
Dù vậy, thử nghiệm vẫn có những mặt tích cực. Tên lửa đã bay lên không trung và đi qua max Q, 2 thành tích chưa đạt được trước đây. Và mục đích của chuyến bay thử nghiệm này là tìm ra các vấn đề không thể thử nghiệm trên mặt đất để tinh chỉnh cho các lần bay tiếp theo. So với các đối thủ cạnh tranh, Starship vẫn có tiềm năng là bước tiến trong du hành vũ trụ.
Sức mạnh lớn, chi phí thấp
Super Heavy là động cơ đẩy mạnh nhất từng được chế tạo. Nếu toàn bộ 33 động cơ hoạt động, lực đẩy của nó khi cất cánh sẽ lớn gấp đôi so với tên lửa Saturn V từng đưa con người lên Mặt Trăng. Trong khi đó Starship là tàu vũ trụ lớn nhất được đưa vào quỹ đạo chỉ bằng một lần phóng kể từ thời tàu con thoi.
Starship là tên lửa mạnh nhất và lớn nhất từng được chế tạo, cũng có thể sẽ là tên lửa rẻ nhất trong tương lai. Ảnh: SpaceX. |
Nếu SpaceX giải quyết được tất cả những vấn đề xảy ra ngày 20/4, thì Starship có thể mang trọng tải lớn hơn so với bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào, với chi phí vận chuyển trên mỗi tấn ở mức thấp chưa từng thấy.
Chi phí thấp do cả 2 phần của tên lửa là tàu Starship và động cơ đẩy Super Heavy đều có thể tái sử dụng hoàn toàn, và có thể cất cánh, hạ cánh và cất cánh trở lại trong thời gian ngắn. Nhưng vẫn còn nhiều yếu tố kỹ thuật cần được hoàn thiện trước khi viễn cảnh này trở thành hiện thực.
So với động cơ đẩy sử dụng trên Falcon 9, tên lửa đang thống trị ngành kinh doanh phóng vệ tinh, Super Heavy không có các "chân" để tự hạ cánh, vì các chân đủ chắc chắc để hỗ trợ động cơ đẩy cỡ lớn này sẽ làm trọng lượng tăng cao. Thay vào đó, Super Heavy sẽ đáp xuống chính bệ phóng ban đầu, và sẽ có các cần trục cơ khí trên bệ phóng "bắt" nó lại.
Bộ cần trục này được người hâm mộ SpaceX gọi là “Mechazilla”, còn được dùng để nâng Starship lên và xếp nó lên trên Super Heavy vài ngày trước khi phóng. Tuy nhiên, để tránh làm hỏng bệ phóng đắt tiền, SpaceX sẽ chưa cho động cơ đẩy khổng lồ trở về bệ phóng cho đến khi chắc chắn rằng Super Heavy có thể hạ cánh chính xác xuống một vị trí mong muốn. Công ty thừa nhận nếu hạ cánh thất bại sẽ làm sập cần trục.
Khoảnh khắc tên lửa phát nổ sau khi phóng ngày 20/4. Ảnh: Reuters. |
Cả tên lửa đẩy Falcon 9 và Super Heavy đều không cần các tấm chắn nhiệt, nhưng tàu Starship cần vì sẽ rơi xuống từ độ cao lớn hơn, theo đúng kế hoạch. Do kích thước của tàu, hệ thống chắn nhiệt sẽ phải mạnh hơn đáng kể so với hệ thống được sử dụng trên tàu vũ trụ Dragon, có kích thước nhỏ hơn nhiều, hiện được dùng để đưa phi hành đoàn đến Trạm vũ trụ quốc tế và trở về. Khác với hạ cánh chính xác, bảo vệ cho tàu vũ trụ lớn trong quá trình trở lại Trái Đất là yếu tố kỹ thuật mà SpaceX chưa từng thể hiện trước đây.
Nếu hoàn thiện toàn bộ các yếu tố kỹ thuật này, Starship sẽ trở thành hệ thống phóng mà con người chưa từng có trước đây. SpaceX nói rằng một Starship sẽ có khả năng nâng 100-150 tấn hàng hóa lên quỹ đạo, thậm chí nhiều hơn nữa nếu không tái sử dụng. Con số này vượt xa khả năng của hệ thống phóng thương mại mạnh nhất hiện nay, Falcon Heavy với khả năng nâng 64 tấn. Tàu con thoi trước đây chỉ có thể nâng 24 tấn.
Nổi bật so với đối thủ cạnh tranh
Tải trọng này cũng lớn hơn các hệ thống phóng lớn mà các công ty khác đang nghiên cứu, bao gồm Ariane 6 do Airbus và Safran phát triển, Vulcan Centaur do Lockheed Martin và Boeing phát triển, và New Glenn do Blue Origin phát triển.
Hình ảnh minh họa Starship trong nhiệm vụ Artemis của NASA đưa con người lên Mặt Trăng, dự kiến diễn ra năm 2025. Ảnh: SpaceX. |
Không chỉ lớn hơn, về lý thuyết Starship sẽ còn rẻ hơn các đối thủ nhờ khả năng tái sử dụng hoàn toàn. Ariane 6 và Vulcan Centaur hiện chỉ dùng một lần, còn Glenn chỉ tái sử dụng bộ phận dùng trong giai đoạn phóng đầu tiên, tương tự Falcon 9. Elon Musk cho biết mục tiêu là đưa giá mỗi lần phóng Starship xuống 2 triệu USD.
Ngoài mục tiêu đưa các trọng tải lên quỹ đạo Trái Đất, tên lửa này còn được NASA chọn làm phương tiện đưa con người trở lại bề mặt Mặt Trăng. Thậm chí, Musk còn đặt kỳ vọng đây là phương tiện đưa con người lên Hỏa tinh.
Để hiện thực hóa những mục tiêu này, SpaceX vẫn cần phát triển các trạm tiếp nhiên liệu ngoài không gian và cách chuyển khối lượng lớn nhiên liệu methane lỏng và oxy lỏng siêu lạnh giữa các tàu.
Có thể thấy SpaceX vẫn còn nhiều yếu tố cần phát triển trước khi hiện thực hóa tầm nhìn khám phá liên hành tinh của Musk. Super Heavy cần phóng ổn định và trở lại bệ phóng với độ chính xác gần như tuyệt đối, Starship phải trở lại Trái Đất nguyên vẹn. Sau đó, toàn bộ hệ thống cần hoạt động ở một nhịp độ chưa từng xuất hiện trước đây trong ngành công nghiệp vũ trụ. Musk từng ước tính riêng trạm nhiên liệu ngoài không gian sẽ cần 14 lần phóng tàu để đổ đầy.
SpaceX không đưa ra các mốc thời gian phát triển, và cũng thường xuyên bỏ lỡ các mốc được công bố chính thức, do đó khó ước tính khi nào hệ thống Starship như tầm nhìn của Musk được hoàn thiện. Nhưng tên lửa khổng lồ này cùng các hứa hẹn công nghệ của nó vẫn đang giữ một vị trí đặc biệt so với các đối thủ trong ngành công nghiệp.
Elon Musk: Tesla, SpaceX và sứ mệnh tìm kiếm một tương lai ngoài sức tưởng tượng
Tủ sách Công nghệ giới thiệu cuốn tiểu sử, kể câu chuyện cuộc đời của Elon Musk từ thời thơ ấu cho đến khi ông thực hiện Zip2, PayPal, rồi đến SpaceX, Tesla và SolarCity.