Tên lửa SuperHeavy rời khỏi bệ phóng StarBase. Ảnh: SpaceX. |
Chỉ khoảng 3 phút sau khi rời khỏi bệ phóng, tên lửa SuperHeavy của cuộc thử nghiệm bay Spaceship đã phát nổ trên bầu trời. Đây là lần thử nghiệm đầu tiên của hệ thống phương tiện vận chuyển người và hàng hóa, vốn được chuẩn bị cho kế hoạch đổ bộ Mặt Trăng, Hỏa tinh.
Một phần nguyên nhân của sự cố trên không được tiết lộ trong báo cáo của SpaceX và nhận định từ giới chuyên gia. “Tên lửa gặp sự cố ở nhiều động cơ trong quá trình bay thử. Điều này khiến nó mất độ cao và không giữ được thăng bằng”, phía công ty của Elon Musk xác nhận vấn đề.
Futurism cho biết hệ thống SuperHeavy và tàu Starship đã được kích hoạt chế độ tự hủy khi chuyến bay không được thực hiện đúng như kế hoạch. Việc này nhằm hạn chế rủi ro, không để sự cố đi xa.
Nhiều động cơ Raptor ở bên phải gặp sự cố, gây mất cân bằng hệ thống. Ảnh: SpaceX. |
Hệ thống kết thúc chuyến bay (FTS) của SpaceX được tạo ra để phá hủy tên lửa thành nhiều mảnh trong khi đang thực hiện nhiệm vụ. Chế độ được kích hoạt ở trường hợp có sai lệch về đường bay, hạn chế tác động trong tầm ảnh hưởng của tên lửa.
Thực tế, khi SuperHeavy và Starship được phóng đi, nhiều điểm bất thường đã được phát hiện ra. Phần bệ phóng do SpaceX chuẩn bị hư hỏng nghiêm trọng sau khi tên lửa và tàu cất cánh. Tài khoản @WatchStarbase xác nhận nhiều mảnh vỡ từ vụ nổ văng tới cả bãi đỗ xe phía Tây của khu vực.
Ngoài ra, ít nhất 3 động cơ của hệ thống tăng áp đã không hoạt động. Những chi tiết này có thể dễ dàng nhận ra khi theo dõi buổi phát sóng của SpaceX. Các phần bị hỏng lại nằm về hết một phía. Điều này gây mất cân bằng cho tên lửa đẩy SuperHeavy. Theo các chuyên gia trong mảng hàng không, vũ trụ, việc hệ thống không giữ được trục đứng gây khó khăn trong quá trình tách bộ phận như kế hoạch. Do đó, chế độ tự hủy được kích hoạt.
Musk nói rằng các phương tiện có thể tái sử dụng hoàn toàn như Super Heavy và Starship sẽ thực hiện được nhiều chuyến bay, giảm đáng kể chi phí lên quỹ đạo. Đây là con đường vào không gian chưa từng tồn tại trước đây.
Chính phủ Mỹ cũng đánh cược vào thành công của dự án này. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã cam kết ít nhất 2,9 tỷ USD để giúp phát triển Starship thành một phương tiện có thể đưa các phi hành gia NASA lên bề mặt Mặt Trăng trong chương trình Artemis. Tên lửa này cũng được SpaceX coi là nhân tố chính trong tầm nhìn khám phá Hệ Mặt Trời và thương mại hóa không gian.
Khó ước tính SpaceX đã chi bao nhiêu cho Starship và sẽ chi thêm bao nhiêu để hiện thực hóa các mục tiêu này. Musk cho biết vào năm 2018 rằng tổng chi phí phát triển dự kiến sẽ không vượt quá 10 tỷ USD. Con số dự kiến này chưa được cập nhật và công ty không công khai bất kỳ thông tin tài chính nào.
Trước vụ phóng ngày 20/4, khi được hỏi SpaceX đã chi bao nhiêu để phát triển Starship, Musk không trả lời trực tiếp. “Việc phương tiện cụ thể này có giá bao nhiêu không thực sự quan trọng”, sếp SpaceX nói.
Elon Musk: Tesla, SpaceX và sứ mệnh tìm kiếm một tương lai ngoài sức tưởng tượng
Tủ sách Công nghệ giới thiệu cuốn tiểu sử, kể câu chuyện cuộc đời của Elon Musk từ thời thơ ấu cho đến khi ông thực hiện Zip2, PayPal, rồi đến SpaceX, Tesla và SolarCity.