Giá bán lẻ điện bình quân hiện tại chưa phản ánh sự biến động của các thông số đầu vào tới chi phí sản xuất kinh doanh điện. Ảnh: EVN. |
Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, khung giá (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) tối thiểu mới là 1.826,22 đồng/kWh và tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.
So với khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017, khung giá tối thiểu đã tăng 220 đồng/kWh (mức giá cũ là 1.606,19 đồng/kWh), tương đương 13,7%; trong khi khung giá bán lẻ điện bình quân tối đa tăng 538 đồng/kWh (mức giá cũ là 1.906,42 đồng/kWh), tương đương tăng 28,2%.
Chia sẻ về quyết định tăng khung giá bán lẻ điện bình quân, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Trần Việt Hòa cho biết sau khi quyết định về khung giá của mức giá bán lẻ điện hết hiệu lực, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan đề xuất trình Thủ tướng ban hành quyết định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn tiếp theo.
"Khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân hiện tại không còn phù hợp với bối cảnh và chưa phản ánh sự biến động của các thông số đầu vào tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, đặc biệt là biến động của giá nhiên liệu", ông Hòa đánh giá.
Cụ thể, giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy điện đã bắt đầu tăng từ cuối năm 2021. Theo chỉ số giá than nhập NewCastle Index bình quân năm 2021 đạt 138 USD/tấn, song trên thực tế 10 tháng đầu năm năm 2022, giá than đã tăng lên khoảng 359 USD/tấn và giữ ở mức cao cho đến thời điểm này. Bất chấp giá than nhập khẩu tăng cao nhưng vẫn có khó khăn trong việc cung ứng than nhập khẩu cho phát điện.
Trong khi đó, sản lượng điện từ nhiệt điện than chiếm tỷ trọng khoảng 40% sản lượng điện của Việt Nam nên chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng cao.
"Giá than nhập khẩu tăng không chỉ làm tăng mạnh chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập mà còn làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than pha trộn (trộn giữa than trong nước và than nhập - PV)", Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực dẫn chứng.
Tính hết quý III/2022, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc đã nhiều lần điều chỉnh tăng giá than trộn với tổng mức tăng từ 802.000 đồng/tấn đến 986.000 đồng/tấn tùy loại than, tương ứng với mức tăng chung so với đầu năm khoảng 52%.
Ngoài ra, theo ông Hòa, các khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện trong hợp đồng mua bán điện của các năm 2019-2020 cũng như giai đoạn năm 2021-2024 ước khoảng hơn 21.000 tỷ đồng cần được phân bổ, tính toán vào chi phí sản xuất điện hàng năm để tính toán khung giá.
"Các bối cảnh nêu trên đã tạo nên biến động lớn về các thông số liên quan đến chi phí mua điện, chiếm trên 80% tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện hàng năm của EVN", ông Hòa đánh giá.
Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất tăng giá điện trong bối cảnh doanh nghiệp này ước lỗ hơn 30.000 tỷ đồng năm 2022 do giá nhiên liệu tăng cao. Trong khi đó, 4 năm qua, giá điện chưa được điều chỉnh và vẫn duy trì ở mức 1.864,44 đồng/kWh.
Năm 2023, nếu giá bán lẻ điện giữ nguyên theo giá điện hiện hành, số lỗ dự kiến của tập đoàn này lên đến 64.941 tỷ đồng. Trong đó 6 tháng đầu năm doanh nghiệp dự kiến lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm lỗ 20.842 tỷ. Như vậy, tổng lỗ sản xuất kinh doanh của EVN lũy kế 2 năm 2022-2023 vào khoảng 93.817 tỷ đồng.
Với số lỗ dự kiến trên, EVN nhận định nếu năm 2023 không được tăng giá điện ở mức phù hợp, tập đoàn sẽ bị mất cân đối dòng tiền hoạt động.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.