Ông Bá nói đường bay vàng tiết kiệm 26 phút bay là hoang tưởng
Trong thư, ông Mai Trọng Tuấn viết gần đây được tin Bộ trưởng Đinh La Thăng có chủ trương cho bay Hà Nội – Tp.Hồ Chí Minh và ngược lại, theo kinh tuyến 106o Đông. Đường bay mà công luận và xã hội tôn vinh cho nó cái tên đường bay "vàng”. Tôi vui mừng và giữ thái độ im lặng chờ đợi. Nhưng thấy nhiều thông tin nhầm lẫn và không chính xác. Nên nay tôi xin được nói tóm tắt với những chứng cứ xác thực, để Thủ tướng và Bộ trưởng xem xét.
Cựu phi công quân đội Mai Trọng Tuấn trong một buổi làm việc với Cục Hàng không VN. |
Trong bức thư này, ông Tuấn giải thích rõ hơn với người đứng đầu Chính phủ và ngành giao thông về nguồn gốc và sự thật của đường bay "vàng".
Từ khi được đề xuất trong cuốn dự án VUETA (9/1983), đường bay thẳng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh qua Lào, Campuchia được kéo thẳng kinh tuyến 106o Đông, rút ngắn được 110 km.
13 năm sau đó (2009), nội dung của dự án VUETA đã được thực hiện gần hết. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy còn một nội dung quan trọng chưa thực hiện, mà tần suất của đường bay Hà Nội – Tp.Hồ CHí Minh ngày càng tăng lên nhiều, đặc biệt quan hệ giữa 3 nước ngày cũng càng chặt chẽ hơn, xu thế hội nhập ngày càng phát triển cùng với bầu trời mở.
Tháng 04/2009, tôi quyết định viết lại với nội dung đề xuất này cụ thể hơn, rõ ràng, phân tích, chứng minh thêm một số luận cứ để bảo vệ, gửi trình lên Thủ tướng, nhằm tái đề xuất lại đường bay này. Gọi đó là xa lộ trên không, 3 nước cùng dùng chung, cùng có lợi, dựa theo kinh tuyến 106o Đông. Vì nó có giá trị về kinh tế, nên phần sau tôi có ghi thêm ý: có thể đây sẽ là một đường bay vàng.
Năm 2009, Cục Hàng không VN đề ra một loạt lý do không thể thực hiện được nhưng cũng phải thừa nhận: “Đường bay theo kinh tuyến 106o Đông, nối Hà Nội – Tp.HCM, rút ngắn được 142 km so với đường bay hiện tại”.
Trong thư, phi công Mai Trọng Tuấn khẳng định hai con số 110 km và 142 km là tương đối chính xác. Vì khi viết dự án VUETA, đường bay Hà Nội xuất phát từ sân bay Gia Lâm. Còn chuyện “ăn theo” sau này của ông Trần Đình Bá tính vống lên rút ngắn được 412 km và thời gian tiết kiệm tới 26 phút cho máy bay 777, là hoàn toàn hoang tưởng và ông ta còn thách đố tới 5 triệu đô la, nhằm đánh bóng tên mình, trong khi không có tiền.
"Tôi là người sợ anh Bá đầu tiên"
Cũng trong bức thư này, phi công Mai Trọng Tuấn cho biết năm 2009, ông Bá viết thư cho tôi và lên Sài Gòn gặp tôi lần đầu tiên. Đọc xong nội dung đề xuất về đường bay vàng, ông Bá bàn với tôi là ông ấy sẽ đứng ra thách đố với cục Hàng không, như vụ thách đấu ở Keangnam– Hà Nội.
Tôi khuyên ông ta không nên. Ông ấy nói sẽ thách đấu 10 triệu đôla. Tôi nói: chú có tiền đâu là thách đấu. Ông ta nói: tôi có những giấy tờ, chứng chỉ có giá trị. Sau đó ông ta rút xuống thách đấu 5 triệu đôla.
Khách quan mà xét: từ hiện tượng “giật gân” này cũng làm cho công luận và công chúng quan tâm tới “đường bay vàng”.
Khi được công luận quan tâm thì ông ta xuất hiện căn bệnh “vỹ cuồng đến mức nực cười”. Ông ta chưa hề có bằng tiến sỹ, nhưng ông ta cứ công bố là tiến sỹ. Ông ta làm một luận văn tiến sỹ gửi khắp các nơi, kể cả gửi cho Thủ tướng.
Ông ta đưa ra một phương pháp tính đường bay thẳng, lấy tên là phương pháp tính đường bay Trần Đình Bá rất kỳ quặc. Nếu ai có một chút hiểu biết về toán học bậc trung học cũng biết là ông tính sai (đó là nhận xét của giáo sư tiến sỹ Nguyễn Bách Phúc – Chủ tịch Hội Hascom Tp.Hồ Chí Minh).
Ông Bá nói: "Các anh không biết được, tôi tính theo toán học cao cấp". Người trong ngành Hàng không cũng phải lắc đầu.
Có lần tôi đã chân thành nói với ông Bá: "Chú chỉ mới có trình độ học Đại học, mà cứ tự phong là tiến sỹ, người ta biết, người ta sẽ cười đấy".
Anh ta nói: "Ta cứ phải nói vống lên như thế cho người ta sợ". Và từ đó, chính tôi là người sợ anh ta đầu tiên. Vì sợ mọi người sẽ hiểu tôi với anh Bá là một.