Những hình ảnh mới nhất được robot tàu Hằng Nga 4 gửi về cho thấy “vùng tối”, khu vực xa xôi hẻo lánh và bí ẩn của Mặt trăng, cũng có ánh sáng mặt trời và không quá tối tăm.
Sau khi đáp lên bề mặt Mặt trăng thành công, các robot thăm dò đã gửi về ảnh chụp một vùng đất đầy sỏi đá, hố thiên thạch và hoàn toàn không giống bất kì vùng đất nào trên Trái Đất.
"Vùng xa" - khu vực bí ẩn của Mặt trăng chưa từng được con người đặt chân đến và luôn nằm ở phía không quan sát được từ Trái Đất. Ảnh: The Atlantic. |
Khu vực quan trọng của vệ tinh tự nhiên
Tàu thăm dò của Trung Quốc đã hạ cánh thành công xuống bề mặt Mặt trăng lúc 10h 26 phút ngày 3/1 giờ Bắc Kinh. Hằng Nga 4 lãnh sứ mệnh trước nay chưa từng có: khám phá vùng Mặt trăng không quan sát được từ Trái Đất. Do đặc tính tự quay quanh trục bằng thời gian quay quanh Trái Đất của Mặt trăng, nên chỉ có một mặt hướng về phía chúng ta.
Đây là bước tiến kĩ thuật lớn bởi đòi hỏi các tín hiệu điều khiển từ mặt đất phải được vệ tinh chuyển tiếp tới tàu thăm dò, do phần lớn Mặt trăng đã chắn hết sóng radio khi các tàu này tiến vào vùng bị che khuất và không quan sát được từ Trái Đất.
Hàng nghìn năm qua, con người vẫn thường nhìn lên bầu trời đêm, tìm kiếm những khung cảnh trên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất: các miệng núi lửa, những vết nứt gãy... Tuy nhiên, những gì đằng sau bề mặt thấy được vẫn là bí ẩn với nhân loại. Sau khi chinh phục thành công Mặt trăng, vùng xa của ngôi sao này là điểm đến được chú ý tiếp theo.
Khi tàu Apollo bay lướt qua các bề mặt lạ lẫm này, nhà du hành Bill Anders mô tả đó như một vùng đất khắc nghiệt, rất khó cho các phi hành gia đáp xuống. “Phần sau của Mặt trăng nhìn như một ụ cát, thứ mà bọn trẻ của tôi hay chơi cùng”, ông nói.
50 năm sau, nhân loại đã đáp xuống được đụn cát đó. Thành công này còn là một thắng lợi của Trung Quốc trong lĩnh vực địa chính trị khi chưa có cường quốc nào phóng thành công tàu vũ trụ thứ hai kể từ khi Bill Anders thấy đụn cát “khó đáp” này 50 năm về trước.
Hình ảnh từ robot thăm dò Yutu-2 cho thấy vùng xa của Mặt trăng là một vùng sáng, tràn đầy ánh mặt trời chứ không tối đen như chúng ta vẫn nghĩ.. Ảnh: CXN. |
Sự trỗi dậy của con rồng Trung Hoa
Vào những năm 1950, người Mỹ và Liên Xô thay phiên nhau phóng tên lửa. Khi đó, Trung Quốc cũng cố gắng thêm mình vào cuộc đua. Sau khi Liên Xô phóng tàu Sputnik, Mao Trạch Đông chỉ đạo các nhà khoa học và kĩ sư trong nước chế tạo vệ tinh phóng vào năm 1959, nhằm tôn vinh chính sách “Đại nhảy vọt” của Trung Quốc. Chỉ thị cho các nhà khoa học rất đơn giản: “Làm, làm tới cùng, làm cho người đời mắt thấy tai nghe”.
Kế hoạch sau đó thất bại. Người Trung Quốc không có đủ công nghệ cần thiết, bên cạnh những bất ổn chính trị trong vài thập kỷ tiếp theo. Vệ tinh đầu tiên được phóng vào năm 1970 chỉ với một mục đích: phát “The East Is Red”, một bài hát tôn vinh Cách mạng Văn hóa Trung Quốc.
20 năm đầu thế kỷ 21, nỗ lực thám hiểm vũ trụ của Trung Quốc tiến bộ với tốc độ chóng mặt. Năm 2003, Trung Quốc trở thành một trong ba nước trên Trái Đất phóng thành công tàu vũ trụ chở người. Họ tiếp tục gửi đi tàu không người lái thăm dò quỹ đạo Mặt trăng vào năm 2007, một robot thăm dò vào năm 2013.
Trung Quốc đã gặt hái được nhiều thành tựu không gian trong những năm qua. Ảnh: Theconversation. |
Năm 2011, Trung Quốc phóng thành công trạm không gian Thiên Cung. Các phi hành gia đã lên trạm hai lần trước khi nó bị cho ngừng hoạt động và rơi tự do xuống Thái Bình Dương. Trạm không gian thứ hai phóng vào năm 2016. Năm 2018, Trung Quốc là nước phóng nhiều tên lửa vào quỹ đạo nhất thế giới.
Trung Quốc còn có nhiều kế hoạch táo bạo hơn trong tương lai. Quốc gia này đặt mục tiêu đưa một robot thăm dò lên sao Hỏa vào đầu năm 2021. Ngoài ra, còn có kế hoạch đưa phi hành gia lên Mặt trăng vào năm 2030.
“Bản năng tự nhiên của con người là khám phá những điều chưa biết. Đó là điều mà thế hệ chúng tôi và tương lai cần làm”, Wu Weiren, giám đốc thiết kế sứ mệnh Chang’e 4 cho biết, "Chúng tôi chọn việc đi đến vùng chưa từng ai đến trước đây ở Mặt trăng không phải để gặt hái vinh quang, mà vì đó là một bước đi khó khăn và tiến bộ đối với văn minh nhân loại".