Chúng ta đang sống ở một hành tinh nhỏ quay quanh một ngôi sao cỡ vừa là Mặt trời. So với vũ trụ, sự bé nhỏ của chúng ta có thể được so sánh như sau: nếu thiên hà có kích cỡ bằng 1 cái đĩa than, thì Mặt trời và tất cả hành tinh khác sẽ nhỏ bằng các nguyên tử.
Nhưng có thứ gì đó bên trong loài người hối thúc chúng ta phải mở rộng hiểu biết của mình. Vào bốn thập kỷ trước, các nhà khoa học đã tạo ra vật thể trường tồn, lưu trữ hình ảnh, âm thanh và hiểu biết của nhân loại rồi phóng vào vũ trụ.
Nhân loại đã gửi gắm bản sắc của mình bên trong chiếc đĩa này. Ảnh: Wikipedia. |
Voyager - người du hành
Con người di chuyển trên đôi chân trần suốt 40.000 năm khắp các lục địa. Sau đó thuyền buồm chinh phục các đại dương trong 500 năm. Phản lực cơ làm việc tương tự trong 50 năm trở lại đây. Bây giờ đến thời đại của tàu vũ trụ.
Hai tàu Voyager được phóng ra ngoài không gian thăm dò vũ trụ vào tháng 8 và 9 năm 1977. Cả hai mất 13 năm quan sát những hành tinh trong Hệ mặt trời, đưa về những dữ liệu đáng giá và hình ảnh trước nay chưa từng được biết đến.
Năm 2012, Voyager 1 trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên ra khỏi Hệ mặt trời, tiến vào vùng không gian tĩnh lặng giữa các ngôi sao. Nói tĩnh lặng vì ngay cả các hạt điện từ của Mặt trời cũng không thể tồn tại ở không gian này.
Đến ngày 10/12/2018, Voyager 2 tiếp bước "người anh em" của mình, đi vào vùng không gian liên sao.
Ngày nay, cả hai đều đang ở rất xa chúng ta, đến mức những tín hiệu radio được truyền với tốc độ ánh sáng cần hơn 15 tiếng để đến được Trái Đất.
Tàu Voyager 1 có kích thước và khối lượng nhỏ hơn cả chiếc ôtô gia đình. Nếu ngồi trên đó bạn sẽ không có cảm giác đang di chuyển, bởi không hề có một điểm mốc nào xung quanh.
Nếu vẫn còn bình tĩnh ngồi trên con tàu này thêm một triệu năm nữa, bạn sẽ nhận thấy vị trí của vài ngôi sao có chút thay đổi, nhưng tất cả chỉ có vậy.
Sứ mệnh khoa học của Voyager sẽ kết thúc khi máy phát nhiệt điện plutonium-238 không còn sản sinh ra năng lượng, hoặc khi nó không còn nhận được ánh sáng mặt trời nữa, khoảng vào năm 2030. Sau đó, 2 con tàu sẽ trôi dạt trong cõi vô cực giữa các ngôi sao trong dải Ngân Hà, trừ khi có tác động bởi một thứ gì đó.
Nếu giả sử có ai đó phát hiện ra các tàu Voyager, họ sẽ tìm thấy chúng ta - nhân loại. Bởi mỗi tàu đều chứa một bản sao nhiều tri thức được chọn lọc ghi lại trên một chiếc Đĩa Vàng. Khắc trên đồng, mạ bằng vàng và niêm phong trong hộp nhôm, các bản ghi này được cho là tồn tại mà không bị hư hỏng hơn cả tỷ năm. Chúng cũng là một trong những vật thể nhân tạo bền nhất từng được chế tác.
Chúng ta chưa thể hiểu hết sự sống ngoài Trái Đất, và cho dù người ngoài hành tinh có tồn tại, khả năng chiếc đĩa được tìm thấy cũng rất nhỏ. Chúng là một món quà, được cho đi mà không có hi vọng sẽ nhận lại. Tuy vậy, nếu được lựa chọn, bạn sẽ gửi đi một chai thư trôi nổi trên đại dương với hy vọng ai đó sẽ tìm thấy, hay là không làm gì cả?
Carl Sagan và bản thu 'vàng'
Carl Sagan là nhà thiên văn học giám sát thực hiện chiếc đĩa vàng năm 1972. Rất nhiều bản nhạc hay được phát hành trong thời gian này, và công nghệ của những chiếc đĩa than là lựa chọn duy nhất ở thời điểm đó để nghe nhạc. Không mp3, không máy tính điện tử, không điện thoại thông minh. Đầu kim đọc bằng kim cương di chuyển theo các rãnh, làm rung các hạt tinh thể đã được gắn sẵn, tạo ra dòng điện sau đó được khuếch đại lên và truyền tới loa.
Không có phần nào trong quá trình này giúp chúng ta đảm bảo lượng thông tin mà bản thu có thể chứa và độ chính xác của âm thanh do máy phát ra. Mỗi lần nghe lại là mỗi lần khác. Đó là cái hay, cũng là cái dở của công nghệ analog.
Vào mùa đông năm 1976, Carl sang thăm người bạn Ann Druyan, hỏi rằng liệu vợ chồng họ có thể giúp ông tạo ra một bản ghi cho Voyager. Cả hai lập tức đồng ý. Sau đó, Carl và một đồng nghiệp ở Cornell là Frank Drake quyết định ghi dữ liệu trên một bản thu.
Carl Sagan là nhà thiên văn học lỗi lạc của thế kỷ 20. Ảnh: SYSK. |
Từ lúc NASA đồng ý với ý tưởng của Carl, họ có chưa tới 6 tháng để hoàn thành chiếc đĩa. Ann bắt đầu thu thập tài liệu cho phần mô tả âm thanh trong lịch sử Trái Đất.
Linda Salzman Sagan, vợ của Carl lúc đó tìm kiếm những bản thu các giọng nói con người trong nhiều ngôn ngữ khác nhau. Họa sĩ không gian Lomberg thì tìm các hình ảnh, mã hóa các hình ảnh đó vào trong các rãnh của đĩa thu.
Timothy Ferris, chồng của Ann chịu trách nhiệm tạo ra đĩa thu, giám sát về mặt kỹ thuật. Và tất cả đều hợp tác trong việc chọn âm nhạc.
Thanh âm của nhân loại
Timothy Ferris tìm cách mời John Lennon của The Beatles vào dự án này, nhưng những vấn đề về thuế đã ngăn huyền thoại âm nhạc rời khỏi đất nước của mình. Dù vậy Lennon cũng đã giúp bằng hai cách. Đầu tiên, ông giới thiệu kỹ sư Jimmy Iovine, người đầy nhiệt huyết lẫn chuyên môn (Jimmy sau này trở thành nhà sản xuất nhạc rock và hip-hop nổi tiếng, và là giám đốc của một công ty thu âm).
Thứ hai là một mẹo của Lennon trong việc để lại một thông điệp nhỏ trong khoảng trống giữa các rãnh ở cuối bản thu. Timothy Ferris sau đó đã viết một lời tri ân: “Cho những người tạo ra âm nhạc - toàn thế giới và trên mọi thời đại (To the makers of music - all worlds, all times).
Điều bất ngờ là cả nhóm gặp rắc rối với NASA vì 9 chữ đó. Một nhân viên giám sát hoạt động 65.000 bộ phận của những chiếc tàu dò tìm, báo cáo rằng mọi phần của chiếc đĩa đều được kiểm tra bao gồm kích thước, khối lượng, thành phần và từ tính - nhưng không có bất cứ thứ gì trong bản thiết kế nói về dòng chữ được khắc này.
Chiếc đĩa bị từ chối, và NASA chuẩn bị thay thế bằng một đĩa trống khác có sẵn. Chỉ khi Carl lập luận rằng dòng chữ khắc đó sẽ là minh chứng chữ viết của chính con người viết nên trên con tàu đó, mọi việc mới được ổn thỏa.
Trong những ngày đó, nhóm phải tập hợp mọi bản thu vật lý của tất cả âm thanh muốn được thêm vào. Điều này chẳng phải là thử thách gì to tát nếu chỉ là âm nhạc chính thống từ nước Mỹ, nhưng các nhà khoa học quyết định tuyển chọn ở mạng lưới rộng hơn, kết hợp những vùng khác nhau như Australia, Azerbaijan, Bungari, Trung Quốc, Công Gô, Nhật Bản, Quốc gia Navajo, Peru và quần đảo Solomon.
Ann tìm thấy một đĩa than chứa âm nhạc sử ca Ấn Độ “Jaat Kahan Ho” trong thùng các tông ở sau một cửa hàng thiết bị. Trong một dịp khác, Alan Lomax, nghệ sĩ nhạc đồng quê lôi ra từ đống tranh sơn mài một bản thu của người Nga, nói rằng nó là bản gốc của “Chakrulo” ở Bắc Mỹ. Cả nhóm nghe qua tất cả các loại nhạc này, lựa ra những đề cử sau đó lại tranh luận suốt đêm. Dù mệt mỏi, nhưng là một công việc rất thú vị.
Lấy toán học làm thước đo cho nghệ thuật
Khi tuyển chọn các loại nhạc cổ điển phương Tây, nhóm đã từ bỏ phương thức so sánh đánh giá để thêm vào ba sáng tác của J.S.Bach, hai bản phối của Ludwig van Beethoven. Lý do bởi giả sử bản thu đó được nghiên cứu bởi người ngoài hành tinh, nhiều khả năng họ không có khả năng nghe âm thanh như loài người, hoặc thính giác hoạt động trong một khoảng tần số khác so với chúng ta, thậm chí không có bất kỳ truyền thống âm nhạc nào.
Do đó, rất có thể họ sẽ áp dụng toán học để phân tích. Toán học được xem như ngôn ngữ chung của vũ trụ, và âm nhạc đôi khi cũng là toán học. Họ sẽ tìm kiếm sự đối xứng, lặp lại, đảo ngược, hình ảnh phản chiếu hay giống nhau bên trong hoặc giữa các sáng tác.
Các nhà khoa học muốn tạo điều kiện cho quá trình phân tích này bằng cách thêm vào Bach vì những sáng tác của ông đầy tính đối xứng, và Beethoven, người được cho là thừa hưởng âm nhạc của Bach.
Không có nhiều tranh cãi diễn ra. Với rất nhiều âm nhạc trên thế giới để lựa chọn, có rất ít lý do để cãi nhau nếu một bản nhạc hay bị thay thế bằng một bản khác hay không kém. Ví dụ như bài “Dark Was the Night”, tất cả đều thích nó ngay từ đầu.
Ann có đôi chút ngập ngừng với bài “Johnny B Goode” của Chuck Berry. Ngay trong lần đầu nghe, Carl đã bảo nó “kinh khủng”. Nhưng Carl nhanh chóng về phe với Ann khi Lomax chế giễu chất nhạc "trẻ trâu" của Berry có thể khiến người vũ trụ nghĩ về hành tinh xanh như là nơi trú ngụ của rất nhiều "trẻ trâu".
Đĩa vàng được gắn ở trên cả hai con tàu Voyager 1 và 2. Ảnh: The Atlantic. |
Khi tạo ra Đĩa Vàng, các nhà khoa học đều nghĩ nó sẽ được thương mại hóa, nhưng thực tế lại không. Vì lý do bản quyền, không một ai có thể nghe được hoàn toàn mọi thứ trong đĩa suốt gần 40 năm.
Vào năm 2016, một cựu sinh viên của Timothy Ferri là David Pescovitz và đồng môn Tim Daly, thuyết phục Timothy đem bản ghi đi xuất bản. Cả hai âm thầm gây quỹ trên Kickstarter, thu được hơn một triệu USD trong chưa đầy một tháng.
Pescovitz và Daly cũng liên hệ các nghệ sĩ góp giọng trong bản thu, gửi cho họ bức thư về tác quyền, điều mà các nhà khoa học chưa thực hiện trước đó.
40 năm sau khi được phóng, Đĩa Vàng cuối cùng cũng được thưởng thức ở Trái đất. Đáng tiếc là nhà khoa học tạo ra nó, Carl Sagan đã mất ở tuổi 62 vào năm 1996. Tuy nhiên, nhân loại vẫn mang niềm hy vọng di sản mà ông để lại một ngày nào đó sẽ được vũ trụ biết đến.