Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vì sao sóng nhiệt đầu mùa ở châu Á đáng báo động?

Tình trạng nắng nóng sớm ở các quốc gia châu Á khiến nhiều người không kịp thích nghi, gây ra nhiều hệ lụy.


nang nong chet nguoi anh 1

Để thích nghi với sức nóng, cơ thể cần có nhiều cách phản ứng, chẳng hạn đổ mồ hôi hay tăng tốc độ máu chảy đến da giúp hạ nhiệt cơ quan nội tạng.

Mồ hôi đổ ra nhiều hơn và loãng hơn để giảm thất thoát chất điện giải. Đồng thời, cơ thể tự làm chậm tốc độ trao đổi chất và nhịp tim nhằm tiêu thụ ít oxy cũng như duy trì nhiệt độ bên trong thấp hơn.

Tuy nhiên, phải mất nhiều tuần liên tục tiếp xúc với nhiệt, tất cả phản ứng này mới được kích hoạt. Cơ thể ở trạng thái tốt nhất khi sức nóng không ập đến bất ngờ và quá trình thích nghi diễn ra chậm.

Song biến đổi khí hậu đang khiến mọi thứ khó khăn hơn. Chẳng hạn, mùa hè ngày càng dài, gay gắt hơn, lấn át mùa đông và kéo dài sang cả mùa thu.

Tại châu Á, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Thái Lan ghi nhận mức nhiệt kỷ lục trong hai tuần qua, vượt quá 40 độ C, theo Axios. Sóng nhiệt đến sớm có thể khiến nhiều người không kịp thích nghi và gặp nhiều vấn đề về sức khỏe.

Tỷ lệ tử vong cao hơn vào đầu mùa

Dù nhiệt độ cuối mùa hè thường khắc nghiệt hơn, những đợt nóng sớm có thể gây ra hậu quả đặc biệt nguy hiểm.

“Có nhiều tài liệu chứng minh tỷ lệ tử vong vào đầu mùa cao hơn vì mọi người không (kịp) thích nghi với nhiệt độ”, bà Kristie Ebi, giáo sư về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Washington, cho biết.

Quá trình thích nghi với khí hậu cũng có thể lý giải số trường hợp tử vong do nhiệt không đồng đều giữa các khu vực, theo giáo sư Patrick Kinney, nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng của Đại học Boston.

“Ở phía bắc nước Mỹ, như Boston, New York hay Chicago, có thể thấy nhiều người chết dù nhiệt độ chưa quá cao, trong khi ở những nơi như Atlanta hoặc Houston, trời phải nóng hơn nhiều mới khiến tỷ lệ tử vong tăng”, ông nói.

Giới khoa học đưa ra nhiều giải thuyết về lý do số ca tử vong đầu mùa hè cao hơn cuối mùa. Trong đó, một giả thuyết cho rằng nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất (người lớn tuổi và người mắc bệnh mạn tính) sẽ không thể vượt qua sự thay đổi nhiệt độ vào đầu mùa, do đó những đợt nắng nóng gay gắt hơn sau vài tháng sẽ có ít người dễ bị tổn thương hơn.

Cách giải thích thứ hai là hiệu ứng thích nghi. “Mỗi người thích nghi với tốc độ khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi, sinh lý học hoặc những lần tiếp xúc trước đây mà họ đã trải qua”, bà Ebi cho biết.

Các nhóm dân cư đặc biệt dễ bị ảnh hưởng gồm người lớn trên 65 tuổi, trẻ em dưới 1 tuổi, người dùng một số loại thuốc theo toa, người mắc một số bệnh mạn tính, lao động ngoài trời và nông dân, người vô gia cư và người mang thai.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với nhiệt độ cao trong 3 tháng cuối với tình trạng giảm cân nặng khi sinh ở trẻ sơ sinh.

nang nong chet nguoi anh 2

Sóng nhiệt đang càn quét nhiều nước châu Á. Ảnh: Alarmy.

Theo Vox, biến đổi khí hậu đang kéo theo nhiều vấn đề bất thường. Một trong số đó là ban đêm nóng hơn nhiều so với trước đây.

Khả năng hạ nhiệt vào ban đêm là một trong những yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa bệnh liên quan đến nhiệt. Song hiện tượng nóng bức về đêm đang làm gián đoạn giấc ngủ và khiến cơ thể căng thẳng.

“Nhìn chung, kể từ năm 1895, nhiệt độ qua đêm vào mùa hè đang nóng lên với tốc độ gần gấp đôi so với nhiệt độ buổi chiều ở Mỹ”, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Mỹ cho hay.

Ngoài ra, các khu vực cần tính đến sự khác biệt giữa nhiệt ẩm và khô. Độ ẩm khiến mọi người cảm thấy nóng hơn, vì vậy những khu vực đã quen với các đợt nóng khô có thể không thích nghi được với điều kiện khác.

Biến đổi khí hậu khiến nguy cơ tổn thương vì sóng nhiệt không chỉ giới hạn trong tháng 7 và tháng 8. Các chuyên gia như bà Ebi cho rằng cần phải thay đổi suy nghĩ về rủi ro nắng nóng quanh năm để chuẩn bị tốt hơn và giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất vào thời điểm cần thiết nhất.

Bất bình đẳng

Khả năng thích nghi với cái nóng đầu mùa không chỉ phụ thuộc vào những thay đổi sinh lý trong cơ thể. Hành vi, các chính sách và cơ sở hạ tầng cũng tạo ra sự khác biệt.

Những người không quen với tình trạng nắng nóng có thể ứng phó bằng cách bật điều hòa sớm hơn, giữ mát bằng nước hoặc bóng râm. Cảnh quan xanh và quần áo thoáng khí cũng có thể giúp điều chỉnh nhiệt.

Tuy nhiên, việc tiếp cận tất cả nguồn tài nguyên này có sự chênh lệch lớn dựa trên thu nhập, chủng tộc, địa lý và chính trị.

“Ở góc độ nào đó, nắng nóng là một hiện tượng tự nhiên, nhưng những lựa chọn chính trị trong nhiều thập kỷ và thế kỷ qua đã tước đi các nguồn tài nguyên quan trọng, cơ sở hạ tầng, sự chuẩn bị sẵn sàng cho thảm họa và tiện nghi xanh từ các cộng đồng da màu có thu nhập thấp”, ông Michael Méndez, trợ lý giáo sư về chính sách môi trường tại Đại học California Irvine, cho hay.

“Và không có gì ngạc nhiên khi thảm họa xảy ra, các cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất lại ít được chuẩn bị nhất”, ông nhận định.

Cây cối là một ví dụ điển hình cho sự chênh lệch này. Các khu vực bị phân biệt chủng tộc có độ che phủ cây cối ít hơn đáng kể so với khu vực không có tình trạng này.

Nghiên cứu do tiến sĩ Dexter Locke - nhà khoa học xã hội thuộc đơn vị Nghiên cứu Rừng đô thị, Chất lượng Môi trường và Sức khỏe Con người thuộc Sở Lâm nghiệp Mỹ - và đồng nghiệp tiến hành ước tính rằng mức chênh lệch này là khoảng 21 điểm phần trăm.

Các trường học cũng được trang bị chống nóng không đồng đều. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Human Behavior, trên khắp 58 quốc gia, cứ thêm một ngày nhiệt độ trên 26,67 độ C, điểm kiểm tra của trẻ em lại giảm.

Khi phân tích dữ liệu của Mỹ, các nhà nghiên cứu nhận thấy tác động rõ rệt của nhiệt đối với học sinh da đen và gốc Tây Ban Nha, đồng thời lưu ý rằng các em có thể ít được sử dụng điều hòa ở nhà và trường học hơn.

nang nong chet nguoi anh 3

Sự bất bình đẳng khiến khả năng ứng phó với nắng nóng khó khăn hơn ở một số cộng đồng. Ảnh: Reuters.

Ông Méndez cũng chỉ ra rằng "người lao động trong ngành nông nghiệp có tỷ lệ tử vong cao hơn 35 lần so với các ngành khác, đặc biệt là người gốc Latinh và công nhân nông trại nhập cư".

Ngay cả những biện pháp ứng phó với sóng nhiệt, như mở trung tâm làm mát, hỗ trợ hóa đơn năng lượng và ngăn chặn cắt điện, cũng không tập trung vào giai đoạn đầu mùa quan trọng, khi mọi người khó thích nghi nhất với nhiệt độ cao.

Những giải pháp này thường không bắt đầu cho đến khi nhiệt độ trên 35 độ C, vượt xa ngưỡng mà một số nhóm dân dễ bị tổn thương có thể chịu đựng.

Do đó, việc giảm thiếu rủi ro nắng nóng đòi hỏi các nước cần đầu tư nhiều hơn nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho các đợt sóng nhiệt sớm.

“Chúng ta hầu như không đủ nguồn lực đối phó với những gì đang xảy ra. Với biến đổi khí hậu, chúng ta đang chứng kiến tần suất, cường độ và độ dài của các đợt nắng nóng ngày càng tăng, vì vậy cần điều chỉnh cách phản ứng”, ông Ladd Keith, giáo sư quy hoạch đô thị của Đại học Arizona, cho biết.

Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu

“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

'Vũ khí bí mật' giúp Singapore ngược chiều thế giới trong sóng nhiệt

Khi hành tinh nóng lên dưới tác động của biến đổi khí hậu, hệ thống làm mát ngầm dưới những tòa nhà hiện đại ở Singapore đang giúp quốc đảo này hạ nhiệt.

Sóng nhiệt tháng tư tồi tệ nhất trong lịch sử châu Á

Đợt nắng nóng khắc nghiệt được mô tả là “sóng nhiệt tháng 4 tồi tệ nhất trong lịch sử châu Á” giữa lúc các kỷ lục nhiệt độ được ghi nhận ở Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và Lào.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm