“Đối với người Hàn Quốc, nhan sắc rất quan trọng. Làm đẹp là đầu tư vào tương lai, cuộc sống và dẫn đến thành công”, giám đốc điều hành của một thương hiệu chăm sóc da cao cấp Hàn Quốc nói với SCMP.
Với kinh nghiệm nhiều năm sống ở Mỹ, chuyên gia khẳng định đây là sự khác biệt trong văn hóa Mỹ và Hàn Quốc. Tuyên bố này có thể không đúng với tất cả nhưng phần nào giải thích được sự phát triển như vũ bão của ngành công nghiệp mỹ phẩm, làm đẹp tại Hàn Quốc.
Kèm theo đó, văn hóa Hallyu nổi tiếng toàn cầu đã thu hút nhiều nhãn hàng tìm đến các ngôi sao ở xứ sở kim chi làm gương mặt đại diện.
Nỗi ám ảnh về thời trang, làm đẹp
Hàn Quốc được biết đến là đất nước “ám ảnh” với việc làm đẹp. Đây cũng là quốc gia châu Á đi đầu trong lĩnh vực thẩm mỹ cho cả phụ nữ và nam giới. “Cơ thể là thành công lớn nhất của tôi” là câu nói nổi tiếng ở Seoul, thủ đô sôi động của Hàn Quốc.
Sự nổi tiếng trong lĩnh vực làm đẹp cùng văn hóa Hallyu nổi tiếng toàn cầu là lý do lớn nhất giải thích vì sao các thương hiệu xa xỉ toàn cầu tìm đến quốc gia Đông Á, đưa những thần tượng Kpop như Kai (EXO) hay các ngôi sao điện ảnh như Song Hye Kyo trở thành đại sứ toàn cầu.
Hiện tại, Hàn Quốc trở thành một trong những trung tâm mua sắm lớn của châu Á. Những thương hiệu thời trang xa xỉ dần nhận thấy đây là thị trường tiềm năng không kém Trung Quốc hay Nhật Bản.
Phụ nữ Hàn Quốc ám ảnh với thời trang và làm đẹp. |
Đại dịch Covid-19 đã hạn chế nhu cầu đi lại, mua sắm trực tiếp. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường thời trang xa xỉ Hàn Quốc. Do đó, các thương hiệu lớn đang cố gắng tiếp cận khách hàng toàn cầu, từ thời trang nội địa đến các tên tuổi quốc tế.
Giữa tháng 2, chính phủ Hàn Quốc đưa ra chương trình tài trợ Concept Korea tại Tuần lễ thời trang New York nhằm hỗ trợ các local brand quảng bá thời trang nước nhà.
Là một phần của chương trình, các thương hiệu như Ul: Kin, Jarret và Wunderkammer đều tham gia, thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa Kfashion và Kpop trong bộ sưu tập.
Để thu hút sự chú ý của người hâm mộ toàn cầu, các NTK mạnh tay thuê idol xuất hiện trong show diễn. Jarret từng thuê Yangyang (WayV) quảng bá bộ sưu tập. Thành viên Yeon Jun (TXT) sải bước trên sàn diễn Ul: Kin...
Sự "đổ bộ" của sao Hàn vào các thương hiệu xa xỉ
Các thương hiệu thời trang cao cấp cũng thuê ngôi sao Hàn Quốc để giữ sức nóng của thương hiệu. Thương hiệu đồng hồ và trang sức Pháp Chaumet chọn Song Hye Kyo làm đại sứ. Tháng 2 năm nay, sao phim Hậu duệ mặt trời được chọn làm đại sứ thương hiệu cho Fendi, khẳng định sức hấp dẫn của nữ diễn viên với thị trường quốc tế.
Các ngôi sao Kpop cũng nhanh chóng phủ sóng toàn cầu với tư cách đại sứ thương hiệu. Lisa (BlackPink) là đại sứ của CELINE và Bvlgari, Irene (Red Velvet) đại diện cho Prada, trong khi Gucci đang tận dụng sức hút của Kai (EXO).
Diễn viên Hàn Quốc cũng thường xuyên được các nhãn hiệu cao cấp để ý. Tài tử Ji Chang Wook gần đây trở thành đại sứ thương hiệu toàn cầu của Calvin Klein. Thương hiệu đồng hồ cao cấp Longines của Thụy Sĩ lại chọn Jung Woo Sung là "đại sứ thanh lịch toàn cầu".
Ngày càng nhiều sao Hàn trở thành đại sứ toàn cầu cho thương hiệu xa xỉ. |
Theo cây bút Daniel Langer của SCMP, với nỗi ám ảnh về sắc đẹp, âm nhạc và thời trang của Hàn Quốc, không có gì ngạc nhiên khi các sao hạng A của xứ kim chi trở thành gương mặt đại diện cho các thương hiệu thời trang xa xỉ, từ địa phương đến toàn cầu.
Hiện tại, văn hóa Hallyu phát triển trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, không chỉ hấp dẫn người tiêu dùng trong nước, các thương hiệu thời trang, làm đẹp và mỹ phẩm Hàn Quốc còn thu hút lượng khách hàng tiềm năng từ nước ngoài, phổ biến nhất là Trung Quốc, Mỹ và một vài quốc gia châu Âu.
Theo SCMP, điều mà các thương hiệu cần chú ý là đừng chỉ trưng gương mặt của ngôi sao lên áp phích quảng cáo mà hãy nêu bật thương hiệu. Trong tương lai, các nhãn hàng cần phân tích, đo lường thị trường khách hàng để các khoản đầu tư vào ngôi sao được sinh lợi.
Suy cho cùng, chỉ khi đại sứ thương hiệu mang đặc trưng và đem về lợi nhuận cho nhãn hiệu thì việc kinh doanh của nhãn hàng mới ăn nên làm ra. Nếu không đảm bảo được điều này, dù có là thương hiệu thời trang xa xỉ cũng bị đánh mất bản sắc và làm suy giảm giá trị thương hiệu trong thị trường kinh doanh khắc nghiệt.
Bởi, cơ hội và rủi ro đều có mối liên hệ chặt chẽ.