Samsung vừa công bố đổi mới những chiếc Galaxy Note 7 trên phạm vi toàn cầu do lỗi pin dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Một lần nữa, những viên pin lithium-ion lại trở thành tâm điểm của giới truyền thông.
Không ít lần, người dùng chứng kiến câu chuyện về những chiếc di động bỗng nhiên bắt lửa, thậm chí phát nổ gây nguy hại cho người dùng. Điều gì khiến những viên pin trên smartphone trở thành "bom nổ chậm".
Samsung ghi nhận 35 trường hợp máy bị bắt lửa khi sạc trên tổng số 2,5 triệu máy bán ra toàn cầu. Ảnh: Android Authority. |
Nguyên nhân phát nổ
Thực tế, pin lithium-ion hiếm khi bị biến dạng hoặc phát nổ. Nếu có hiện tượng này, chỉ có 2 nguyên nhân chính.
Nguyên nhân đầu tiên là việc pin vị vỡ, có thể gây ra do người dùng làm rơi smartphone. Sự xáo trộn nhẹ trong kết cấu các cell của pin có thể dẫn đến hiện tượng đoản mạch, làm pin biến dạng (thường là phồng lên) và có nguy cơ phát nổ.
Ngoài ra, một số loại pin rẻ tiền - do không được gia công cẩn thận - cũng có thể khiến các hạt kim loại bên trong tiếp xúc với các linh kiện khác, gây đoản mạch.
Với Galaxy Note 7, nhiều báo cáo khẳng định máy bắt lửa khi đang sạc, cũng là nguyên nhân cơ bản thứ 2. Sức nóng có thể gây ra đoản mạch bên trong pin. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra ở nhiệt độ cực cao và thường gặp với các viên pin lỗi. Sạc quá mức cũng có thể là nguyên nhân, bởi nó khiến pin nhận quá nhiều điện so với mức an toàn nó có thể xử lý, dẫn đến hiện tượng quá nhiệt.
Quá nhiều sức nóng tập trung ở một điểm có thể dẫn đến hiện tượng thoát nhiệt. Điều này xảy ra khi một điểm nào đó trên viên pin không thể làm mát kịp thời, tạo ra một chuỗi phản ứng phân hủy dẫn đến phát sinh càng nhiều nhiệt.
Thông thường, những viên pin chất lượng cao sẽ trang bị các tính năng an toàn, cho phép ngăn cản các phản ứng này. Tuy nhiên, Samsung cho biết họ mua pin từ nhiều đối tác cung cấp khác nhau. Có thể, một trong các đối tác đó đã sản xuất những viên pin không đạt chất lượng.
Sạc và nhiệt
Có khá nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng quá nhiệt trên pin của smartphone. Việc áp dụng các công nghệ sạc nhanh bằng cách đưa dòng điện lớn hơn vào pin lithium-ion có thể là một trong các nguyên nhân. Dòng điện càng lớn, nguy cơ sinh nhiệt càng cao.
Các thao tác thông thường trên smartphone ngày nay cũng phát sinh nhiệt lớn hơn so với các thiết bị cách đây 3-4 thế hệ. Hãng sản xuất cố gắng tạo ra những chiếc smartphone mỏng hơn, tích hợp nhiều linh kiện hơn dẫn đến việc không gian để thoát nhiệt cho pin của máy gần như không còn.
Người dùng cần làm gì để bảo vệ mình?
Dừng sạc khi smartphone có dấu hiệu quá nhiệt: hãy để cho smartphone hạ nhiệt trước khi sạc trở lại và đảm bảo, bạn không dùng vỏ bảo vệ khi sạc để nhiệt trên máy dễ thoát ra ngoài.
Dùng sạc chính hãng: Nên dùng cục sạc đi kèm theo máy để đảm bảo máy nhận đúng dòng điện. Nếu dùng smartphone với cổng USB-C hoặc công nghệ sạc nhanh, tốt nhất nên sử dụng cả cáp có sẵn theo máy.
Không sạc máy trên giường: Người dùng có thói quen xem video hoặc đọc tin tức trước khi đi ngủ, sau đó sạc máy qua đêm. Sẽ tương đối nguy hiểm nếu máy gặp vấn đề khi người dùng đi ngủ. Việc đặt máy trên gối khi sạc càng gây nguy hiểm bởi máy không thể thoát nhiệt.