Không bày bán ra chợ như các loại nông sản thông thường, các đồ đặc sản này chỉ được một số người cung cấp theo đơn đặt hàng, và phần nhiều là bán qua các gian hàng online.
Tại một cửa hàng chuyên bán rau rừng trên phố Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội), các loại rau rừng với tên khá lạ đều có giá cao so với rau quả bán tại các chợ. Như rau bò khai 99.000 đồng/kg, rau sắng (ngót rừng) 100.000 đồng/kg...
Anh Hòa, chủ một cửa hàng rau rừng tại quận Thanh Xuân cho biết, mỗi ngày cửa hàng anh bán được 40 – 50 kg rau rừng các loại. Theo lý giải của chủ hàng này, giá các loại rau bị đẩy lên cao do anh không lấy được hàng tận tay người dân thu hái mà phải qua trung gian là các thương lái trong vùng. Thông thường, rau được người dân lên núi hái, sau đó bán cho các thương lái với giá 3.000 - 5.000 đồng/mớ. Khi đến tay người buôn như anh, giá đã đội lên nhiều. Ngoài ra, anh Hòa còn cho rằng, rau tự nhiên số lượng thu hái được phụ thuộc nhiều yếu tố, và thu gom rất vất vả. Trong khi đó, nhu cầu của người thành phố với những loại đặc sản rừng này hiện khá lớn, nên để có đủ hàng bán, cửa hàng phải chấp nhận mức giá đầu vào cao, trong đó phần nhiều là chi phí vận chuyển, đến tay người tiêu dùng giá đội lên nhiều lần là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, người bán cho rằng, loại rau tự nhiên này nếu cộng cả thời gian thu hái, vận chuyển về đến thành thị là đã mất nhiều ngày, nên chỉ bảo quản được từ 2 – 3 ngày nữa, nếu không bán hết thì phải đổ bỏ, nên nhiều điểm bán cộng cả chi phí hao hụt này vào giá bán.
Thực tế, nếu mua tại chỗ thì giá các loại rau rừng này cũng không khác gì các loại rau muống, rau lang thông thường. Rau bò khai, loại đặc sản có rất nhiều ở Lạng Sơn, Sơn La, Thái Nguyên nhìn gần giống rau su su nhưng mỗi vùng ăn có vị khác nhau, giá chỉ từ 4.000-5.000 đồng/bó, mỗi bó khoảng 10 – 15 ngọn. Rau ngót rừng khá giống rau ngót bán ở các chợ thành phố nhưng lá mỏng và nhỏ hơn, cũng là đặc sản tại vùng Sơn La, một bó lớn khoảng 400g chỉ 10.000 đồng. Hay rau dớn, loại thuộc họ dương xỉ sống ở nơi có độ ẩm cao, ánh sáng thấp có giá 5.000 đồng/mớ.
Rau bò khai có giá 99.000 đồng/kg hút khách thủ đô. |
Chị Hồ Thu Hương, chủ cửa hàng rau rừng Hà Giang ở Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm, Hà Nội cho biết, trước kia chị bán hoa quả nhập khẩu, nhưng hàng bán chậm vì người mua sợ hóa chất. Trong khi bạn bè lại hỏi mua rau rừng nên chị đã tìm mối lấy hàng về bán thử qua mạng, và không ngờ chỉ trong thời gian ngắn lại nhận được nhiều đơn đặt hàng.
Theo chị Hương, rau rừng đắt mấy cũng được lòng khách là vì lạ miệng, chỉ có theo mùa, và ưu điểm lớn là hàng sạch. Chị cho biết, có ngày bán được gần 100 kg rau rừng các loại như bò khai, ngót rừng, rau dớn. Nhiều hôm các nhà hàng đặt mua 200 – 300 kg nhưng tìm đủ mọi cách cũng gom không đủ, vì những loại này phải đặt người dân trong vùng lên núi hái.
Chị Thủy, chuyên bán đồ đặc sản Bắc Hà được 4 năm nay, thì cho biết nguyên nhân chị mở cửa hàng bán đặc sản núi rừng là khi làm giáo viên ở Bắc Hà, thấy vùng này có nhiều đồ đặc sản giá rẻ mà ở Hà Nội nhiều người tìm mua, nên bán thử cho người quen, rồi dần dần nhận được nhiều đơn đặt hàng. Theo chị, ở vùng núi này, thịt lợn đen nguyên con chỉ có giá 80.000 đồng/kg, những người bán hàng như chị thường mua nguyên con về mổ, chuyển về Hà Nội bán với giá 210.000 đồng/kg. Giá cao nhưng rất hút khách, mỗi ngày chị bán ít nhất cũng từ 20 - 30 kg thịt cho khách quen.
Thịt lợn đen, giống lợn chăn thả tại các vùng đồi núi cao thịt săn chắc, thơm, nên được nhiều người lựa chọn. |
Ngoài lợn đen, lợn cắp nách, cũng là lợn đen nhưng nhỏ hơn, trọng lượng thường dưới 20kg/con, cũng là mặt hàng được chị Thủy bán rất chạy tại Hà Nội. Mỗi con lợn mua tại chỗ chỉ có giá 3 triệu đồng, mổ ra được từ 12 – 15 kg thịt, xương các loại. Với lợn này chị thường bán theo "khóe" tức một con lợn sau khi bỏ đầu được chia ra 4 phần, bán với giá 250.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó chị còn bán rất chạy cho khách thủ đô thịt gà đen từ 1,2 – 2kg/con, giá đến 250.000 đồng/kg và các loại rau của người vùng cao tự trồng, như cải mèo, cải ngồng, cải ngọt, cải bắp, đỗ, củ cải, đậu các loại...
Được quảng cáo là của ngon vật lạ, đồ đặc sản có tiếng của từng vùng nên nhiều người cố gắng đặt mua về thưởng thức vị ngon của núi rừng. Chị Nguyễn Thị Thu (Mỹ Đình - Hà Nội) là người thường xuyên mua rau rừng về ăn, cho rằng rau rừng ngoài ngon, lạ miệng còn đảm bảo an toàn vì không có thuốc bảo vệ thực vật, giúp các bà nội trợ như chị yên tâm lo bữa ăn cho gia đình. Cũng theo chị Thu, ban đầu rất khó ăn loại rau này vì đa phần đều có vị hơi đăng đắng, nhưng ăn vào thấy mát, thơm, mùi vị đặc trưng, ăn quen thì thích hơn các loại rau thường mua ở phố.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thủy (Gia Lâm - Hà Nội) cũng cho biết, người thành phố rất chuộng thực phẩm rừng bởi ăn lạ miệng, và đặc biệt là có ưu điểm sạch, không lo chất bảo quản như các loại đồ ăn bán ngoài chợ hiện nay. Chị thỉnh thoảng cũng đặt mua thịt lợn đen về ăn thấy rất ngon, khi đun chín thịt săn và có mùi thơm. Theo chị, dù giá cao hơn thịt ở chợ nhưng muốn mua được các loại đặc sản này phải đặt trước mới có chứ không phải dễ. Do đó, cứ gặp được dịp có hàng là chị phải mua nhiều để dành, có lần chị mua cả rau lẫn thịt lợn hơn một triệu về để tủ lạnh ăn dần.