“Cầu thủ Việt Nam như miếng bọt biển, dạy tới đâu biết đến đó, họ từng rất tự ti nhưng lúc nào cũng muốn chơi như Barca”, đó là những gì HLV Park Hang-seo nói vào ngày 24/1/2018 với Fourfourtwo. Khi ấy, U23 Việt Nam vừa đánh bại Qatar ở trận bán kết U23 châu Á và chuẩn bị hướng tới trận chung kết với Uzbekistan.
Tư tưởng cầu thủ Việt Nam nhỏ người nhưng kỹ thuật nên phải đá tấn công, ban bật ngắn, nhuần nhuyễn và “muốn chơi như Barca” không biết từ khi nào đã ghim sâu vào não bộ của không chỉ các cầu thủ, mà còn là cả những CĐV trong cả một thời kỳ.
"Cầu thủ Việt Nam tự ti nhưng lúc nào cũng muốn chơi như Barca", HLV Park Hang-seo nói. Ảnh: Hoàng Hà. |
Sự lột xác của bóng đá Việt Nam
Tư tưởng ấy có thể tới từ thế hệ vàng đầu tiên của bóng đá Việt Nam với những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Đỗ Khải hay Văn Sỹ. Sự bỡ ngỡ đầy đam mê của thứ bóng đá tấn công tại Sea Games 1996 hay Tiger Cup 1998 găm sâu vào trí nhớ của những CĐV lẫn đội ngũ lãnh đạo của bóng đá Việt Nam.
Hình ảnh ăn mừng theo kiểu nhà lính của Hồng Sơn, cú nã đại bác nát lưới Thái Lan của Trương Việt Hoàng tại Hàng Đẫy, hay gần chút nữa là hai cánh tay dang rộng của Văn Quyến đều là những hình ảnh biểu tượng cho một đội tuyển Việt Nam tấn công rực lửa đam mê.
Thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam chỉ biết đi bộ sau phút 75. |
Nhưng tấm huy chương nào cũng có hai mặt. Thế hệ vàng của Hồng Sơn chỉ biết đi bộ sau phút thứ 75 của mỗi trận đấu, và đã luôn tự ti trước mỗi cuộc đấu với Thái Lan tại AFF Cup cũng như SEA Games. Cũng chính thế hệ ngày ấy đã luôn phải đối mặt với những hoài nghi không tên cả trong lẫn ngoài sân cỏ sau mỗi trận thua của bóng đá Việt Nam. Đỉnh điểm là nỗi buồn ở Bacolod 2005.
Tuyển Việt Nam hiện tại của HLV Park Hang-seo không chơi tấn công như những bậc đàn anh trong quá khứ. Song tuyển Việt Nam của HLV Park chưa từng đi bộ khi trận đấu trở về cuối.
Ngược lại, ở cả cấp độ đội tuyển lẫn U23, Việt Nam càng đá càng khỏe, càng biết cách dồn ép đối thủ và chưa từng bỏ cuộc.
Chúng ta đã kéo U23 Iraq vào một cuộc đấu điên rồ với 4 bàn thắng trong 30 phút hiệp phụ tại VCK U23 châu Á, đã ghi bàn gỡ hòa trước U23 Qatar cực mạnh vào phút thứ 88, đúng 2 phút sau khi nhận bàn thua. Đội tuyển Việt Nam chỉ chịu thua Nhật Bản tại Asian Cup với 1 bàn từ chấm phạt đền, làm cả Thái Lan câm lặng với bàn thắng đúng phút bù giờ cuối cùng của Anh Đức tại King’s Cup 2019.
U23 Việt Nam đã ghi bàn vào lưới Iraq, Qatar tại VCK U23 châu Á với liên tục những bàn thắng ở các phút cuối trước khi đả bại đối thủ trên chấm luân lưu. Ảnh: AFC. |
Sự quyết liệt với chiến thắng ấy chưa từng xuất hiện ở quá khứ huy hoàng ngày xưa kia. Với HLV Park Hang-seo trên ghế chỉ đạo, tuyển Việt Nam không đá bóng để lấy sự tung hô trong chốc lát nhưng vô nghĩa về lâu dài.
Chúng ta đá, để thắng.
Tư tưởng “chơi như Barca” được thầy Park tẩy sạch khỏi những cầu thủ Việt Nam. Không còn những pha đập nhả vô nghĩa, hay các pha xử lý lắt léo lắt nhắt không tạo ra hiệu quả. Đội tuyển Việt Nam giờ hướng đến sự chắc chắn ở hàng phòng ngự, từ đó làm bàn đạp cho mọi toan tính chiến thắng phía trên.
Sau chiến tích tại VCK U23 châu Á, các lứa đội tuyển Việt Nam của HLV Park trong gần 2 năm qua chỉ để lọt lưới đúng 16 bàn sau 27 trận vắt qua 5 giải đấu là ASIAD 2018, AFF Cup 2018, Asian Cup 2019, Vòng loại U23 châu Á và Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á.
Hàng phòng ngự từ điểm yếu trở thành điểm tựa vững vàng cho thành công của bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo. Ảnh: Minh Chiến. |
Giải đấu chúng ta để thua nhiều nhất là Asian Cup 2019 với 7 bàn. Đối thủ của Việt Nam và thầy Park khi đó là những ai? Iraq, Iran, Jordan, Nhật Bản, đều là những mẫu đối thủ chúng ta có thể nhận cả rổ bàn thua trong quá khứ. Tại ASIAD 2018, Olympic Việt Nam dưới tay thầy Park chỉ nhận bàn thua đầu tiên khi đối mặt với Hàn Quốc của Son Heung-min ở trận bán kết.
Ở cấp khu vực, U22 Việt Nam của thầy Park sạch lưới sau 3 trận tại Vòng loại U23 châu Á hồi tháng 3/2019. Tính đến lúc này của Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, Việt Nam mới để lọt lưới đúng 1 bàn, chỉ kém Nhật Bản, Hàn Quốc và trội hơn 34 đội châu Á khác.
Sự chắc chắn, vững vàng để hướng đến chiến thắng ấy, thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam trong quá khứ chưa từng làm được. Thế hệ của Văn Quyến, Công Vinh cũng không thể.
HLV Park Hang-seo đã làm gì?
Giữa tấn công và phòng ngự, điều gì khó hơn? Đó là câu hỏi không dễ để trả lời. Phòng ngự về lý thuyết luôn bị động hơn tấn công. Bởi muốn tấn công, cầu thủ phải luôn có bóng. Còn cầu thủ phòng ngự luôn phải chạy theo đối thủ, theo đúng nghĩa đen.
Những gì ông Park làm được không đơn giản. Về kỹ thuật, ông Park gạt bỏ hệ thống phòng ngự 4 hậu vệ nhiều lỗ hổng để đưa Việt Nam chơi với sơ đồ 3-4-3, hay khi phòng ngự trở thành 5-4-1.
Đây là sơ đồ yêu cầu kỹ năng phòng thủ theo khu vực của các cầu thủ phải trở nên đặc biệt nhuần nhuyễn. 3 trung vệ có những nhiệm vụ chuyên biệt, hai cầu thủ chạy cánh cũng đảm nhiệm vai trò toàn diện cả trong tấn công lẫn phòng ngự.
Đội tuyển Việt Nam mới chỉ để lọt lưới đúng 1 bàn tại Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Ảnh: Minh Chiến. |
Dẫu vậy, khi được áp dụng thành công, sơ đồ phòng ngự 5 hậu vệ này trở nên cực khó bị đánh bại. Chưa một đội tuyển Việt Nam nào trong lịch sử tạo ra sự yên tâm hơn đội bóng hiện tại của thầy Park. Những CĐV nhắm mắt cũng chỉ ra được 5 cầu thủ đá chính, song để đối thủ tìm ra cách khoan phá là chuyện quá khó khăn.
Sơ đồ này vừa bịt kín được những khoảng trống, vừa đảm bảo sự an toàn trong việc triển khai tấn công. 5 cầu thủ đá ở tuyến dưới giúp chúng ta có nhiều phương án triển khai bóng, phối hợp đập nhả từ phần sân nhà, thay vì phất bóng dài từ thủ môn và mặc kệ tiền đạo tranh chấp bóng như quá khứ.
Song chiến thuật là tĩnh, con người mới là động. Sự gắn kết của tập thể mới là yếu tố quan trọng nhất khiến Việt Nam vươn mình dưới tay HLV Park.
Vẫn trong bài phỏng vấn với Fourfourtwo, ông Park thừa nhận như sau: “Cầu thủ Việt Nam không hề biết rằng mình chất lượng như thế nào, họ không biết tiềm năng của họ rất tốt cả trong so sánh với Thái Lan, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Điều đó khiến họ mất tự tin”.
“Điều tôi phải làm là giúp họ kiểm soát được trạng thái tinh thần. Họ phải tìm thấy sự tự tin ở chính mình. Sau đấy, tôi nhận ra cầu thủ Việt Nam giống như những miếng bọt biển. Họ tiếp thu kiến thức mới rất nhanh, họ luôn sẵn sàng học hỏi những điều mới lạ. Khi họ không biết một điều gì đó và được tôi giảng giải, họ luôn nói rằng ‘Ồ, thì ra là thế’", ông Park nói.
Dưới thời HLV Park, Quế Ngọc Hải hay nhiều cầu thủ phòng ngự khác của Việt Nam đã chơi lột xác. Ảnh: Minh Chiến. |
Ông Park thật sự đã nói và làm gì với các cầu thủ Việt Nam để tạo ra một tập thể gắn kết như lúc này là điều không phải ai cũng biết. Song chính những yếu tố trừu tượng như “sự tin tưởng” đã tạo ra một đội tuyển Việt Nam mạnh mẽ như lúc này.
Chiến thuật dù ưu việt mấy nhưng nếu không có sự đồng lòng cũng cầm chắc thất bại. Chính sự tin tưởng lẫn nhau và tin tưởng thầy Park từ các cầu thủ Việt Nam đã biến hệ thống phòng ngự nói riêng và cả đội tuyển nói chung trở nên quá khó bị đánh bại.
Quế Ngọc Hải từ một trung vệ phòng ngự thô bạo trở thành thủ lĩnh ở chính giữa hàng phòng ngự 3 người với sự bình tĩnh, điềm đạm cùng khả năng chỉ huy hàng phòng ngự. Đỗ Duy Mạnh từ một tiền vệ phòng ngự trở thành trung vệ lệch phải lăn xả đầy chắc chắn. Bùi Tiến Dũng chơi lệch trái thầm lặng nhưng luôn tròn vai phòng ngự.
Trọng Hoàng tưởng chừng như lui vào dĩ vãng đã trở thành hậu vệ phải số một Việt Nam, còn Văn Hậu từ hệ thống của thầy Park đã vươn mình tới Hà Lan.
HLV Park Hang-seo đã nâng tầm bóng đá Việt Nam với những thay đổi ở hàng phòng ngự. Ảnh: Minh Chiến. |
Trong phòng họp báo chuẩn bị cho cuộc đấu với Thái Lan, HLV Park phát biểu khiêm tốn về tầm ảnh hưởng của mình tới bóng đá Việt Nam. Ông nói bóng đá Việt Nam “có tiềm lực” và thừa nhận mình “chỉ là người tận dụng tốt nhất những nguồn lực từ xưa tới nay để phát triển”.
“Tôi không nghĩ sự xuất hiện của mình là người giúp bóng đá Việt Nam phát triển vượt bậc. Tất cả là nhờ các CLB, các HLV trước đây”, ông nói.
Ông Park quả thật là một người khiêm tốn. Bóng đá như Johan Cruyff nói là môn thể thao mà chỉ 1 quyết định sai ở tầm quản lý có thể khiến đội bóng lao đao, mất phương hướng và gánh chịu hậu quả trong một thời gian rất dài.
Thật may mắn, bóng đá Việt Nam đã chọn được thầy Park.
ĐT Việt Nam có lợi thế trước cuộc đấu quyết định với Thái Lan tại Mỹ Đình. Đồ họa: Minh Phúc. |