Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao phim truyền hình Singapore xuống dốc?

Singapore từng đi đầu trong việc sản xuất phim ảnh của châu Á. Tuy nhiên, hơn một thập kỷ qua, các tác phẩm không còn gây ấn tượng như trước.

Từ những năm 1985 đến 1998, ngành công nghiệp truyền hình Singapore cho ra đời không ít tác phẩm chất lượng với thể loại đa dạng. Khán giả đã có dịp biết đến các tựa phim xuất sắc như Yểu điệu thục nữ, Đông du ký, Thần điêu đại hiệp, Nhất lợi phong trần, Phù trầm, Tuyệt đại song hùng...

Lúc bấy giờ, Phạm Văn Phương, Trịnh Huệ Ngọc, Quách Phi Lệ, Trịnh Tú Trân, Lý Nam Tinh... đều là những tên tuổi phủ sóng trên màn ảnh nhỏ Đại lục. Danh tiếng của họ không kém cạnh so với các ngôi sao Hong Kong và Đài Loan.

Phim truyen hinh Singapore anh 1

Singapore từng có những tác phẩm truyền hình xuất sắc, nội dung đa dạng, diễn xuất ấn tượng.

Tuy nhiên, bước sang thập niên 2000, phim truyền hình Singapore vang bóng một thời dần lụi tàn theo dòng chảy thời gian. Sau Chuyện tình cô bé Lọ Lem vào năm 2008, qua khỏi thời kỳ hoàng kim, các tác phẩm dần đánh mất bản sắc.

Sản phẩm của đảo quốc sư tử không còn chiếm được ưu thế mạnh trên thị trường và dần bị công chúng bỏ quên.

Từng một thời vang danh

Theo Zaobao, phim truyền hình bắt đầu được sản xuất ở Singapore từ năm 1960, trước TVB (Hong Kong) gần một thập kỷ. Từ thời kỳ phim trắng đen đến phim màu, Tổng cục Phát thanh và Truyền hình đã chú trọng đến việc sản xuất dự án phim dài tập.

Năm 1980, mảng truyền hình Singapore phát triển mạnh mẽ khi quyết định sản xuất các tác phẩm nói tiếng Trung Quốc phổ thông, giao thoa văn hóa hai nước. Lãnh đạo đài truyền hình mời nhiều nhà sản xuất Hong Kong, Đài Loan - những người nắm rõ thị hiếu của khán giả bản địa - sang làm việc nhằm cho ra đời các phim chất lượng.

Seletar Robbery là tác phẩm đầu tiên mang tới sức sống cho dòng phim lồng tiếng Trung Quốc. Bộ phim hành động dài 90 phút lên sóng năm 1982, nhận được sự yêu thích của công chúng.

Phim truyen hinh Singapore anh 2
Thần điêu đại hiệp do Phạm Văn Phương và Lý Minh Thuận đóng chính là một trong những bộ phim truyền hình kinh điển của Singapore.

Từ thành công vang dội của Seletar Robbery, trào lưu phim kết hợp văn hóa Singapore - Trung Quốc nở rộ ở những năm tiếp theo. Hiệu ứng lan tỏa của Lữ khách ở Sentosa hay Gió đêm đã chứng minh sức hút mạnh mẽ của dòng phim này trong thập niên 80. Đài truyền hình Singapore cũng bắt đầu mở lớp đào tạo diễn viên đầu tiên để tìm kiếm các gương mặt tài năng.

Theo Sohu, bước ngoặt lớn đến với phim truyền hình Singapore là vào năm 1983. Giám chế hàng đầu Hong Kong - Lương Lập Nhân bất mãn trước việc bị nhà sản xuất Tiêu Nhược Nguyên chèn ép, đã bỏ sang đảo quốc sư tử phát triển sự nghiệp.

Sau khi nhậm chức tại đài, Lương Lập Nhân dùng quyền lực, tiền bạc và mối quan hệ rộng lớn trong giới sản xuất “siêu phẩm” The Awakening. Vào thời điểm đó, vì bối cảnh của bộ phim trải dài và có liên quan đến lịch sử, giám chế họ Lương đã đề xuất xây dựng phim trường phục vụ cho việc quay phim.

Năm 1984, The Awakening phát sóng tại Trung Quốc và nhận được sự chú ý của đông đảo người xem. Các đài truyền hình đất nước tỷ dân sau đó mua bản quyền hơn 60 bộ phim của Singapore để phục vụ thị hiếu khán giả trong nước.

“Phim truyền hình Singapore ra đời trong giai đoạn cực thịnh, có sức ảnh hưởng và được yêu thích không thua kém phim truyền hình Hàn Quốc ngày nay", QQ cho biết.

Ở thời kỳ hoàng kim, hàng năm Singapore đều đặn có ít nhất một tác phẩm gây tiếng vang lớn như Đông du ký, Bắc Trường Thành kỳ hiệp, Liên hoa tranh đấu, Thần điêu đại hiệp.

Sáp nhập hai đài, thiếu hụt ngân sách

Ước chừng một thập kỷ gần đây, phim truyền hình Singapore dần vắng bóng ở thị trường quốc tế. Bước ngoặt dẫn tới sự suy thoái của ngành công nghiệp phim ảnh là vào những năm 2000.

Chính phủ Singapore ban hành chính sách hợp nhất hoạt động cho ngành phát thanh truyền hình và báo chí vì muốn tạo ra thế cân bằng, đôi bên cùng có lợi. Kết quả là hai đài truyền hình hàng đầu đấu đá nội bộ.

Cuộc chiến truyền thông kéo dài hơn 2 năm khiến ngành truyền hình Singapore lao dốc. Để cứu vãn cơ đồ, ông Lý Quang Diệu tuyên bố sáp nhập hai đài thành một: “Singapore quá nhỏ để có nhiều hơn một đài truyền hình”.

Phim truyen hinh Singapore anh 3

Phim truyền hình Singapore đi xuống vì mâu thuẫn của hai nhà đài.

Thực tế, bước vào thời đại mới, với việc để Đài truyền hình Singapore độc tôn trên thị trường một thời gian dài, không có đối thủ cạnh tranh khiến chất lượng phim giảm, trở nên lạc hậu và không theo kịp thị hiếu của khán giả.

Theo Zaobao, những năm 1980, người làm trong ngành phim ảnh ở đảo quốc sư tử đã hình thành lối tư duy lười sáng tạo, đổi mới. Các tác phẩm thời bấy giờ được ví như bản sao của phim truyền hình Hong Kong.

Phó chủ tịch của Đài truyền hình Singapore - Đặng Nhuận Lương cũng phải thẳng thắn thừa nhận, ngoài thị trường Trung Quốc Đại lục, phim do Singapore sản xuất không bán được cho bất kỳ nước nào khác.

Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, sự lên ngôi như vũ bão của phim Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… khiến không gian sống của phim truyền hình Singapore ngày càng thu hẹp.

Vài năm trở lại đây, việc Tổng cục Phát thanh và truyền hình Trung Quốc cấm chiếu phim nước ngoài trong khung giờ vàng (19-22h) ảnh hưởng mạnh đến tần suất phủ sóng của phim truyền hình Singapore.

Vì vậy, ngành phim ảnh của đảo quốc sư tử buộc phải chuyển hướng sang thị trường Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Campuchia.

Không chỉ vậy, sau thế hệ Phạm Văn Phương, Quách Phi Lệ, Phan Linh Linh, Trịnh Tú Trân, Lý Minh Thuận, ngành công nghiệp giải trí Singapore hiện tại không có bất kỳ ngôi sao nào có sức ảnh hưởng đáng kể.

Ngoài hai nguyên nhân trên, sự ra đi của hàng loạt giám chế trụ cột và diễn viên ngôi sao khiến ngành công nghiệp phim ảnh của Singapore lao đao, loay hoay tìm đường giữ chân khán giả. Theo QQ, từ giữa những năm 1990, nhân tài đã bắt đầu cạn kiệt. Vì mức lương quá bèo bọt, phần lớn họ đều sớm bỏ nghề hoặc chuyển sang Trung Quốc phát triển.

Theo Sina, việc tìm kiếm tài trợ cho phim truyền hình ở Singapore gặp rất nhiều khó khăn, ngân sách quay hình cũng hạn chế. Điều này dẫn đến hiện trạng tiền cát-xê của diễn viên bị thắt chặt, chất lượng phim ngày càng đi xuống.

Chia sẻ với Ifeng, Phó chủ tịch của Đài truyền hình Singapore cho biết chi phí sản xuất một tập phim hiện tại là khoảng 150.000 USD. Trung bình một bộ phim dài từ 20-30 tập sẽ tiêu tốn 3-4,5 triệu USD.

Với số vốn ít ỏi, việc trả thù lao cao cho diễn viên trở thành vấn đề nan giải với nhà sản xuất Singapore. “Cát-xê của những ngôi sao tên tuổi chiếm khoảng 30% tổng vốn đầu tư. Chúng tôi từng mời diễn viên tên tuổi của Hong Kong và Đài Loan sang đóng phim để vực dậy cả ngành phim ảnh nhưng không cứu vãn nổi”, Đặng Nhuận Lương cho biết.

“Người làm trong lĩnh vực phim ảnh hiện nay đối mặt với 4 cái thiếu: thiếu tiền, thiếu tài lực, thiếu sức sáng tạo và cả lòng dũng cảm phi thường, nhất là trong thời điểm đào thải khốc liệt như hiện nay”, ông nói thêm.

Cuộc sống hiện tại của 4 mỹ nhân Singapore

Trịnh Tú Trân, Quách Phi Lệ, Phan Linh Linh, Trần Tú Lệ từng là những tượng đài nhan sắc được yêu mến bậc nhất Singapore.

Di Hy

Bạn có thể quan tâm