Quang Minh Nhật báo có bài đăng chỉ ra "tội lỗi" và phê bình các tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết đam mỹ (đồng tính nam). Bài báo cho rằng việc thể loại này được sản xuất ồ ạt làm lệch lạc thẩm mỹ đại chúng. Các nhà sản xuất cũng bị cáo buộc đặt lợi nhuận thương mại lên trên trách nhiệm định hướng tư tưởng cho khán giả.
Sau khi báo giới Trung Quốc có động thái đánh tiếng, Ủy ban Nghệ thuật Truyền hình của Tổng cục (Quảng Điện) cũng ngay lập tức lên bài với nội dung: "Không thể xem nhẹ tác dụng phụ của dòng phim đam mỹ chuyển thể".
Trong thông báo gửi đến công chúng, phía Tổng cục cho biết sẽ tạm thời không phê duyệt dự án đam mỹ chuyển thể mới và không thông qua xét duyệt, thẩm định những bộ phim đang chờ chiếu.
Chính sách mới của Quảng Điện khiến loạt dự án đối diện với nguy cơ nằm kho vô thời hạn, nhà sản xuất thiệt hại kinh tế hàng triệu USD, theo Sina.
Bùng nổ phim đam mỹ chuyển mỹ
Sau Thượng ẩn năm 2016, Tổng cục Điện ảnh Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm sản xuất hoàn toàn phim có đề tài đồng tính luyến ái. Đến năm 2018, giới làm phim tìm ra công thức khai thác lại "mảnh đất màu mỡ" này, lách cánh cửa hẹp của cơ quan kiểm duyệt.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, phim có kịch bản từ tiểu thuyết đam mỹ trở thành "hàng hot", xu thế mới của các nhà làm phim. Để vượt qua sự kiểm duyệt ngặt nghèo của Tổng cục, nhà sản xuất đã có nhiều thay đổi so với nguyên tác, đặc biệt là biến chuyện tình đồng giới thành tình cảm huynh đệ thuần khiết.
Mở đầu là Trấn hồn - tác phẩm được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên ăn khách. Phim kể về mối nhân duyên giữa hai nhân vật Triệu Vân Lan (Bạch Vũ) và Thẩm Nguỵ (Chu Nhất Long) cùng quá trình lấy bốn thánh khí để tái dựng lại ván cờ giữa nhân gian, quỷ giới, tiên đồ.
Thành công của Trấn hồn giúp các nhà sản xuất Trung Quốc tự tin cho ra lò những dự án phim đam mỹ chuyển thể dưới dạng "núp bóng" tình anh em.
Theo Sina, không chỉ tăng về số lượng, các tác phẩm đam mỹ thế hệ mới còn được đầu tư khủng và quy tụ dàn sao hàng đầu, sở hữu lượng fan hùng hậu. Có thể kể đến Trần tình lệnh, Bên kia tóc mai không phải hải đường hồng, Sơn hà lệnh...
Nhiều bộ phim trong số đó nhanh chóng tạo nên cơn sốt trên khắp châu Á, tạo bàn đạp cho cặp song nam chủ (hai nam chính) có cú trở mình ngoạn mục trên đường sự nghiệp.
Nổi tiếng và thành công nhất trong dòng phim đam mỹ chuyển thể tính đến hiện tại là Trần tình lệnh. Ra mắt vào mùa hè năm 2019, phim xoay quanh cuộc đời của Di Lăng lão tổ Ngụy Vô Tiện - kẻ bị gán danh độc ác, vong ơn phụ nghĩa, bị chính người huynh đệ của mình dẫn quân tiêu diệt và Lam Vong Cơ - vị Hàm Quang Quân được người người kính trọng.
13 năm sau, Ngụy Vô Tiện tái sinh vào thân thể của Mạc Huyền Vũ. Anh gặp lại cố nhân Lam Vong Cơ. Cả hai vào sinh ra tử trên con đường đi tìm sự thật minh oan cho Ngụy Vô Tiện và phát hiện bản thân có tình cảm đặc biệt với đối phương.
Trần tình lệnh sau khi lên sóng đã phá vỡ nhiều kỷ lục trên các trang web video trực tuyến. Theo Báo cáo sản nghiệp webdrama/ phim truyền hình Trung Quốc năm 2020 do Cục xuất bản tin tức Bắc Kinh thống kê, doanh thu xem trước của phim (tài khoản trả phí) đạt 156 triệu NDT.
Tác phẩm xếp vị trí thứ 36 trong bảng xếp hạng những bộ phim hot nhất toàn cầu năm 2019 với hơn 8 tỷ lượt người xem. Đây cũng là bộ phim đầu tiên của Trung Quốc lọt vào danh sách trên.
Ngoài ra, Trần tình lệnh còn giúp tên tuổi của hai nam diễn viên chính là Tiêu Chiến và Vương Nhất Bác được đẩy lên hàng ngũ sao hạng A, trở thành đỉnh cấp lưu lượng (sở hữu lượng fan cực kỳ đông đảo, danh tiếng ngày càng tăng cao, tài nguyên đến tay không ngừng) trong ngành giải trí hiện nay.
Cuối tháng 2 vừa qua, Sơn hà lệnh lên sóng và trở thành bom tấn đình đám của mảng phim truyền hình Hoa ngữ 2021. Thành công của tác phẩm đưa tên tuổi Cung Tuấn và Trương Triết Hạn lên tầm cao mới.
Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết đam mỹ Thiên nhai khách của tác giả Priest. Trên trang Douban, Sơn hà lệnh nhận điểm chất lượng 8,6/10.
Theo Sina, hiện tại, đây là bộ phim có điểm chất lượng cao nhất thuộc nhóm tác phẩm sản xuất từ tiểu thuyết đam mỹ... Tác phẩm đạt 1,27 tỷ lượt xem trên các dịch vụ phát trực tuyến của Trung Quốc và đặc biệt được phụ nữ yêu thích.
Chiến dịch siết chặt dòng phim ăn khách
Trong bài đăng hôm 18/4, Quảng Điện chỉ trích các tác phẩm đam mỹ chuyển thể gay gắt. Đơn vị này chỉ ra 3 "đại tội" khiến thể loại này bị Cục Điện ảnh Trung Quốc "cấm cửa" hoàn toàn.
Vì thế, các dự án nằm trên giấy đợi cấp phép, đã khai máy hay những bộ phim đang chờ phát sóng, đều tạm thời không được kiểm duyệt. Lệnh cấm được ban hành cho cả phim truyền hình và phim chiếu mạng.
"Cục rất mạnh tay trong việc quản lý phim chuyển thể từ tác phẩm đam mỹ. Trên thực tế, các đơn vị quản lý cũng đã '5 lần 7 lượt' nới lỏng lệnh cấm để nhiều dự án vẫn có thể phát sóng. Nhưng điều này lại xuất hiện nhiều hiện tượng tiêu cực", đại diện Cục cho biết.
Trong khảo sát của Nhật báo Quảng Minh với nội dung "Vì sao bạn biết đến văn hóa đam mỹ?", lựa chọn thông qua truyện tranh, phim ảnh và chương trình tạp kỹ đứng ở vị trí đầu tiên.
Theo đó, lỗi thứ nhất là chiều hướng phát triển quy mô lớn của phim đam mỹ chuyển thể không đơn giản chỉ là một vấn đề nóng mà còn liên quan đến vấn đề định hướng giá trị tích cực. Việc bị ám ảnh bởi tình cảm nam - nam, sẽ tạo thành tác động tiêu cực đối với thẩm mỹ và nhân sinh quan của thanh thiếu niên.
Thứ hai, việc tôn thờ thể loại phim đam mỹ chuyển thể sẽ dễ hình thành tâm lý thực dụng, chạy theo trào lưu trong dàn dựng để phục vụ cho nhu cầu thị trường, thay vì sáng tạo nội dung có tính giá trị và định hướng.
Thực tế, hiện tượng làm giả chỉ số truyền thông, diễn xuất phù phiếm, thậm chí vấn đề thù lao trên trời cũng đã như "tro tàn cháy lại" trong ngành. Bằng chứng là sự phát triển mạnh mẽ của phim đam mỹ đã biến thể loại này trở thành công cụ để nhanh chóng tạo nên ngôi sao.
Thứ 3, việc các nhà sản xuất xứ Trung mạnh dạn đầu tư cho những dự án đam mỹ chuyển thể là biểu hiện của ngành nghề sáng tác đi theo hướng công danh lợi lộc và lợi dụng đầu cơ, mâu thuẫn với giá trị cốt lõi của văn nghệ xã hội chủ nghĩa.
Không chỉ vậy, việc giới làm phim ngày càng mạnh tay thêm thắt "gia vị cảm xúc" lộ liễu cho cặp nam chính, còn làm ảnh hưởng xấu đến nhận thức giới của xã hội và tạo nên những thước phim "kém sang, kém sạch" trên màn ảnh.
Theo QQ, cơ quan quản lý văn hóa đã buộc phải có động thái chấn chỉnh ngay lập tức khi xem Sơn hà lệnh. Cũng giống như những "người anh" đi trước, tác phẩm cũng phải sửa đổi từ tình yêu đồng tính nam thành tình cảm huynh đệ thân thiết.
Tuy nhiên, sự thiếu ý nhị trong cách truyền tải, thậm chí có không ít câu thoại và phân đoạn tán tỉnh lộ liễu qua lại giữa cặp nam chính, vẫn khiến khán giả liên tưởng đến mối tình đồng tính.
Chưa kể, phim còn bị đánh giá PR lố trong giai đoạn phát sóng khi lên tục chiếm sóng top tìm kiếm quá nhiều trên mạng xã hội khiến dư luận phải chú ý. Trong khi đó, "đam mỹ" là một đề tài nhạy cảm cần phải cẩn trọng, dè dặt trong khâu quảng bá.
"Lệnh cấm phim đam mỹ có lẽ sẽ bị siết chặt hơn bao giờ hết khi nhiều nhà sản xuất không biết kiêng dè, làm ảnh hưởng xấu đến 'sự cân bằng' của xã hội", Sina nhận xét.
Nhà đầu tư lao đao
"Hiện tại, nhà sản xuất trong nước như ngồi trên đống lửa. Ở giai đoạn hiện nay, dù chưa có chỉ thị quyết liệt từ Tổng cục, nhưng chúng tôi cần phải nghe ngóng và tính toán thiệt hại. Chỉ có thể nín thở chờ đến tháng 7", đại diện giấu tên của một ê-kíp phim đam mỹ chuyển thể chia sẻ.
Theo Sina, trước khi lệnh cấm được ban hành, trên bàn của Tổng cục có hơn 80 dự án đam mỹ chuyển thể đang chờ phê duyệt khởi quay và kiểm duyệt để lên sóng. Đây được cho là một con số không tưởng cho một loại hình văn nghệ mới, đánh dấu cuộc đại chiến phim đam mỹ trên màn ảnh Hoa ngữ trong năm 2021.
Nổi bật hơn cả là Hạo y hành của La Vân Hi và Trần Phi Vũ, Trương Công Án của Tống Uy Long và Tỉnh Bách Nhiên, Vai trái có cậu do Vương An Vũ và Phạm Thừa Thừa đóng chính, ngoài ra còn Sát Phá Lang hay Đoạt mộng.
Tuy nhiên, chính sách mới của Tổng cục đang khiến nhiều nhà sản xuất lao đao. Theo iFeng, nếu như phải dời lịch phát sóng, ê-kíp của các dự án sẽ đứng trước nguy cơ lỗ vốn và đền tiền cho nhà tài trợ khi đã bán quảng cáo.
Sohu cho biết tổng kinh phí đầu tư cho các dự án đam mỹ được rót vốn hiện tại là rất lớn. Theo thông tin từ người trong ngành, Hạo y hành được đầu tư 38 triệu USD/50 tập, Trương Công Án là 23 triệu USD/24 tập, Sát Phá Lang 23 triệu USD/50 tập và Vai trái có cậu là hơn 18 triệu USD/24 tập.
Vì vậy, nếu không thể lên sóng theo đúng kế hoạch, những bộ phim này sẽ khó sống với nhà đầu tư, theo Sohu.
Chưa kể, nếu Tổng cục làm căng, phần tình cảm huynh đệ vốn được chuyển hóa từ tình cảm đồng tính giữa hai nam chính trước đó, cũng phải sửa đổi thành tình cảm nam nữ để phù hợp với yêu cầu. Khi đó, nhà sản xuất sẽ phải đối mặt với nguy cơ cắt ghép hoặc quay lại lại toàn bộ phim do phải thêm thắt nữ chính.
Không chỉ gặp rắc rối với lệnh cấm của Tổng cục, nhà sản xuất cũng sẽ vấp phải nhiều phản đối của khán giả. Việc thay đổi nội dung, thêm đất diễn cho nữ chính sẽ khiến tác phẩm bị fan nguyên tác quay lưng.
Thế nhưng, nếu không thay đổi nội dung, phim sẽ phải chịu cảnh hoãn phát sóng. Với những dự án được đầu tư khủng, "đắp chiếu" vô thời hạn sẽ khiến nhà sản xuất chịu tổn thất không nhỏ, vì vậy đơn vị chế tác chỉ có thể chọn một trong hai phương án. Tuy nhiên, con đường nào cũng khiến họ thiệt hại kinh tế nặng nề, theo Sina.
Cung Tuấn và Trương Triết Hạn được săn đón sau ‘Sơn hà lệnh’
“Sơn hà lệnh” hiện là bộ phim truyền hình thu hút sự chú ý của khán giả Trung Quốc. Phim có hai nam diễn viên trẻ tuổi Cung Tuấn và Trương Triết Hạn đóng chính.
Tài tử Ôn Triệu Luân quảng bá mặt hàng dành cho phụ nữ
Ôn Triệu Luân từng là nam thần của màn ảnh Hong Kong. Song, ngôi sao mang tiếng hết thời khi nay quảng cáo các sản phẩm dành cho phái đẹp để kiếm sống.
Hoa hậu Trương Manh coi thường nhân viên
Nữ nghệ sĩ hứng chịu không ít chỉ trích vì hành động coi thường và hạch sách nhân viên dưới trướng.