Giữa tuần này, Thủ tướng Italy Mario Draghi hôm 10/5 cho biết ông đã thảo luận với Tổng thống Joe Biden về việc thiết lập nhóm những nhà mua dầu để thuyết phục Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng, cũng như áp đặt giới hạn với giá dầu khí.
Chia sẻ với báo giới, Thủ tướng Draghi cho biết ông và Tổng thống Biden chia sẻ “sự không hài lòng” với cấu trúc thị trường năng lượng toàn cầu và thảo luận “khái niệm chung” về giới hạn giá dầu, khí đốt.
Tuy nhiên, OPEC vẫn từ chối yêu cầu của Mỹ và các đồng minh về việc tăng sản lượng dầu để bù đắp lệnh cấm vận của họ đối với Nga.
Trước đó, các nhà xuất khẩu dầu lớn của thế giới họp vào ngày 5/5 trong bối cảnh nhiều quốc gia kêu gọi giảm giá dầu. Tuy nhiên, nhiều thành viên trong OPEC và các đối tác, trong đó có Nga, vẫn chưa vội để giúp hạ giá dầu, theo BBC.
Một bể chứa dầu tại nhà máy Kaleikino, nằm ở Almetyevsk, Nga. Ảnh: Reuters. |
OPEC+ là gì?
OPEC+ là một nhóm gồm 23 quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, họp hàng tháng tại Vienna (Áo) để quyết định lượng dầu thô sẽ đưa ra thị trường thế giới.
Cốt lõi của tổ chức này là 13 thành viên của OPEC, chủ yếu là các nước Trung Đông và châu Phi. Nó được thành lập vào năm 1960 với mục đích ấn định giá và nguồn cung dầu trên toàn thế giới.
Ngày nay, các quốc gia OPEC sản xuất khoảng 30% lượng dầu thô của thế giới, với khoảng 28 triệu thùng mỗi ngày. Nhà sản xuất dầu lớn nhất trong OPEC là Saudi Arabia, với hơn 10 triệu thùng/ngày.
Năm 2016, khi giá dầu hạ xuống mức rất thấp, OPEC đã liên kết với 10 nhà sản xuất dầu ngoài khối để tạo nên OPEC+, trong đó có Nga - quốc gia sản xuất hơn 10 triệu thùng dầu/ngày. Như vậy, OPEC+ sản xuất khoảng 40% tổng lượng dầu thô của thế giới.
“OPEC+ điều chỉnh cung và cầu để cân bằng thị trường. Họ giữ giá cao bằng cách giảm nguồn cung khi nhu cầu về dầu giảm”, Kate Dourian, chuyên gia tại Viện Năng lượng Anh, cho biết.
OPEC+ cũng có thể hạ giá bằng cách tăng nguồn cung dầu trên thị trường, một động thái mà các nhà nhập khẩu dầu lớn như Mỹ và Anh mong muốn.
Tại sao giá dầu thế giới cao như vậy?
Vào đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 lan rộng khắp thế giới và các quốc gia áp đặt nhiều đợt phong tỏa, giá dầu thô giảm vì thiếu người mua. Bà Dourian cho biết khi đó, các nhà sản xuất phải trả tiền cho người mua vì họ không còn đủ chỗ để dự trữ hết lượng dầu của mình.
Sau đó, các thành viên OPEC+ đồng ý giảm 10 triệu thùng/ngày để đẩy giá tăng trở lại.
Vào tháng 6/2021, khi nhu cầu dầu thô bắt đầu phục hồi, OPEC+ tăng dần nguồn cung. Tuy nhiên, nhóm này đang cung cấp ít hơn so với thời điểm mùa xuân năm 2020 khoảng 2,5 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, giá dầu thô đã tăng vọt lên hơn 100 USD/thùng. Điều này đã khiến giá xăng dầu tại các trạm xăng tăng lên đáng kể.
“Khi OPEC+ cắt nguồn cung 10 triệu thùng/ngày vào tháng 5/2020, họ đã cắt quá sâu. Giờ đây, họ đang tăng nguồn cung với tốc độ chậm mà không tính đến ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine”, David Fyfe, nhà kinh tế tại Argus Media - công ty chuyên cung cấp những thông tin liên quan đến giá dầu thô và giá hàng hóa, nhận định.
Ông Fyfe cho biết những người mua dầu lo sợ rằng EU sẽ áp đặt lệnh cấm vận đối với nhập khẩu dầu từ Nga. Châu Âu hiện nhập khẩu hơn 2,5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày từ Nga.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 4/5 cũng đã đưa đề xuất về gói trừng phạt thứ 6 của EU nhằm vào Nga, bao gồm việc loại bỏ dầu nhập khẩu từ Moscow. Cụ thể, EU dự kiến ngừng hoàn toàn việc nhập dầu thô trong 6 tháng, và các sản phẩm hóa dầu vào cuối năm 2022.
“Mối đe dọa về lệnh cấm vận đối với dầu của Nga đã khiến thị trường lo lắng, bởi nó có thể khiến nguồn cung bị thắt chặt nghiêm trọng”, ông Fyfe nói.
Tại sao OPEC+ không tăng sản lượng dầu?
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần kêu gọi Saudi Arabia tăng sản lượng dầu nhưng đều vô ích. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng yêu cầu Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tăng sản lượng, nhưng ông cũng bị từ chối.
Về vấn đề này, bà Kate Dourian nhận định Saudi Arabia and UAE có thể tăng sản lượng, tuy nhiên họ lại “không muốn bị phương Tây sai khiến”.
"Họ nói rằng khoảng cách giữa cung và cầu đang thu hẹp, và giá cao ngày nay chỉ phản ánh sự hoảng loạn của một bộ phận người mua dầu”, bà cho biết.
Các quốc gia sản xuất dầu lớn trong OPEC+. Đồ họa: BBC. |
Các quốc gia OPEC+ khác lại đang gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng dầu của họ.
Theo ông Fyfe, các nhà sản xuất như Nigeria và Angola đã gặp khó trong việc đáp ứng đủ mức tăn sản lượng. “Đầu tư đã giảm trong đại dịch. Trong một số trường hợp, các cơ sở sản xuất dầu không được bảo dưỡng tốt”, ông cho biết.
Bên cạnh đó, OPEC+ cũng phải tôn trọng mong muốn của Nga, vì nước này là một trong hai đối tác lớn nhất trong liên minh.
“Nga hài lòng với giá cả ở mức này. Họ chẳng được lợi gì khi chứng kiến chúng đi xuống”, Carole Nakhle, Giám đốc điều hành của Crystol Energy, một công ty nghiên cứu và tư vấn có trụ sở tại London (Anh) cho biết.
“OPEC muốn giữ mối quan hệ tốt đẹp với Nga, vì vậy nhiều khả năng họ sẽ tiếp tục với thỏa thuận mà họ đã đưa ra vào năm ngoái. Điều đó đồng nghĩa với việc tăng dần nguồn cung dầu thô từ nay đến tháng 9”, ông Nakhle cho biết.