Ngày 4/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen công bố dự thảo gói trừng phạt thứ sáu mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lên Nga kể từ sau khi Moscow phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine hôm 24/2.
Điểm đáng chú ý nhất của gói trừng phạt là kế hoạch cấm hoàn toàn việc nhập khẩu dầu từ Nga, động thái mạnh mẽ nhất từng được Brussels đề xuất.
“Động thái này sẽ cấm hoàn toàn việc nhập khẩu dầu của Nga, dù là vận chuyển bằng tàu biển hay đường ống dẫn, dù là dầu thô hay dầu đã được tinh chế”, bà Von der Leyen tuyên bố, theo Guardian.
Kế hoạch tham vọng
Theo đề xuất của EC, việc nhập khẩu dầu thô của Nga sẽ bị cấm ngay trong 6 tháng tới. Trong khi đó, thời hạn cho các sản phẩm lọc dầu là cuối năm 2022. Một số nhà ngoại giao tiết lộ với Reuters rằng Hungary và Slovakia có thể được kéo dài thời hạn tới cuối năm 2023, khi hai quốc gia này phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga.
“Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng việc loại bỏ dầu từ Nga được thực hiện một cách có trật tự, cho phép chúng tôi và các đối tác đảm bảo các tuyến đường cung ứng thay thế và giảm đến mức tối thiểu tác động lên thị trường thế giới”, chủ tịch EC khẳng định.
“Điều này sẽ không dễ dàng, vì một số nước thành viên phụ thuộc nặng nề vào dầu của Nga, nhưng đơn giản là chúng tôi buộc phải làm vậy”, bà Von der Leyen nói.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhận định việc cấm nhập khẩu dầu từ Nga là điều châu Âu buộc phải làm. Ảnh: Reuters. |
Ngoài ra, EU sẽ áp đặt thêm trừng phạt lên một số sĩ quan cấp cao của quân đội Nga nghi có liên quan đến vụ việc tại Bucha, cấm ba đài truyền hình Nga phát sóng trên lãnh thổ EU, cũng như loại bỏ ngân hàng SberBank khỏi hệ thống thanh toán SWIFT.
Ở chiều ngược lại, cũng trong ngày 4/5, Moscow đưa ra biện pháp trả đũa đối với Nhật Bản - một trong các quốc gia châu Á tham gia cấm vận Nga.
Theo NHK, 63 công dân Nhật Bản đã bị cấm nhập cảnh vào Nga, bao gồm Thủ tướng Kishida Fumio, Ngoại trưởng Hayashi Yoshimasa, cũng như một số quan chức, nghị sĩ, nhà báo và nhà nghiên cứu khác.
Trước đó, hôm 3/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã ký một sắc lệnh về việc đưa ra các biện pháp trừng phạt trả đũa đối với “hành động không thân thiện" của một số quốc gia và tổ chức quốc tế.
Theo sắc lệnh, một số hàng hóa và nguyên vật liệu thô của Nga có thể bị cấm xuất khẩu tới các cá nhân và công ty trong danh sách trừng phạt. Chính phủ Nga sẽ có 10 ngày để hoàn thiện danh sách này, cũng như đưa ra các “điều kiện bổ sung” đối với các loại giao dịch có thể bị hạn chế.
“Đây là một sắc lệnh khung”, bà Tatiana Stanovaya, học giả tại Trung tâm Carnegie Moscow, nhận định với Reuters. “Giờ đây, tất cả danh sách cụ thể sẽ được chính phủ đưa ra. Đây là điểm chính và chúng ta sẽ phải chờ xem”.
Chiến sự chưa hết nóng
Trong khi đó, quân đội Belarus bất ngờ tuyên bố tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn vào ngày 4/5 để “kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu”, theo Bộ Quốc phòng nước này.
Phản ứng trước thông tin này, phát ngôn viên lực lượng biên phòng Ukraine Andriy Demchenko tuyên bố “không loại trừ khả năng” Nga sẽ sử dụng lãnh thổ hoặc lực lượng vũ trang Belarus để chống lại Ukraine. Đó là một lo ngại Ukraine thường xuyên nhắc đến kể từ ngày đầu chiến sự.
Một nhà kho chứa dầu ở ngoại ô thành phố Donetsk bốc cháy sau khi bị tấn công. Ảnh: Reuters. |
Dù vậy, ông Demchenko khẳng định biên giới giữa Ukraine và Belarus đã được củng cố kể từ khi chiến sự bắt đầu hôm 24/2.
Chiến sự tại vùng Donbas vẫn diễn biến căng thẳng. Cơ quan tình báo quân sự Anh ngày 4/5 tuyên bố Nga đã điều 22 nhóm tác chiến chiến thuật cấp tiểu đoàn (BTG) tới khu vực gần thành phố Izium, tỉnh Kharkiv nhằm “tiến thêm theo trục phía bắc Donbas”.
Theo London, lực lượng Nga có khả năng vượt qua Izium để tấn công các thành phố Kramatorsk và Severodonetsk.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố lực lượng Ukraine cố thủ trong nhà máy thép Azovstal tại Mariupol đã bị “phong tỏa một cách chắc chắn”.
“Theo các chỉ thị của tổng tư lệnh tối cao, ‘tàn quân’ tại khu vực công nghiệp của nhà máy Azovstal đã bị phong tỏa một cách chắc chắn bên trong phạm vi khu vực”, ông Shoigu nói, theo RIA Novosti.
Ngoài ra, ông Shoigu cũng đe dọa mọi phương tiện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chở vũ khí và khí tài gửi tới lực lượng vũ trang Ukraine sẽ là “mục tiêu chính đáng”, theo Sputnik.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã vô hiệu hóa 6 ga tàu được Ukraine sử dụng để chuyển vũ khí phương Tây tới các lực lượng trên tiền tuyến, Reuters đưa tin.