Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vì sao ông Vương Nghị 'Chiến lang' với Mỹ sau khi chìa cành oliu?

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vừa chỉ trích Mỹ "khiêu khích liều lĩnh" và cảnh báo quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington có thể "rơi vào vực thẳm đối đầu".

Vuong Nghi Chien lang My anh 1

Tuần trước, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhắc đến ý tưởng thăm Trung Quốc cuối năm nay, nhiều người bất ngờ vì thông điệp này đến chỉ vài giờ trước khi cuộc đối đầu ngoại giao mới nổ ra giữa Washington và Bắc Kinh về việc đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston.

Theo nguồn tin từ chính phủ Trung Quốc, các nhà ngoại giao hàng đầu nước này không hề chuẩn bị cũng như không nhận thức được về đề nghị có phần bất ngờ của ông Esper.

Thay đổi giọng điệu

Người đứng đầu Lầu Năm Góc đưa ra lời đề nghị trong bài phát biểu cứng rắn hôm 28/7, chỉ trích Trung Quốc "vi phạm luật pháp một cách có hệ thống" và "hành động hiếu chiến", cụ thể là ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ nói đơn giản rằng đã "ghi nhận" đề xuất của ông Esper để "kiểm soát khủng hoảng", nhấn mạnh sự thận trọng của Bắc Kinh giữa thách thức khó khăn mà hai nước đối mặt kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979.

Vuong Nghi Chien lang My anh 2

Nhân viên của Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston dọn đồ ra khỏi khuôn viên cơ sở này sau yêu cầu đóng cửa của Washington. Ảnh: AFP.

Động thái của ông Esper đưa ra khi Bắc Kinh đang hồi hộp chờ đợi một phản hồi tích cực với đề nghị hồi đầu tháng của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị về việc khởi động lại quan hệ song phương, bằng cách mở lại "tất cả các kênh đối thoại".

Tuy nhiên, đề xuất mang tính hòa giải của ông Vương, điều khá hiếm trong những tháng gần đây, đã gặp phải một chính quyền ngày càng thiếu kiên nhẫn dưới thời Tổng thống Donald Trump, người có vẻ muốn thể hiện sự cứng rắn với Trung Quốc để tiếp thêm sức mạnh cho cuộc đua ở lại Nhà Trắng.

Trong những tuần dẫn tới vụ đóng cửa lãnh sự quán của hai bên, Washington đã gây áp lực đáng kể lên Bắc Kinh, với hoạt động quân sự ở Biển Đông cũng như trừng phạt quan chức Trung Quốc về các vấn đề Hong Kong và Tân Cương, cũng như xích gần hơn nữa với Đài Loan.

Trước động thái của Mỹ, các nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc, bao gồm cả ông Vương, bắt đầu chỉ trích đích danh Mỹ, từ bỏ sự mơ hồ thường thấy trong giọng điệu của Bắc Kinh khi bình luận về quan hệ song phương quan trọng nhất với Washington.

Việc Bắc Kinh chỉ trích Washington là không có gì lạ, nhưng các quan chức Trung Quốc phần lớn kiềm chế việc chỉ đích danh các nhà lãnh đạo Mỹ, ngay cả ở đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại kéo dài với ông Trump.

Tuy nhiên, kể từ 13/7, khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên án các yêu sách bành trướng của Trung Quốc trong tranh chấp hàng hải, gọi chúng là "hoàn toàn trái pháp luật" - động thái được coi là bước ngoặt của Washington trong chính sách Biển Đông - ông Vương đã trực tiếp công kích Mỹ ít nhất 5 lần.

Vuong Nghi Chien lang My anh 3

Ông Vương Nghị liên tiếp có những chỉ trích cứng rắn Mỹ thời gian gần đây. Ảnh: AP.

Chỉ trích thẳng thừng

Trong các cuộc gặp song phương với người đồng cấp các nước trong khu vực, ông Vương liên tục chỉ trích "các lực lượng chống Trung Quốc" ở Mỹ.

Các thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc như Lạc Ngọc Thành, La Chiếu Huy hay Trịnh Trạch Quang cũng có những phát biểu tương tự như ông Vương Nghị, ở thế đối đầu trực tiếp với Mỹ và thẳng thắn đổ lỗi cho chính quyền Trump trong các cuộc gặp song phương và đa phương với các nước châu Á và Liên minh châu Âu.

"Tôi cho rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc, hay toàn bộ chính phủ Trung Quốc, cảm thấy rằng họ không thể không đáp trả sự tấn công của Mỹ. Họ không muốn cho thấy sự yếu đuối", bà Sun nhận định.

Ngoại trưởng Trung Quốc đặc biệt không hài lòng với những lời chỉ trích nước này của ông Pompeo - tuyên bố rằng 50 năm quan hệ kinh tế và chính trị với Bắc Kinh đã đem tới những kết quả thất bại, và mô tả cách tiếp cận mới với Trung Quốc là "không tin và phải xác thực".

Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov hôm 18/7, ông Vương nói Mỹ đã trở về với "tâm lý Chiến tranh Lạnh lỗi thời".

Các nhà quan sát cho biết thông điệp này của ông Vương Nghị dường như cũng muốn để nhắn cho các quốc gia khác rằng họ sẽ không thể đứng ngoài trong đối đầu Mỹ - Trung.

Vuong Nghi Chien lang My anh 4

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có bài phát biểu tại Thư viện Nixon mà rất có thể sau này sẽ được cho vào sách giáo khoa như thời điểm bước ngoặt trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Ảnh: Getty.

Trung Quốc bỏ lỡ cơ hội?

"Giọng điệu 'tâm lý Chiến tranh Lạnh' và mục đích chia rẽ châu Âu khỏi Mỹ thực sự không phải là điều gì mới. Theo hiểu biết của tôi, nó có 2 mục đích: chống lại những lời chỉ trích (cho rằng đó là suy nghĩ không có căn cứ và lỗi thời) và tiếp cận với châu Âu (và những nơi khác) như đối tác tiềm năng", ông Tim Ruhlig, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Thụy Điển, nhận định.

Các nhà phân tích cho rằng, trong khi việc công khai lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc có thể phản tác dụng với mục tiêu tìm kiếm một khối tư tưởng theo kiểu Chiến tranh Lạnh chống lại Bắc Kinh, cách tiếp cận theo kiểu "ngoại giao Chiến lang" của Bắc Kinh cũng gây nhiều tranh cãi.

Ông Steve Tsang, Giám đốc Viện SOAS Trung Quốc tại Đại học London, cho rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình mang hơi hướm của chủ nghĩa dân tộc, với quyền lực của đảng được tăng cường hơn nữa và việc tranh luận chính sách nội bộ phần lớn không diễn ra.

"Với việc ông Tập khuyến khích các nhà ngoại giao Trung Quốc không ngần ngại 'tháo vỏ kiếm', ông ấy đã tạo ra động lực để họ không thực hành kiểu ngoại giao truyền thống mà chấp nhận 'ngoại giao Chiến lang'. Giờ đây chính sách đối ngoại là bất cứ điều gì mà ông Tập nghĩ", ông Tsang nhận xét.

Ông Zhu Ziqun, giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Bucknell, Pennsylvania, cho rằng thật không may khi giờ đây cả Mỹ và Trung Quốc đều áp dụng phong cách ngoại giao Chiến lang, với các quan chức cấp cao và nhà ngoại giao sử dụng ngôn ngữ phi ngoại giao để đổ lỗi cho bên kia về tất cả các vấn đề song phương.

Cũng theo ông Zhu, mặc dù hầu hết các đồng minh của Mỹ chia sẻ với chính sách của Washington về vấn đề Hong Kong, Tân Cương, Biển Đông và an ninh mạng, nhưng họ không nhất thiết ủng hộ cách tiếp cận đối đầu của Mỹ với Trung Quốc.

Trong khi đó ông Ruhlig cho rằng Trung Quốc đã bỏ lỡ cơ hội để kéo châu Âu và các nước lại gần hơn khi ông Trump - người thường tỏ vẻ hoài nghi về các mối quan hệ đồng minh truyền thống - còn đang ở Nhà Trắng, đặc biệt là khi cả thế giới đang phải đương đầu với Covid-19.

"Vấn đề chính ở đây là Trung Quốc chưa thể hiện là một đối tác đáng tin cậy hơn. Khi Mỹ gây áp lực lên châu Âu, Trung Quốc thường áp dụng chiến thuật tương tự", ông Ruhlig nhận định.

Vuong Nghi Chien lang My anh 5

Hai tàu sân bay Mỹ cùng lúc xuất hiện ở Biển Đông trong tháng 7. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Mặc dù hầu hết chuyên gia tỏ ý nghi ngờ về việc Mỹ có thể sớm xây dựng một liên minh chống Trung Quốc, họ cũng cảnh báo rằng chiến lược ngoại giao Chiến lang của Bắc Kinh có thể đẩy các nước khác ra xa hơn, dẫn đến sự bất bình ngày càng tăng với Trung Quốc.

"Nếu Bắc Kinh vẫn kiên trì với cách tiếp cận của mình, việc thành lập một liên minh để đối phó với thách thức từ Trung Quốc sẽ trở nên có khả năng hơn nhiều", ông Tsang nhận định.

Vì sao hạt giống bí ẩn từ Trung Quốc gây ngờ vực ở Mỹ?

Người dân tại 50 tiểu bang của Mỹ đã nhận được các gói hạt giống đáng ngờ này. Họ được cảnh báo không gieo trồng hạt giống, thậm chí không vứt vào thùng rác.

Mỹ có thể buộc Trung Quốc giảm nhân viên ngoại giao để ngăn gián điệp

Chính quyền Trump chuẩn bị yêu cầu Trung Quốc giảm số nhân viên ngoại giao ở Mỹ bằng với số nhân viên ngoại giao Mỹ ở Trung Quốc, các quan chức Mỹ nói với Washington Times.

Sơn Trần

theo South China Morning Post

Bạn có thể quan tâm