Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao ông Nguyễn Bá Dương rời ghế chủ tịch Coteccons?

Trước khi ông Dương từ nhiệm, Coteccons xảy ra mâu thuẫn giữa ban lãnh đạo và cổ đông lớn khiến hàng loạt nhân sự chủ chốt phải rời đi.

Hơn 3 tháng kể từ ngày Công ty CP Xây dựng Coteccons (CTD) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 để giải quyết các vấn đề mâu thuẫn nội bộ giữa ban lãnh đạo và cổ đông lớn nước ngoài, ông Nguyễn Bá Dương đã có đơn từ nhiệm chủ tịch HĐQT cùng lời tạm biệt cổ đông và nhân viên.

Trong đơn từ nhiệm, ông Dương cho biết với lý do sức khỏe và muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, ông không thể sắp xếp công việc, đóng góp được những điều tốt nhất cho Coteccons. Vì vậy, ông quyết định từ nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT từ ngày 2/10.

Sự ra đi của hàng loạt nhân sự chủ chốt

Đáng chú ý, cách đây 3 tháng, chính ông Dương đã khẳng định sẽ gắn bó lâu dài với Coteccons và các cổ đông tại đại hội thường niên 2020. Ông sau đó đã chi hàng chục tỷ đồng để mua vào lượng lớn cổ phiếu CTD, trở thành cổ đông lớn (nắm trên 5% vốn). Hiện tại, ông Dương vẫn là cổ đông cá nhân lớn nhất tại nhà thầu xây dựng này.

Trước khi rời ghế chủ tịch, ông Dương cũng bị miễn nhiệm chức danh Trưởng tiểu ban chiến lược doanh nghiệp, một trong những tiểu ban quan trọng nhất tại Coteccons với vai trò nghiên cứu, đề xuất định hướng chiến lược phát triển doanh nghiệp, xây dựng cơ cấu tổ chức, nghiên cứu các dự án mới…

Người thay thế ông Dương ở cả 2 vị trí này là ông Bolat Duisenov (quốc tịch Kazakhstan) là đại diện sở hữu vốn và CEO của Kusto Vietnam (cổ đông lớn nắm giữ 17,55% vốn Coteccons).

Đặc biệt, trong những mâu thuẫn nội bộ trước đó, Kusto Vietnam chính là cổ đông liên tục đòi miễn nhiệm ông Dương và ông Nguyễn Sỹ Công (khi đó là tổng giám đốc).

Ong Nguyen Ba Duong roi ghe Chu tich Coteccons anh 1

Cả ông Nguyễn Sỹ Công và ông Nguyễn Bá Dương (thứ 2-3 từ trái) đều đã rời Coteccons. Ảnh: CTD.

Theo một số cổ đông Coteccons, việc ông Dương rời đi đã được dự báo trước, sau khi ĐHĐCĐ thường niên 2020 khép lại với hàng loạt nhân sự chủ chốt trong ban lãnh đạo bị miễn nhiệm hoặc từ nhiệm.

Khởi đầu là việc ông Nguyễn Sỹ Công (khi đó là tổng giám đốc) và ông Trần Quyết Thắng rút khỏi vị trí thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022. Ông Công đồng thời từ nhiệm vị trí tổng giám đốc công ty và không còn nắm giữ bất kỳ chức vụ, quyền hạn nào tại doanh nghiệp.

Để thay thế 2 vị trí trên, HĐQT đã bổ nhiệm 2 thành viên mới gồm ông Bolat Duisenov và Herwig Guido H.Van Hove (quốc tịch Bỉ) - đại diện sở hữu vốn của The8th (nắm 10,42% vốn Coteccons). Cùng với Kusto, The8th cũng là cổ đông ngoại liên tục đòi bãi nhiệm ông Nguyễn Bá Dương và ông Nguyễn Sỹ Công.

Trong tháng 8, ông Trần Quang Quân cũng từ nhiệm vị trí phó tổng giám đốc doanh nghiệp.

Đến giữa tháng 9, Kế toán trưởng Vũ Thị Hồng Hạnh có đơn từ nhiệm với lý do cá nhân, kết thúc gần 5 năm đảm nhiệm vị trí cao nhất trong ban kế toán Coteccons. Ngoài ra, 3 thành viên ban thư ký HĐQT cũng đồng loạt từ nhiệm với lý do cá nhân.

So với đầu năm 2020, HĐQT Coteccons đã thay đổi 3/7 vị trí, bao gồm nhân sự chủ tịch. Ban tổng giám đốc/kế toán trưởng nhà thầu này cũng thay đổi 4/6 vị trí, gồm cả tổng giám đốc và kế toán trưởng.

Đặc biệt, những người rời khỏi Coteccons từ tháng 6 đến nay đều là những nhân sự nhiều năm làm việc dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Bá Dương.

Kết thúc “triều đại” 16 năm

Việc ông Dương rời Coteccons đã kết thúc “triều đại” hơn 16 năm ông ngồi vị trí lãnh đạo cao nhất tại doanh nghiệp. Từ một công ty xây dựng có vốn điều lệ hơn 15 tỷ đồng (năm 2004) sau 16 năm Coteccons trở thành nhà thầu lớn nhất trong nước, vốn điều lệ đạt hơn 792 tỷ đồng, tăng 53 lần.

KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA COTECCONS
Nguồn: BCTC DN
Nhãn2010201120122013201420152016201720182019
Doanh thu tỷ đồng 330445104477619076341366920783271532856123733
Lợi nhuận sau thuế
240211219280357733142216531510711

Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của Coteccons đạt gần 15.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong nhiều năm kinh doanh, thi công nhiều dự án tổng vốn hàng chục nghìn tỷ nhưng Coteccons không hề phát sinh khoản nợ vay nào với ngân hàng.

Trong những năm gần đây, tổng doanh thu của Coteccons đều dao động trong khoảng 20.000-30.000 tỷ đồng/năm, lợi nhuận ròng sau thuế trên 1.000 tỷ (trừ năm 2019 lãi giảm mạnh còn 711 tỷ).

Với cá nhân ông Dương, ngoài Coteccons, ông cũng nắm giữ nhiều vai trò quan trọng tại các doanh nghiệp cùng hệ sinh thái bao gồm: Ricons, Newtecons, BM Windows…

Trong đó, ông có vốn cổ phần tại Ricons, doanh nghiệp từng thuộc hệ sinh thái Coteccons và từng có kế hoạch sáp nhập vào nhà thầu xây dựng này nhưng không thành. Hiện tại, Ricons đã tuyên bố hoạt động độc lập với Coteccons dưới sự lãnh đạo của ông Trần Quang Quân (1 trong 2 nhân sự cấp cao bị miễn nhiệm tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Coteccons).

Ông Dương cũng là nhà sáng lập và cổ đông nắm đa số vốn (ông và người nhà nắm 83%) tại Newtecons (tiền thân là CTCP Đầu tư Xây dựng Địa ốc F.D.C).

Newtecons từng được giới thiệu nằm trong hệ sinh thái Coteccons Group và là nhà thầu phụ tại nhiều dự án do Coteccons đứng thầu.

Hiện tổng giám đốc Newtecons là ông Trần Kim Long, người cũ của Coteccons. Trong đội ngũ giám đốc điều hành của Newtecons, nhiều cái tên cũng là người cũ từng nhiều năm làm việc dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Bá Dương.

Ông Nguyễn Bá Dương từ nhiệm chủ tịch Coteccons

Ông Nguyễn Bá Dương đã có đơn từ nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT Coteccons với lý do sức khỏe và muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm