Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vì sao ông Biden quyết tiến hành chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh IS?

Thực hiện chiến dịch đột kích nhằm bắt sống thủ lĩnh IS là quyết định tiềm ẩn nhiều rủi ro cho Tổng thống Joe Biden, trong bối cảnh uy tín của ông đang bị ảnh hưởng.

dot kich thu linh IS anh 1

Đầu tháng 12/2021, giới chức Mỹ biết chắc đã nắm được vị trí của thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi tại một căn nhà 3 tầng ở tỉnh Idlib, Syria.

Các quan chức Mỹ trình lên Tổng thống Joe Biden bản kế hoạch bắt sống al-Qurayshi, trong đó vẫn còn những rủi ro về tính mạng cho binh sĩ Mỹ, thường dân cũng như những đe dọa khác chưa thể lường trước.

Với ông Biden, có hay không thực hiện chiến dịch đột kích al-Quarayshi sẽ là một trong những quyết định mạo hiểm và đáng chú ý nhất trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, theo Washington Post.

Kỳ vọng của Washington

Sau khi tình báo Mỹ chắc chắn về vị trí của al-Qurayshi, Tổng thống Biden được báo cáo nhiều lựa chọn phương án xử lý thủ lĩnh IS, trong đó có bắt sống hoặc tiêu diệt tại chỗ.

Nhiều cuộc thảo luận giữa ông Biden và các chỉ huy quân sự đã diễn ra để quyết định về thời gian và cách thức vây bắt thủ lĩnh IS. Tới ngày 1/2, phương án cuối cùng được đưa ra.

Sau cuộc thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley, Tổng thống Biden cho phép triển khai chiến dịch chống khủng bố lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông.

Cuộc đột kích nhắm vào tỉnh Idlib không giống với chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden năm 2011 khi ông Biden còn là cấp phó cho cựu Tổng thống Barack Obama. Mục tiêu lần này của đặc nhiệm Mỹ là bắt sống, chứ không phải tiêu diệt, al-Qurayshi.

dot kich thu linh IS anh 2

Máy bay do thám của Mỹ thu thập thông tin ngôi nhà nơi al-Qurayshi ẩn náu. Ảnh: Reuters.

Tóm được al-Qurayshi là cơ hội lớn để Washington giáng một đòn nặng nề vào IS, trong bối cảnh tổ chức này đang hoạt động ngày càng mạnh mẽ trở lại ở Trung Đông và Bắc Phi.

Một trong các chi nhánh của IS là ISIS-K đứng sau vụ đánh bom khủng bố tại sân bay thủ đô Kabul cuối tháng 8 khi Mỹ đang tiến hành chiến dịch di tản khỏi Afghanistan. Vụ đánh bom khiến 13 binh sĩ Mỹ cùng gần 200 thường dân Afghanistan thiệt mạng.

Tháng trước, IS tấn công một nhà tù ở đông bắc Syria để giải cứu cho các thành viên bị giam giữ tại cơ sở này.

Al-Qurayshi là một thủ lĩnh lâu năm của IS. Washington kỳ vọng việc tóm gọn tên này sẽ đánh tan nhuệ khí của tổ chức khủng bố.

"Chúng tôi tin chiến dịch sẽ làm gián đoạn hoạt động của IS. Al-Qurayshi là một trong số ít các nhân vật mà chúng ta có thể gọi là 'thủ lĩnh hợp pháp' của IS", một quan chức cấp cao của Mỹ nói.

Trước đó, Mỹ đã tiến hành nhiều chiến dịch truy lùng các thủ lĩnh khác của IS, trong đó có vụ đột kích dẫn tới cái chết của Abu Bakr al-Baghdadi tháng 10/2019 cũng tại Syria.

Tóm được al-Qurayshi cũng sẽ mang lại điểm số quan trọng cho nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, trong bối cảnh uy tín của ông sứt mẻ nghiêm trọng vì cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Các quan chức Mỹ cho biết kế hoạch bắt giữ al-Qurayshi tiêm ẩn những biến số phức tạp bởi có nhiều thường dân sống tại khu nhà tên này ẩn náu, đặc biệt là trẻ em.

Các gia đình sống ở tầng một của tòa nhà không biết họ đang hàng ngày chung đụng với một trong những phần tử khủng bố khét tiếng nhất thế giới.

Al-Qurayshi hiếm khi rời khỏi nhà, trừ những lúc tắm nắng trên sân thượng. Tên này sử dụng người đưa tin để truyền đạt mệnh lệnh cho hệ thống chỉ huy IS cấp dưới.

Để lên kế hoạch tác chiến, các chỉ huy chiến trường Mỹ xây dựng mô hình mặt phẳng từng tầng ngôi nhà al-Qurayshi ẩn náu.

Việc trú ẩn ở ngôi nhà tại tỉnh Idlib là lựa chọn có tính toán của trùm khủng bố. Al-Qurayshi được vây quanh bởi nhiều phụ nữ và trẻ em, khiến mọi lựa chọn tiêu diệt tên này đều có rủi ro gây ra thiệt hại ngoài ý muốn cho thường dân.

dot kich thu linh IS anh 3

Al-Qurayshi kích nổ quả bom tự sát trước khi biệt kích Mỹ xông vào bên trong tòa nhà. Ảnh: Reuters.

Bởi tính chất phức tạp trên thực địa, Tổng thống Biden quyết định thay vì không kích, lực lượng đặc nhiệm Mỹ sẽ trực tiếp tiến hành vụ đột kích. Điều này đồng nghĩa Washington chấp nhận rủi ro tính mạng của binh sĩ Mỹ để giảm thiểu rủi ro thiệt hại nhân mạng của thường dân.

Phần lớn tỉnh Idlib hiện nằm dưới sự kiểm soát của Hayat Tahrir al-Sham, nhóm phiến quân có liên hệ với Al-Qaeda. Bởi vậy, đặc nhiệm Mỹ đối mặt thêm một rủi ro khác là bị tấn công bởi nhóm phiến quân.

"Chúng tôi lựa chọn sử dụng đặc nhiệm đột kích với rủi ro lớn hơn cho binh sĩ của mình thay vì không kích. Lựa chọn này nhằm giảm thiểu thiệt hại sinh mạng của thường dân", Tổng thống Biden phát biểu ngày 3/2.

Các phát biểu của Tổng thống Biden cho thấy Nhà Trắng đã học được bài học từ chiến dịch rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan, khi đó những người chỉ trích cho rằng Washington đã khiến hàng nghìn thường dân đối mặt hiểm nguy mà hậu quả nhãn tiền là vụ đánh bom ở sân bay Kabul.

Hôm 3/2, Tổng thống Biden nhấn mạnh những gì Washington đã làm để tránh rủi ro cho thường dân khi tiến hành vụ đột kích. Ông Biden cũng nhắc lại vai trò của al-Qurayshi trong tội ác của IS đối với người Yazidi ở Iraq.

Canh bạc chính trị

Tranh cãi tại Nhà Trắng về cách thức tiến hành đột kích al-Qurayshi không quá khác những gì từng diễn ra trước vụ tấn công nơi ẩn náu của Bin Laden năm 2011.

Khi đó, ông Biden trên cương vị phó tổng thống là một trong các tiếng nói hoài nghi chiến dịch. Ông Biden yêu cầu tình báo Mỹ cần chắc chắn Bin Laden có mặt tại ngôi nhà ở Pakistan, đồng thời cảnh báo rủi ro mà binh sĩ Mỹ đối mặt.

"Lo ngại chính của Biden là hậu quả chính trị nếu chiến dịch thất bại", cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cho biết.

Lần này, hậu quả với chính quyền Biden sẽ rất khó lường nếu chiến dịch thất bại. Quyết định rút quân Mỹ khỏi Afghanistan dẫn tới sự sụp đổ chóng vánh của chính quyền thân phương Tây, sự trỗi dậy của Taliban, đã giáng một đòn nặng nề vào uy tín của ông Biden.

Sau vụ đánh bom của ISIS-K, quân đội Mỹ sử dụng máy bay không người lái không kích một mục tiêu được cho là kẻ chủ mưu vụ đánh bom, kết quả là 10 dân thường thiệt mạng. Giới chức Mỹ thừa nhận vụ việc là một "sai lầm khủng khiếp".

dot kich thu linh IS anh 4

Tầng trên cùng tòa nhà nơi al-Qurayshi ẩn náu bị phá hủy sau vụ nổ bom tự sát. Ảnh: Reuters.

Tỷ lệ tín nhiệm vốn đã thấp của ông Biden đơn giản là không thể chịu thêm một sai lầm quân sự nữa.

Dẫu vậy, Tổng thống Biden dường như có cách tiếp cận khác so với chiến dịch tiêu diệt Bin Laden.

"Là tổng thống sẽ rất khác so với là phó tổng thống. Phó tổng thống chỉ cần nêu suy nghĩ, quan điểm. Nhưng khi ở vị trí tổng thống, ông ấy phải ra quyết định cuối cùng", Leo Panetta, cựu giám đốc CIA và bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Obama, nói.

"Tổng thống hiểu di sản của ông ấy sẽ được đánh giá bởi những quyết định kiểu như thế này. Ông ấy có thể lựa chọn sai lầm và thảm họa sẽ đến. Nhưng nếu quyết định đúng đắn và chiến dịch thành công, tổng thống sẽ nhận lại uy tín và can đảm để đưa ra những quyết sách khác", ông Panetta nói thêm.

Quyết định cho phép đột kích cuối cùng được Tổng thống Biden đưa ra ngày 1/2 sau cuộc họp tại Phòng Bầu dục. Giới chức quân sự lựa chọn tiến hành chiến dịch vào ban đêm.

Tổng thống Biden, Phó tổng thống Kamala Harris, và các cố vấn cấp cao theo dõi chiến dịch từ Phòng Tình huống ở Washington.

Theo kế hoạch, đặc nhiệm Mỹ được triển khai trên chiến trường trong vòng 2 giờ đồng hồ. Ngay khi triển khai tới mục tiêu, binh sĩ Mỹ thông báo lớn về sự hiện diện của họ, yêu cầu thường dân rời khỏi tòa nhà. Giới chức Mỹ cho biết 10 thường dân đã rời khỏi tòa nhà, trong đó có 8 trẻ em.

Không lâu sau khi đặc nhiệm Mỹ phát đi cảnh báo, al-Qurayshi kích nổ một quả bom từ trên tầng 3 của tòa nhà. Quả bom khiến al-Qurayshi và gia đình thiệt mạng. Vụ nổ bom tự sát của al-Qurayshi tương tự cách mà al-Baghdadi lựa chọn khi bị đặc nhiệm Mỹ đột kích năm 2019.

Quân đội Mỹ đã tính đến khả năng al-Qurayshi nổ bom tự sát. Các kỹ sư công binh Mỹ đã tính toán và kết luận vụ nổ sẽ chỉ phá hủy tầng trên cùng của tòa nhà.

"Tôi nghi al-Qurayshi không biết điều này. Ý định của hắn có lẽ là giết tất cả người bên trong tòa nhà", một quan chức Mỹ nói.

Thủ lĩnh IS bị giết trong cuộc đột kích của Mỹ Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi, thủ lĩnh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị giết trong cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ ở miền Bắc Syria.

Mỹ phá hủy trực thăng tham gia vụ đột kích thủ lĩnh IS

Một trực thăng Mỹ gặp trục trặc kỹ thuật trong vụ đột kích thủ lĩnh IS ở Syria, đặc nhiệm Mỹ sau đó quyết định phá hủy phương tiện này tại hiện trường.

Hình ảnh hiện trường chiến dịch đột kích thủ lĩnh IS

Tòa nhà mục tiêu vụ đột kích của đặc nhiệm Mỹ bị sập một phần do thủ lĩnh IS kích nổ bom tự sát. Mỹ khẳng định mọi thương vong của thường dân do hành động của thành viên IS.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm