Sáng 30/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội công bố thêm 23 ca nhiễm nCoV trên địa bàn, trong đó 17 ca thuộc ổ dịch phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi).
Trao đổi với Zing, ông Đặng Khánh Hòa, Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, cho biết tình hình tại ổ dịch này rất phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh trong những ngày qua và hiện là ổ dịch có số ca mắc Covid-19 lớn nhất tại Hà Nội. Riêng ngày 29/8, số ca mắc tại đây đã là 92 trường hợp.
Chưa tính đến mở rộng vùng phong tỏa
"Đánh giá mức độ phức tạp của khu vực này, bên cạnh phong tỏa cứng 2 ngõ dân cư và đoạn đường trên phố Nguyễn Trãi, quận đã bố trí thêm 13 chốt kiểm soát có nhân viên trực cả ngày cùng hệ thống hàng chục camera giám sát đến từng hẻm, từng khu tập thể trong ngõ", ông Hòa nói.
Quận cũng cử lực lượng kiểm soát thường xuyên kiểm tra, đảm bảo không người dân nào ra khỏi nhà. Toàn bộ thực phẩm, đồ dùng thiết yếu được đưa đến từng nhà dân để họ yên tâm cách ly. Với số F0 trong khu vực lên đến 271 người, khả năng ca dương tính tiếp tục gia tăng là rất cao.
Ổ dịch ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi đã có 271 ca mắc Covid-19. Ảnh minh họa: Đức Anh. |
Khi được hỏi về việc quận đã tính đến mở rộng vùng phong tỏa khi số ca mắc tăng nhanh tại đây, Phó chủ tịch quận Thanh Xuân cho biết quận đang cân nhắc kỹ, đánh giá dựa theo ý kiến của cơ quan chuyên môn và số liệu ca mắc.
F0 đang được khóa trong vùng phong tỏa, nguy cơ lan ra ngoài không cao.
Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Khánh Hòa
"Số F0 tăng nhanh, nhưng đây là tình huống chúng tôi đã dự liệu. Qua xét nghiệm sàng lọc khoảng 10.000 mẫu tại khu vực lân cận và dân cư xung quanh vùng phong tỏa, chưa phát hiện các ca mới. Vì vậy, có thể khẳng định F0 đang được khóa trong vùng phong tỏa, nguy cơ lan ra ngoài không cao", ông Hòa nói.
Phân tích về nguyên nhân khu vực này trở thành ổ dịch "siêu lây nhiễm", ông Hòa cho biết ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi có mật độ dân cư quá đông, lối đi chật hẹp, nhiều tập thể, chung cư cũ khiến việc tiếp xúc gần lớn. Dù giãn cách, nhưng một số người dân chưa thực sự tuân thủ, vẫn đi lại, giao lưu.
"Đáng lo ngại là trong khu vực có 5 nhà tập thể cũ, dân số rất lớn mà các nhà cùng tầng lại sử dụng chung khu vệ sinh, tắm giặt. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến số ca bệnh bùng phát mạnh", ông Hòa nói thêm.
Về các biện pháp trong thời gian tới, ông Hòa cho biết quận sẽ tăng cường xét nghiệm sàng lọc, sớm phát hiện F0 để đưa đi cách ly, điều trị. Ngoài ra, đối với trường hợp đã âm tính lần 1, quận tiếp tục xét nghiệm thêm lần 2 và 3 để đảm bảo an toàn.
Cần tính phương án cho kịch bản xấu
TS.BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, cho rằng đây là ổ dịch điển hình cho mức độ nguy hiểm của biến chủng Delta. Người dân sống trong các khu nhà chật hẹp, trong ngõ nhỏ, thông khí kém thời gian dài thì nguy cơ lây nhiễm rất cao.
"Qua thông tin từ CDC Hà Nội, có thể thấy gần một nửa ca bệnh phát hiện ở đây là người đã có triệu chứng, tải lượng virus rất cao, khả năng lây nhiễm mạnh. Có thể nói cư dân trong khu vực này rất dễ trở thành F0 nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.", bác sĩ Thu Anh nói thêm.
Việc ngăn chặn lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa ở quận Thanh Xuân Trung chưa hiệu quả. Ảnh minh họa: Đức Anh. |
Với việc biện pháp ngăn chặn lây nhiễm trong khu phong tỏa chưa hiệu quả, vị chuyên gia cho rằng ngành y tế TP cần tính đến các giải pháp khác đối với ổ dịch này. Ngoài việc phong tỏa chặt để làm chậm nguồn lây và hỗ trợ thực phẩm cho người dân, quận cần tính phương án cách ly, điều trị cho kịch bản 1.000-2.000 ca nhiễm phát hiện trong thời gian ngắn.
Gần một nửa ca bệnh phát hiện ở đây là người đã có triệu chứng, tải lượng virus rất cao, khả năng lây nhiễm mạnh
Bác sĩ Nguyễn Thu Anh
"Áp lực lên hệ thống y tế TP có thể tăng lên rất nhanh nếu ổ dịch này tiếp tục phức tạp", bà Thu Anh khuyến nghị TP huy động thêm nhân viên y tế từ các vùng chưa có dịch để quản lý, điều trị F0. Đối với quản lý khu vực phong tỏa, cung cấp nhu yếu phẩm, TP cần huy động thêm công an, quân đội.
Sở Y tế, CDC Hà Nội khẩn trương tập huấn cho đội ngũ y tế, phòng trường hợp phải điều trị F0 tại nhà như trong TP.HCM. Bác sĩ cũng gợi ý ngành y tế có thể tính đến cách ly F1 tại nhà để giảm áp lực lên hệ thống y tế cũng như tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.
Đối với địa bàn phức tạp, đông dân cư như ổ dịch này, bà Thu Anh đề xuất lập tổ y tế cho từng khu vực dân cư; lập phương án dự trữ oxy lỏng ở tuyến quận/huyện trở lên, trạm oxy lưu động tại cộng đồng và dự trù vật tư tiêu hao liên quan.
"TP cần tiếp tục đẩy nhanh việc tiêm vaccine, đặc biệt là đối tượng có nguy cơ chuyển biến nặng như người già trên 65 tuổi. Tiêm vaccine giúp hạn chế tử vong và cũng giúp giảm áp lực lên hệ thống y tế nhất là trong giai đoạn dịch phức tạp như hiện tại", bà nói.
Ngày 27/8, UBND quận Thanh Xuân quyết định thành lập khu cách ly tập trung tòa nhà tái định cư A1 Kim Giang (ngõ 80 phố Hoàng Đạo Thành, phường Kim Giang). Khu cách ly tập trung được đưa vào vận hành khi ổ dịch ở phường Thanh Xuân Trung bùng phát dữ dội với hơn 270 ca nhiễm.
Trước đó, quận Thanh Xuân cũng đưa vào sử dụng khu cách ly tại Bệnh viện Than - Khoáng sản (phường Phương Liệt với công suất gần 200 giường).
Tính đến 7h ngày 30/8, CDC Hà Nội ghi nhận 3.114 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn, trong đó hơn một nửa ca phát hiện trong cộng đồng. Diễn biến dịch tại Hà Nội tiếp tục phức tạp sau 5 tuần giãn cách với số ca mắc trung bình 60-70 ca/ngày.