Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao nhiều xe nổ lốp trên cao tốc?

Tình trạng nổ lốp xe trên cao tốc đang được cơ quan quản lý xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc và có các giải pháp phòng ngừa khi nhiều tuyến đường cao tốc được đưa vào sử dụng.

Khi mới đưa vào khai thác, tuyến cao tốc Sài Gòn - Trung Lương liên tiếp xảy ra các vụ nổ lốp xe. Cho biết về tình trạng này, ông Vũ Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường cao tốc (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) thông tin, trong năm 2015, trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương có 1.760 phương tiện bị nổ lốp, thủng săm. Tuy nhiên, con số này đã giảm nhiều so với những năm trước. Chẳng hạn trong năm 2013, có đến 2.258 vụ nổ lốp, năm 2014 là 1.865 vụ.

Nổ lốp chủ yếu do chất lượng phương tiện

Ông Nguyễn Văn Nghiêm - Giám đốc Công ty Cổ phần 715, đơn vị được giao quản lý duy tu tuyến đường cũng cho biết, nổ lốp là sự cố xảy ra nhiều nhất trên đường cao tốc. Lý giải nguyên nhân số vụ nổ lốp có chiều hướng giảm theo các năm, ông Nghiêm cho rằng, một phần do tài xế, chủ xe đã rút kinh nghiệm.

“Khi mới đưa vào sử dụng đường cao tốc, nhiều tài xế chưa biết khi chạy trên đường cao tốc với tốc độ nhanh, độ nhám tốt, ăn mòn lốp nhiều. Giờ tài xế, chủ xe đã chú ý hơn mỗi khi đi vào đường cao tốc”, ông Nghiêm nói.

Xe bị nổ lốp trên đường cao tốc chủ yếu là các xe chở quá tải.

Ông Trần Anh Tú - Giám đốc Ban Quản lý khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng cho biết, kể từ khi đưa vào khai thác toàn tuyến đường này (5/12) đến nay, theo ghi nhận, đã có trên 30 vụ xe bị hỏng lốp phải gọi cứu hộ, trong đó tập trung vào các loại xe tải. Như vậy, trung bình mỗi ngày có hơn một vụ xe hỏng lốp.

Theo ông Tú, việc thảm lớp tạo nhám trên các tuyến đường cao tốc có độ ma sát cao hơn sẽ hại lốp xe hơn là điều đương nhiên. Để hạn chế tình trạng xe hỏng lốp khi lưu thông trên đường cao tốc, ông Tú cho biết, đã phát tờ rơi tuyên truyền để lái xe nắm rõ các quy tắc khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, đặc biệt là nhận biết phương tiện của mình có đảm bảo để đi vào đường cao tốc hay không.

Phân tích về mặt kỹ thuật phương tiện, ông Ngô Hồng Hệ -Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho rằng, có hai loại lốp xe ôtô, loại không săm và có săm. Trong đó khả năng nổ lốp đối với loại không săm rất thấp, trừ trường hợp bị vết chém hoặc va đập đột ngột, còn trường hợp bị đinh, vật nhọn đâm thủng cũng chỉ xuống hơi từ từ.

“Có nhiều yếu tố dẫn đến nổ lốp xe, có thể do chất lượng lốp kém, do lượng hơi không đúng theo tiêu chuẩn và khi chạy trên đường cao tốc gặp lực cản, ma sát lớn, sinh ra nhiệt nên dẫn đến sự cố”, ông Hệ phân tích.

Làm gì để hạn chế nổ lốp trên cao tốc?

Để hạn chế tình trạng nổ lốp xe trên đường cao tốc, TS. Nguyễn Ngọc Long - Phó chủ tịch Hội KHKT cầu đường Việt Nam cho rằng, đường cao tốc không phải để cho xe quá đát, xe chất lượng kém, lốp không đảm bảo đi vào. Do khai thác tốc độ cao lại có lớp tạo nhám với độ ma sát lớn, nếu lốp xe yếu, không đảm bảo sẽ rất dễ bị nổ.

Riêng với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, ngoài vấn đề lốp, còn có nhiều xe quá tải, nhất là container. Nếu xe có tải trọng lớn hơn tải trọng thiết kế mà đi nhanh đương nhiên sẽ có vấn đề.

“Để hạn chế tình trạng nổ lốp trên cao tốc, cần tuyên truyền để lái xe, chủ xe biết được phương tiện của mình có đạt tiêu chuẩn đi vào cao tốc hay không. Bên cạnh đó, các đơn vị đăng kiểm cũng cần siết chặt công tác kiểm định phương tiện, nếu thấy có yếu tố lưu thông trên đường cao tốc, cần phải lưu ý độ mài mòn của lốp có chịu được đến kỳ đăng kiểm sau hay không”, TS. Long nói và cho rằng, nên có loại giấy đăng kiểm cho xe lưu hành trên đường cao tốc với một số điều kiện về kỹ thuật cao hơn.

Trả lời câu hỏi, lớp tạo nhám được thi công trên các tuyến cao tốc có hợp lý hay không, ông Hoàng Hà - Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, cao tốc ở nhiều nước còn có độ nhám cao gấp rưỡi Việt Nam. Hiện, tiêu chuẩn tạo nhám của Việt Nam đang ở mức trung bình. Bao nhiêu năm nay chúng ta vẫn dùng vật liệu Novachip để tạo nhám và không có vấn đề gì.

“Thời gian qua có nhiều xe bị nổ lốp trên cao tốc chủ yếu là do các xe chở quá tải. Nếu xe cứ chạy đúng tiêu chuẩn, chắc chắn không xảy ra nổ lốp”, ông Hà nói.

Một giải pháp được khá nhiều lái xe chia sẻ để chống nổ lốp là bơm khí nitơ (N2) cho lốp xe thay vì bơm khí thông thường. Anh Nguyễn Văn Tân, tài xế xe tải nặng chạy tuyến Cần Thơ - TP HCM cho biết, trước đây, xe anh thường bị nổ lốp trên đường cao tốc nhưng từ ngày bơm khí nitơ đến giờ không còn nổ lớp nữa.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia ôtô, khi xe chạy với tốc độ cao, ma sát giữa lốp xe và mặt đường, ma sát giữa má phanh, vành và lưới lốp xe luôn sinh nhiệt, làm không khí giãn nở khiến lốp xe bị “pan”, rất nguy hiểm. Ngoài ra, bột cao su của lốp có thể tạo nên thể hơi vinyl dễ cháy khi môi trường bên trong quá nóng, gây nổ lốp.

Vì thế bơm khí nitơ cho lốp xe, khả năng truyền dẫn tiếng ồn thấp hơn không khí, tạo độ êm ái hơn cho xe, giảm nhiệt cho lốp xe khi chạy tốc độ cao. Giá bơm khí nitơ cũng chỉ từ 20 - 50.000 đồng/lốp tùy theo kích cỡ bánh xe.

Theo ông Ngô Hồng Hệ, khuyến cáo của nhà sản xuất, không nên sử dụng lốp xe quá 6 năm, ngay cả lốp mới không sử dụng đến, vì lốp bị lão hóa tự nhiên làm giảm khả năng chịu tải. Ông Hệ cũng cho biết, tỷ lệ phương tiện khi vào kiểm định không đạt yêu cầu do lốp xe khoảng 5- 7%.

Xử lý tình huống nổ lốp trên cao tốc như thế nào?

Chia sẻ kinh nghiệm xử lý tình huống xe nổ lốp trên cao tốc, chuyên gia cao cấp Nguyễn Paul Toàn Thắng (Công ty Dealer Edge Singapore) cho biết, khi đang chạy xe với tốc độ cao bị nổ lốp, người lái xe phải buông ga, giữ vững vô lăng để xe chạy trên đường thẳng, đánh vô lăng nhẹ nhàng để tránh xe khác trên đường và nhanh chóng tìm cách táp vào lề đường.

Để giảm bớt nguy cơ tai nạn, người lái xe nên tuân theo các bước sau: Đầu tiên đạp sâu chân ga khoảng một vài giây (áp dụng cho xe chạy tốc độ không quá cao), việc này giúp xe có thể chạy thẳng mà không bị chuyển hướng.

Nếu lốp xe bị nổ là lốp sau, thì từ từ rà phanh để giảm dần tốc độ và cho xe vào lề đường. Khi rà phanh, xe có thể bị rung lắc mạnh làm cho bạn khó kiểm soát. Nếu lốp trước bị nổ, tình thế sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều do lốp trước là lốp dẫn hướng. Bạn sẽ rất khó đánh lái, hãy cố gắng dùng hết sức giữ xe chạy thẳng.

Khi xe đã lấy lại được cân bằng và chạy chậm lại cũng không vì thế vội vã đạp mạnh chân phanh, mà phải hết sức từ từ rà phanh đến khi xe dừng hẳn. Ngay cả khi xe đang di chuyển rất chậm, đạp phanh gấp khi một lốp bị xịt cũng có thể gây lệch hướng.

http://www.atgt.vn/vi-sao-nhieu-xe-no-lop-tren-cao-toc-d133274.html

Theo Nhóm phóng viên/Báo Giao thông

Bạn có thể quan tâm