Tại nhiều quốc gia trên thế giới, dịch Covid-19 vẫn đang lây lan vô cùng phức tạp. Mỗi ngày, số lượng các ca nhiễm và tử vong tại những nước như Italy, Tây Ban Nha và đặc biệt là Mỹ đều tăng ở mức nghiêm trọng. Một phần nguyên nhân khiến số lượng các ca tử vong tăng đột biến là việc thiếu máy thở.
Vì sao nhiều nước thiếu máy thở?
Vậy tại sao những cường quốc hàng đầu thế giới như Italy hay Mỹ lại không thể cung cấp đủ lượng máy thở cho các bệnh viện? Dưới đây là một số nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này.
Nguyên lý hoạt động của máy thở. Nguồn: BBC/Hamilton Medical. |
Trước hết, ở thời điểm hiện tại, sản xuất ra một chiếc máy thở là việc vô cùng khó khăn. Tình hình dịch bệnh đã khiến nhiều công ty sản xuất thiết bị y tế buộc phải cho công nhân nghỉ làm để giảm thiếu tối đa sự lây lan của virus corona. Điều này dẫn đến thời gian chế tạo ra một chiếc máy thở lâu hơn bình thường.
Đầu tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí đã yêu cầu một số nhà sản xuất ôtô và các công ty công nghệ khác hỗ trợ những doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế để hệ thống của họ có thể vận hành hiệu quả hơn. General Motors, Ford Motors hay Tesla sau đó đều đã chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp này.
Mặc dù vậy, để vận hành các hệ thống sản xuất máy thở sẽ cần đến những kiến thức chuyên ngành. Nhiều chuyên gia kỹ thuật của các công ty sản xuất ôtô hay công nghệ không dễ tiếp thu, học hỏi những kiến thức cần thiết trong thời gian ngắn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để tăng tốc cho ra đời các thiết bị cần thiết cho cuộc chiến chống dịch. Ảnh: AP. |
”Máy thở là một thiết bị y tế có tính chất và cấu trúc đặc biệt. Nó liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ mạng sống con người. Vì vậy, nó cần được thiết kế với độ chính xác tuyệt đối.
Do đó, để cho ra đời một chiếc máy thở đạt chuẩn đòi hỏi các nhà sản xuất phải nghiên cứu và được đào tạo kỹ lưỡng. Điều này sẽ mất rất nhiều thời gian", Bob Hamilton, lãnh đạo công ty cung cấp thiết bị y tế Hamilton Medical cho biết.
Hamilton Medical là công ty cung cấp thiết bị y tế toàn cầu. Hàng năm, công ty có trụ sở chính tại Mỹ này xuất xưởng khoảng 15.000 chiếc máy thở. Hiện nay, công ty dự kiến sẽ tăng gấp đôi khối lượng công việc vì sự cần thiết của máy thở trong đại dịch Covid-19.
Những rắc rối về thủ tục
Các chính trị gia, quan chức y tế và giám đốc điều hành trong một số ngành công nghiệp tại Mỹ đang làm việc hết sức để có thể cung cấp thêm máy thở cho những bệnh viện nhằm tránh tình trạng thiếu hụt như tại Italy.
Nhưng ngay cả trong những điều kiện tốt nhất có thể, việc sản xuất đủ số lượng cho nhu cầu cấp thiết của nước Mỹ cũng sẽ mất tới vài tháng chứ không phải vài tuần.
“Nếu Tổng thống Trump viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để đặt hàng nhiều máy thở hơn và mở các dây chuyền mới, thì việc tăng sản xuất sẽ mất tối thiểu 90 ngày”, ông Jane Letwat, một luật sư ở Chicago cho biết.
Với việc thiếu máy thở cho điều trị Covid-19, nhiều bệnh viện phải sử dụng linh hoạt cả loại máy thở đặt khí quản và máy thở kiểu mặt nạ, thậm chí tính đến việc cho 2 bệnh nhân dùng chung máy thở. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh đó, dây chuyền sản xuất máy thở sẽ không thể đạt hiệu quả nếu các thiết bị và nguyên vật liệu dùng cho quy trình không đạt đủ yêu cầu về cả số lượng lẫn chất lượng.
“Mối lo ngại lớn nhất đối với chúng tôi hiện tại là các nhà cung cấp không thể đáp ứng yêu cầu về số lượng thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào, bởi các chuỗi cung ứng của họ cũng đang gặp khó khăn do virus corona.
Công ty của chúng tôi đang gặp phải tình trạng như vậy. Các nhà cung cấp tại Romania đang hạn chế sản xuất các thiết bị đầu vào, điều này có nghĩa là Hamilton Medical sẽ khó lòng có thể đáp ứng được số lượng máy thở", ông Bob Hamilton chia sẻ.
Một yếu tố khác khiến việc máy thở sản xuất ra chưa được sử dụng ngay đó chính là các quy định về cấp phép. Tại Mỹ, để một chiếc máy thở được đưa vào sử dụng, nó sẽ cần qua các bước kiểm định do Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thực hiện.
Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp và mức độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh Covid-19, FDA dự kiến sẽ đẩy nhanh các bước cấp giấy phép an toàn để đưa các máy thở vào sử dụng tại những cơ sở y tế trên toàn quốc.