Máy thở nhân tạo, hay thường được gọi là máy thở, là thiết bị dùng trong phẫu thuật để giữ cho phổi hoạt động khi bệnh nhân được gây mê hoàn toàn. Máy thở cũng là thiết bị cần thiết cho những bệnh nhân khó thở do nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng.
Dịch bệnh Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra đã làm nhu cầu sử dụng máy thở tăng đột biến. Dưới đây là những điều bạn nên biết về cách thức hoạt động của máy thở và những người cần sử dụng chúng ở phòng chăm sóc tích cực (ICU).
Máy thở hoạt động như thế nào?
Một máy thở có thể cung cấp khí oxy đến phổi và giúp giảm nồng độ CO2 trong cơ thể. Thiết bị này thường được sử dụng bằng cách đưa một ống dẫn khí vào miệng hoặc mũi bệnh nhân rồi sau đó đưa xuống vùng khí quản. Điều này cho phép máy thở điều hòa không khí ra vào trong phổi.
Một bác sĩ gây mê tại Đức đứng cạnh máy thở dành cho bệnh nhân trong phòng phẫu thuật. Ảnh: Getty. |
“Máy thở có thể cung cấp oxy bằng cách bơm không khí vào phổi giống như khi thổi một quả bóng bay”, Parshawn Lahiji, bác sĩ khoa cấp cứu tại Trung tâm Y tế của Providence Saint John cho biết.
"Bằng cách điều chỉnh thiết lập, chúng ta có thể đồng bộ luồng khí từ máy thở với tốc độ bệnh nhân thở thông thường, giúp họ thở tốt hơn bằng cách tăng áp suất, lượng khí hoặc luồng khí từ máy thở", bác sĩ Benjamin Singer làm việc tại phòng cấp cứu của trường y khoa ĐH Northwestern chia sẻ.
Máy thở được sử dụng để thay thế chức năng của phổi khi bộ phận này không hoạt động trong thời gian ngắn. Đó là lý do chúng thường xuyên được dùng trong các ca phẫu thuật để giữ cho phổi hoạt động khi người bệnh đang được gây mê toàn thân.
Chúng cũng được sử dụng trong trường hợp người bệnh mắc các loại bệnh như viêm phổi, làm suy yếu chức năng phổi.
Cách hoạt động của máy thở. Nguồn: BBC/Hamilton Medical. |
“Trong những tình huống như vậy, nếu các liệu pháp y học truyền thống không hữu ích, chúng ta có thể đặt ống thở vào cổ họng và để máy thở đảm nhận công việc hít thở trong thời gian đó”, Lahiji phát biểu.
Thời gian một người bệnh phải thở bằng máy tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của họ. Thông thường, thời gian này có thể dao động từ vài giờ đến vài tuần. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân bị suy hô hấp, máy thở có thể là thứ gắn liền với họ trong nhiều năm.
Vì sao máy thở quan trọng đối với bệnh nhân nhiễm Covid-19
Dịch bệnh Covid-19 có thể gây ra hội chứng suy hô hấp cấp tính, dẫn đến tổn thương phổi và khiến bạn khó thở.
“ICU là nơi máy thở thực sự phát huy tác dụng”, Lahiji nói thêm. Trên thực tế, máy thở có thể là phương pháp hiệu quả để cứu sống những bệnh nhân không thể tự thở bình thường.
Một giường bệnh chăm sóc đặc biệt tại Đức, bên phải là máy thở và dàn máy hỗ trợ tiêm thuốc. Ảnh: Picture Alliance. |
Trong một nghiên cứu quy mô lớn được công bố vào tháng 2 vừa qua đối với các đặc tính của dịch bệnh tại Vũ Hán, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra 5% trong số 1.099 bệnh nhân có kết quả dương tính với virus cần chăm sóc tại ICU. Trong số những người được chăm sóc tích cực, có tới gần một nửa, tức 2,3% tổng số bệnh nhân cần sử dụng đến máy thở.
"Với số lượng người nhiễm bệnh quá lớn, và chúng ta biết rằng một phần trong số đó sẽ tiến triển xấu dẫn đến cần sự trợ giúp từ máy thở, chúng ta có nguy cơ bị thiếu thiết bị này, một tài nguyên y tế rất quan trọng", bác sĩ Benjamin Singer nhận xét.
Ở Mỹ, những lo ngại về việc quá tải máy thở và giường bệnh tại ICU đang là điều gây cản trở nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh Covid-19. Báo cáo được cơ quan y tế thành phố New York công bố ước tính rằng với số lượng bệnh nhân hiện tại, New York có thể chỉ sở hữu 15% số lượng máy thở cần thiết.
Con số này dường như không đủ khi số lượng người nhiễm virus corona tại New York đang ngày một tăng cao.
Các quan chức y tế ở New York thậm chí đã cân nhắc tới việc sử dụng một máy thở cho hai bệnh nhân . Dù vậy, đây được đánh giá là một biện pháp tương đối mạo hiểm, đòi hỏi cả hai bệnh nhân phải có dung tích và kích thước phổi tương đồng với nhau.