Người dân Singapore chọn mua đồ trang trí tại khu Chinatown. Ảnh: theasianparent |
Tại Singapore, nhiều gia đình hào hứng trang trí nhà cửa và mua thức ăn để tiếp đón người thân trong dịp Tết âm lịch. Tuy nhiên, nhiều người khác tỏ ra không mặn mà với kỳ nghỉ lễ này, theo Straitimes.
Catherine Lim, 56 tuổi, cho hay, bà không chuẩn bị nhiều loại thực phẩm vì gia đình bà không có khách tới thăm trong những ngày Tết và bà cũng không mua thêm vật trang trí nhà cửa. "Tôi không thích hoa và cây cối xuất hiện trong nhà vào dịp này", Lim nói.
Bà Lim và chồng trở nên “lãnh cảm” trước những ngày Tết sau khi mẹ chồng và mẹ ruột của bà qua đời trong hai năm liên tiếp 2012 và 2013. Đây là cú sốc lớn khiến tâm trạng của bà trở nên tồi tệ và không còn háo hức mỗi dịp Tết đến.
Vợ chồng Lim có một con trai, 29 tuổi. Vì là một doanh nhân nên anh thường đi công tác trong dịp năm mới. Như vậy, hai vợ chồng già thường dành những ngày nghỉ lễ để xem phim hoặc chỉ ở nhà. Bà Lim cũng không thích tới thăm họ hàng vì bà muốn né tránh những câu hỏi của mọi người về việc con trai bà khi nào lấy vợ.
"Năm nào cũng vậy, họ luôn hỏi tôi những câu giống nhau. Điều này khiến tôi khó chịu và không muốn gặp họ. Tôi chỉ cảm thấy thoải mái khi đón năm mới cùng chồng”, Lim chia sẻ.
Phó giáo sư Helena Gao từ Đại học Công nghệ Nanyang thuộc trường Khoa học xã hội và Nhân văn nhận định rằng, truyền thống đón năm mới của người gốc Hoa có thể dần phai nhạt khi các bậc sinh thành qua đời.
"Những người lớn tuổi đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ gìn truyền thống và gắn kết các thành viên gia đình", bà Gao nhận định.
Những khoảng cách khó xóa
Jackson Lim, một giám đốc nghiệp vụ 29 tuổi, cho biết, anh đã không đón năm mới theo âm lịch kể từ khi cha của anh qua đời trong một vụ tai nạn giao thông. Khi đó, Lim mới 15 tuổi.
“Sau khi cha mất, tôi không còn muốn mua sắm và dự bữa cơm đoàn tụ cùng các thành viên trong gia đình vào dịp Tết”, Lim chia sẻ. Thay vào đó, Lim dành thời gian để du lịch một mình.
Lim từng có nhiều kỷ niệm đẹp với các anh chị em khi họ cùng nhau mua sắm quần áo mới và tới các khu chợ đêm vào thời điểm trước kỳ nghỉ lễ. Trong những ngày Tết, cha mẹ của Lim treo nhiều bao lì xì quanh nhà để các con cùng đoán số tiền bên trong chúng. “Đó là một trò chơi rất vui. Nhưng sau khi cha tôi qua đời, truyền thống đó của gia đình cũng không còn nữa”, Lim nói.
Trong khi đó, sinh viên ngành truyền thông của trường Đại học Công nghệ Nanyang Cheryl Lee, 23 tuổi, thường quay về nhà ngay khi cùng bố mẹ tới thăm ông bà.
“Điều quan trọng là tôi đã bày tỏ lòng kính trọng đối với ông bà. Vì không chơi thân với các anh chị em họ, tôi thường về nhà sau khi chúc Tết ông bà. Còn bố mẹ thì ở lại đó để chơi mạt chược hoặc trò chuyện với những người thân khác”, Lee tâm sự.
John Teh, 24 tuổi, sinh viên trường Đại học Queensland Australia, lại chọn cách ngồi lỳ ở nhà và chơi điện tử cùng anh trai, trong khi bố mẹ của họ tới thăm bạn bè.
"Bố mẹ tôi xích mích với các thành viên trong đại gia đình nên không để chúng tôi tiếp xúc nhiều với những người họ hàng", Teh cho biết.
Teh đã gặp gỡ một số anh chị em họ và người thân của anh vào dịp Tết hai năm trước. Tuy nhiên, thái độ lạnh nhạt của những người họ hàng đã khiến Teh cảm thấy bây giờ đã quá muộn để mọi người có thể hiểu nhau. "Chúng tôi đã trưởng thành và đi theo con đường riêng", Teh chia sẻ.
Theo Phó giáo sư Gao, cuộc sống xoay chuyển với tốc độ nhanh và sức hấp dẫn của thế giới bên ngoài đã khiến mọi người cảm thấy họ không có nhu cầu tham dự các cuộc đoàn tụ trong gia đình.
“Mọi người đang tập trung vào những ưu tiên cá nhân, bất kể họ đang ở độ tuổi 20, 30, 40 hay 50. Đây không phải là điều ngạc nhiên. Hiện tượng thờ ơ đáng buồn này cũng không xảy ra chỉ ở Singapore”, Gao nói.